Cấp cứu ngay cho dân và doanh nghiệp
Mở cửa lại nền kinh tế và chuẩn bị kế hoạch phục hồi là chủ đề nóng bỏng trong các cuộc họp của lãnh đạo Chính phủ với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp trong suốt vài tuần qua, trong bối cảnh độ bao phủ vaccine đang lớn dần và dịch bệnh có xu hướng được kiểm soát tốt hơn tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam.
Thế nhưng, mở cửa trở lại nền kinh tế không chỉ là câu chuyện “tháo giãn cách” mà còn hàng loạt vấn đề tiếp theo cần quan tâm.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) nhấn mạnh, điều cần làm ngay bây giờ là bảo vệ được người lao động, doanh nghiệp và hộ gia đình, từ đó nuôi dưỡng được sức sống của nền kinh tế.
Nếu Nhà nước không có các chương trình hỗ trợ để “cấp cứu” kịp thời thì họ có thể rơi vào tình trạng kiệt quệ đến mức độ không thể gượng dậy được nữa.
Người dân TP.HCM chia sẻ với nhau những phần cơm từ thiện ngay trên đường phố trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát tháng 7/2021 |
Tháng 7 vừa qua, Bộ Tài chính đã tung ra gói an sinh xã hội 26 nghìn tỉ đồng cho người lao động và gói miễn giảm thuế 20 nghìn tỉ đồng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, chuyên gia nhận xét quy mô của các gói cứu trợ này còn nhỏ bé, không tạo nên tác động đáng kể.
Đáng lưu ý, Việt Nam đang nằm trong nhóm nước có gói hỗ trợ tài khóa thấp nhất trong khu vực.
Năm 2020, Việt Nam chi hỗ trợ tài khoá (gói an sinh xã hội 62 ngàn tỷ và gói miễn giảm thuế cho doanh nghiệp) bằng khoảng 1.7% GDP trong khi các nước Đông Nam Á và các nền kinh tế mới nổi khác chi bình quân 5% GDP.
Trong khi đó, theo ông Thành, điểm thuận lợi là Việt Nam vẫn có đủ dư địa chính sách để triển khai các gói hỗ trợ kinh tế. Lần đầu tiên trước một cuộc khủng hoảng toàn cầu có tác động tới Việt Nam, nhưng ổn định kinh tế vĩ mô trong nước vẫn được giữ vững.
“Ngân sách hoàn toàn có đủ dư địa để có các gói hỗ trợ ở quy mô lớn hơn cho năm 2021 và 2022. Theo dự toán năm 2021, bội chi ngân sách sẽ ở mức 344 nghìn tỷ đồng, tương đương 4% GDP.
Nếu để hỗ trợ an sinh xã hội và kinh tế, mức bội chi có thể tăng lên 4,9% GDP mà không gây bất ổn vĩ mô”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nêu quan điểm.
Hình ảnh chợ Đo đạc ở phường An Khánh, TP. Thủ Đức, TP.HCM, vốn là một nơi buôn bán nhộn nhịp mỗi ngày, đã phải đóng cửa từ tháng 7/2021 và tới nay đã kéo rào bảo vệ vùng xanh, chưa thể hoạt động trở lại. |
Đáng lo ngại hơn là khoảng cách quá lớn về chính sách và thực thi. Gói 62 nghìn tỉ đồng hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh năm 2020 cho đến nay mới giải ngân được 14 nghìn tỉ đồng, tương đương 22%.
Nguyên nhân được chỉ ra là các điều kiện, thủ tục nhận hỗ trợ quá rườm rà, nhiêu khê, ví dụ bắt người lao động phải chứng minh thiệt hại trong khi nhiều người lao động tự do không có giấy tờ.
Một số khảo sát gần đây của các phòng thương mại và công nghiệp, cả trong và ngoài nước, đều cho thấy một thực tế là hầu như khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là nhỏ và vừa, ở TP.HCM chưa nhận được một đồng hỗ trợ nào dù họ đã phải chịu đựng hơn 100 ngày giãn cách xã hội vì dịch bệnh.
“Chúng ta nói được nhưng chưa làm được, nên cần có những biện pháp trực tiếp hơn, căn cơ hơn để đi thẳng vào việc hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp một cách thực chất”, ông Thành thẳng thắn.
"Khó khăn của doanh nghiệp lúc này không còn dừng ở vấn đề đội chi phí sản xuất, mà chuyển sang trạng thái “khô máu”. |
Một giải pháp hỗ trợ quan trọng khác cho doanh nghiệp, theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) là giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Bởi khó khăn của doanh nghiệp lúc này không còn dừng ở vấn đề đội chi phí sản xuất, mà chuyển sang trạng thái “khô máu”.
Chỉ một thời gian ngắn nữa, sau khi thị trường mở ra, tình trạng “đói vốn” có thể sẽ bùng lên trong khi doanh nghiệp rất khó đủ điều kiện tiếp cận vốn vay mới.
Đưa lãi suất về ngang mức thế giới và khu vực để doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục trụ vững là câu chuyện lớn, không chỉ để giúp doanh nghiệp vượt qua cơn hoạn nạn này mà còn là vấn đề của tương lai vì mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam vẫn ở mức cao.
Trong khi hầu hết các nước đều duy trì mức lãi suất rất thấp, khoảng vài phần trăm, thậm chí âm như Nhật Bản, EU, mặt bằng lãi suất cho vay ở Việt Nam luôn dao động quanh mức 10-12%.
Nếu không còn dư địa giảm lãi suất thì phải tiếp cận theo hướng mới là hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách.
“Trong tình thế đặc biệt khó khăn này, nếu áp tiêu chuẩn, quy chuẩn bình thường thì doanh nghiệp không thể có nguồn lực để phục hồi sản xuất”, Tiến sĩ Trần Đình Thiên nói. |
Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng đây là lúc Chính phủ sử dụng thẩm quyền đặc biệt mà Quốc hội vừa trao để lập Quỹ dự phòng tài chính hoặc Quỹ bảo trợ tín dụng để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.
“Trong tình thế đặc biệt khó khăn này, nếu áp tiêu chuẩn, quy chuẩn bình thường thì doanh nghiệp không thể có nguồn lực để phục hồi sản xuất”, ông Thiên nhấn mạnh.
Cần thành lập Uỷ ban phục hồi, phát triển kinh tế
Với góc nhìn của một người nhiều năm làm chính sách vĩ mô, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nền kinh tế đang cần một Chương trình phục hồi và phát triển ở cấp quốc gia với sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Bởi doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế đang chịu tác động rất nghiêm trọng, chưa từng có tiền lệ.
Những shipper ở TP.HCM nỗ lực chuyển những chuyến hàng cuối cùng trước khi thành phố bước vào giai đoạn giãn cách gắt gao hồi cuối tháng 8/2021. |
Nhiều vấn đề rất lớn đang đặt ra, có thể sẽ phải thay đổi một số nội dung trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 đã được thông qua.
Vì vậy, theo ông Cung, cần có sự chỉ đạo từ các cơ quan cao nhất của đất nước, từ Bộ Chính trị, Quốc hội, để từ đó Chính phủ xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế trong tình hình mới.
Đại dịch Covid-19 như cơn cuồng phong quét qua và phơi bày những yếu kém của hệ thống quản trị quốc gia. Một trong những khiếm khuyết được nhiều chuyên gia chỉ ra là tính phân mảnh, chia cắt về thể chế.
Trong khi dịch bệnh ảnh hưởng tới tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội, chính trị thì các bộ ngành, địa phương lại thiếu sự phối hợp và kết nối với nhau, khiến cho công cuộc chống dịch gặp nhiều trục trặc và thiếu nhất quán.
Nhà nước cần có các chương trình hỗ trợ để “cấp cứu” kịp thời cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch. |
Do đó, Tiến sĩ Cung đề xuất thành lập Uỷ ban quốc gia về phục hồi và phát triển kinh tế, chịu trách nhiệm xây dựng, triển khai Chương trình phục hồi kinh tế với mục tiêu thúc đẩy phục hồi kinh tế, sinh kế của người dân và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy tăng trưởng.
“Các chính sách, giải pháp đề ra phải mạnh mẽ, khác biệt so với những nội dung đã xây dựng trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 vì tình hình đã thay đổi”, ông Cung nhấn mạnh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Chương trình phục hồi kinh tế phải dựa trên bốn trụ cột lớn, theo thứ tự ưu tiên.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. |
Một là, từng bước mở cửa lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở cửa nền kinh tế. Giai đoạn này chỉ nên kéo dài khoảng sáu tháng.
Hai là, phát triển hạ tầng, gồm cả hạ tầng truyền thống và kinh tế số. Đây chính là nhiệm vụ của đầu tư công.
Các dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư phải được tập trung triển khai ngay như sân bay Long Thành, hệ thống đường bộ, đường thuỷ kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tuyến đường cao tốc kết nối vùng.
Đồng thời, xây dựng các trung tâm logistics ở Vũng Tàu và Hải Phòng, Quảng Ninh.
Qua đợt bùng phát dịch lần thứ tư này, mới thấy hạ tầng số của chúng ta còn yếu kém, các nền tảng số không đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi cũng như yêu cầu quản lý nhà nước. Các vấn đề này phải được giải quyết sớm.
Chợ đầu mối, chợ dân sinh, chợ tự phát buộc phải đóng cửa, nguồn cung cấp nhu yếu phẩm của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào các siêu thị nhưng năng lực phục vụ đơn hàng không đáp ứng nổi, khiến TP.HCM phải cho hệ thống shipper hoạt động trở lại cuối tháng 9/2021 với yêu cầu test kiểm tra virus gắt gao. |
Ba là, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi song song với việc khuyến khích đầu tư toàn xã hội. Doanh nghiệp đã kiệt sức, phải cấp cứu ngay, nếu chờ đưa ra tiêu chí phân loại, khả năng tiếp cận chính sách sẽ rất thấp như các chương trình đã triển khai.
Đây cũng là thời điểm cần khuyến khích đầu tư vào những ngành nghề mới, những vùng kinh tế trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để tạo ra động năng mới cho tăng trưởng.
Có thể nói, việc lâu nay vẫn khuyến khích ưu đãi đầu tư vào những vùng khó khăn không còn phù hợp nữa. Muốn vậy, cần sửa Luật Đầu tư.
Bốn là, tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đại dịch, thế giới nhận ra đây là động lực thúc đẩy cải cách. Nhưng đáng tiếc từ năm 2020 đến nay, đà cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đang chững lại, ông Cung nhận xét.
TP.HCM đã liên tục phải giãn cách xã hội trong nhiều tháng và trưng dụng các trường học vào nhiệm vụ test kiểm tra virus lẫn thành lập các điểm thu dung bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn. |
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chương trình cải cách thể chế sâu rộng và bài bản là cần thiết để khôi phục kinh tế cũng như phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư, thúc đẩy phục hồi sau đại dịch.
Một môi trường kinh doanh minh bạch, ít rào cản gia nhập thị trường có thể giúp hạn chế suy giảm mật độ doanh nghiệp; hỗ trợ đội ngũ doanh nhân theo đuổi các hoạt động sản xuất, đồng thời sẽ phân bố lại nguồn lực khan hiếm vào ngành, sản phẩm có tiềm năng.
Những cửa hàng được bán mang về hồi tháng 6/2021 thì tới cuối tháng 9/2021 vẫn đang phải đóng cửa hoàn toàn. |
“Điều chúng ta cần hiện nay là một sự thay đổi lớn, một thể chế vượt trội để thúc đẩy các nhân tố mới cho quá trình phục hồi kinh tế.
Vượt qua được lúc khó khăn này cũng chính là tích luỹ được kinh nghiệm để cải cách thể chế trong giai đoạn phát triển mới của đất nước”, Tiến sĩ Cung nhấn mạnh.