06/09/2017 02:41
Hé lộ loạt chính sách dọn đường cho ô tô thương hiệu Việt
Một kế hoạch bài bản đang được đưa ra để dọn đường cho ô tô "made in Việt Nam", để ô tô thương hiệu Việt có chỗ đứng. Hai hướng chính đang được triển khai: hạn chế xe nhập và ưu đãi tối đa ô tô sản xuất trong nước.
Ưu đãi xe nội
Ngày 2/9 Tập đoàn Vingroup đã chính thức nhảy vào ngành công nghiệp ô tô với việc khởi công tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại Đình Vũ - Hải Phòng với công suất 100.000-200.000 xe/năm (gồm cả xe máy điện). Vốn đầu tư dự án lên tới 1-1,5 tỷ USD.
Trước đó, Trường Hải, Thành Công cũng đã khởi công những nhà máy sản xuất ô tô công suất trăm nghìn xe/năm.
Việc các doanh nghiệp Việt mở rộng đầu tư vào ô tô trong bối cảnh đầu năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô trong ASEAN giảm từ 30% về 0% khiến không ít người ngạc nhiên.
Nhưng nhìn vào những chính sách ưu đãi đã và đang được hoàn thiện cho ngành công nghiệp ô tô trong nước, thì vấn đề trở nên dễ hiểu hơn.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Chương trình giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô nhập khẩu trong 5 năm từ năm 2018-2022 cho 2 nhóm xe. Một là nhóm xe chở người dưới 9 chỗ, có dung tích xi lanh từ 2.000 cc trở xuống, tiêu hao nhiên liệu dưới 7lít/100km, tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018-2021); mức 5 từ năm 2022 trở đi. Hai là nhóm xe tải có tổng trọng lượng có tải từ 5 tấn trở xuống, tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018-2021); mức 5 từ năm 2022 trở đi.
Bộ Tài chính hy vọng rằng chương trình này sẽ góp phần tạo ra thị trường ô tô giá rẻ, chất lượng cao.
Giải thích cho sự ra đời của Chương trình này, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) chia sẻ: “Nếu không có chính sách gì cho sản xuất trong nước, việc giảm thuế nhập khổ ô tô từ 30% xuống 0% vào năm 2018 thì lượng nhập khẩu ô tô từ Thái Lan, Indonesia sẽ tăng mạnh”.
Đó chỉ là 1 trong hàng loạt chính sách ưu đãi cho ngành ô tô được đưa ra gần đây.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng cũng đề xuất ưu đãi giá tính thuế Tiêu thụ đặc biệt với dòng xe ô tô sản xuất trong nước. Cụ thể, Bộ này đề xuất giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước. Có nghĩa, ô tô sản xuất trong nước có tỷ lệ nội địa hóa càng cao thì giá sẽ càng rẻ.
Hạn chế xe nhập
Cùng với việc ưu đãi tối đa cho ô tô “made in Việt Nam”, thời gian gần đây, những chính sách để hạn chế ô tô nhập khẩu liên tiếp được các bộ, ngành đưa ra.
Trước hết, phải kể đến việc Bộ Công Thương đang hoàn thiện Nghị định về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô. Nghị định này được xây dựng để thay thế cho Thông tư 20/2011/TT-BCT vốn bị đánh giá là hạn chế quyền nhập khẩu ô tô đối với nhiều thương nhân trong nhiều năm qua.
Từng được hy vọng sẽ “cởi trói” cho hoạt động nhập khẩu ô tô, nhưng khi dự thảo này từng bước xây dựng và hoàn thiện, giới kinh doanh ô tô đã phải thốt lên rằng những điều kiện nhập khẩu đưa ra tại dự thảo Nghị định này “không nhiều doanh nghiệp đáp ứng được”.
Đơn cử dự thảo nghị định quy định: “Doanh nghiệp nhập khẩu phải có giấy xác nhận của nhà sản xuất ô tô nước ngoài về việc chỉ định doanh nghiệp nhập khẩu ô tô và chứng nhận ô tô nhập khẩu sẽ được bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi theo đúng quy định của nhà sản xuất”. Giấy chứng nhận này xét cho cùng không khác gì quy định các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền chính hãng, như tại Thông tư 20 của Bộ Công Thương trước đây.
Trong khi đó, Bộ Tài chính đang tìm cách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe bán tải (pick up) từ mức thấp nhất 15%, cao nhất 25% lên mức trung bình 33%.
Lý do là trong những năm qua, số lượng xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng nhập khẩu và tiêu dùng tăng nhanh. Cụ thể, năm 2012 lượng xe tiêu thụ mới là gần 3.300 chiếc, thì đến năm 2016 lượng xe tiêu thụ lên đến hơn 28.200 xe, tăng gấp hơn 8,5 lần.
Dòng xe bán tải này chủ yếu là nhập khẩu từ Thái Lan. Do loại xe này có thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn so với xe ô tô chở người có cùng số chỗ ngồi (xe SUV thuế Tiêu thụ đặc biệt là 55%) nên một số người tiêu dùng đã chuyển sang mua xe bán tải, thay vì mua xe SUV.
Vì thế, việc tăng mạnh thuế với xe bán tải sẽ khiến giá xe bán tải về Việt Nam sẽ đội thêm hàng trăm triệu đồng. Người dùng sẽ phải đắn đo khi “xuống tiền” sở hữu một chiếc xe loại này.
Chưa hết, để tạo thêm thị trường cho xe sản xuất trong nước, Bộ Tài chính còn đề xuất tăng mạnh thuế nhập khẩu ô tô cũ lên gấp 2 lần. Điều này có thể dẫn đến nghịch lý là ô tô cũ nhập khẩu về có giá cao hơn giá bán xe mới nhập khẩu cùng loại. Vì vậy, chính sách này ra đời, ô tô cũ sẽ hết đường về Việt Nam.
Những chính sách với ngành ô tô đã cho thấy quyết tâm đeo đuổi ngành này ở Việt Nam. Sau hơn 20 năm dừng lại ở những công đoạn đơn giản “hàn - sơn - lắp ráp - kiểm tra”, ngành ô tô lại được thổi thêm những luồng sinh khí mới. Thành công rực rỡ hay thất bại ê chề như đã từng xảy ra là điều cần thời gian kiểm chứng. Nhưng với những chính sách “lót đường” mạnh mẽ như hiện nay, ngành ô tô vẫn không thể lớn được thì không biết còn đợi đến bao giờ.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp