Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Hành trình người mẹ 6 năm đưa con trở về từ cõi chết

Vĩ mô

08/03/2017 10:48

Các bác sĩ có lúc không tin sẽ giành lại được sự sống cho chàng trai từng sống thực vật, chỉ có mẹ em vẫn quyết đi đến cùng trong cuộc chiến đưa con thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Những năm tháng cùng con đi từ bệnh viện này tới bệnh viên khác, rất nhiều lời cầu nguyện khi con rơi vào trạng thái sống thực vật, từng giọt nước mắt khi biết tin con liệt nửa người, mẹ sợ lắm!

Mẹ sợ dù cố gắng đến mấy cùng không thể đưa con được quay lại được với cuộc sống bình thường. Tuổi của con đáng lẽ phải được đi học, đi làm, được tự do bay nhảy trên đôi chân của chính mình.

Nhưng có sao đâu con trai. Chỉ cần con còn thở, còn sống, mẹ sẽ chiến đấu hết sức mình. Dù có chuyện gì xảy ra, mẹ luôn ở đây.

(Trích nhật ký mẹ Nguyễn Thị Thu Đông viết cho con trai Võ Thành Hữu Nghĩa).

6 năm trước, mẹ suýt mất con

Một ngày cuối tháng 4 sáu năm về trước, cô Đông nghe tin con trai út không may bị chiếc xe tải chạy cùng chiều va phải, dẫn đến chấn thương sọ não. Từ một chàng sinh viên đại học khỏe mạnh, bác sĩ chẩn đoán khả năng lớn Nghĩa không qua nổi 4 ngày hôn mê.

Nước mắt ngắn dài chạy từ quê lên thành phố trong đêm, mẹ quặn thắt nhìn con không nhận ra ai, đôi mắt cứ mở vô hồn..

Đó là những ngày tháng dài nhất cuộc đời người phụ nữ nghèo. Phải làm gì để có tiền chữa trị cho con? Mà con phải được chăm sóc đủ đầy và phải sống, phải khỏe mạnh.

Sau một năm theo Nghĩa nằm viện, người mẹ quyết định bán hết ruộng đất ở Đắk Lắk, lên Sài Gòn ở hẳn với con trai.

Cuốn sổ ghi lại hành trình của con và mẹ

Và rồi trời không phụ lòng người, sau nửa năm bất động, phép màu bất ngờ xảy đến: Nghĩa thoát khỏi tình trạng sống thực vật.

Thế nhưng, ngay sau đó, cậu liên tục lên cơn động kinh, nửa người bị liệt, xương chân gãy, xương cụt hoại tử, cơ cổ trương lực, hai mắt mờ đục.

Cuốn sổ ngày nào giờ lại trở thành phương tiện giao tiếp của hai mẹ con. Thi thoảng có bạn bè tới thăm, mọi người lại ghi lại vài dòng nhắn nhủ tới Nghĩa.

Mẹ sẽ thay đôi chân của con

Kể từ đó, người mẹ bước vào quá trình đưa con trai trở về cuộc sống bình thường. 6 năm dài, con trải qua hàng chục ca mổ, nằm ở nhiều bệnh viện khác nhau.

Những ngày nằm liệt khiến các dây thần kinh tê cứng, con không thể cử động nếu không có mẹ. Trọng tâm cơ thể con cũng lệch sang một bên, khiến đầu, miệng méo xệch.

Để giúp con vận động trở lại, ngày nào mẹ cũng cùng con tập luyện. Người mẹ bé nhỏ luôn phải sát bên, nâng đỡ cậu con trai cao hơn 1m70.

Từ những bước đi chập chững, giờ con có thể leo được cầu thang, chống nạng đi bộ, tự dùng tay chân di chuyển xe lăn, thậm chí viết và vẽ những nét cơ bản. Con bắt đầu nói chuyện được bằng giọng nói thều thào.

Hành trình mỗi ngày của hai mẹ con thầm lặng như thế.

Hai người chung một phần ăn, con phần nhiều, mẹ phần ít

Để có tiền trang trải chi phí nằm viện, tranh thủ những khi con nghỉ ngơi, mẹ xin giúp việc nhà cho mấy hộ ở gần bệnh viện, mỗi tiếng được trả công 40.000 đồng. Không chỉ vậy, mẹ nhận phụ chăm sóc vệ sinh, ăn uống cho những bệnh nhân cùng phòng Nghĩa với giá 100.000 đồng/ngày.

Thế nhưng một năm trở lại đây, căn bệnh tuổi già khiến mẹ không thể lao động tay chân quá nhiều. Để có tiền cho con, mẹ chuyển sang nhận bóp chân tay cho một bệnh nhân, sáng mua đồ ăn, trưa giặt đồ thuê, mỗi tuần được trả 200.000 đồng.

Số tiền ít ỏi so với công sức bỏ ra, nhưng lại là số tiền giúp hai mẹ con mua được thêm gói mỳ tôm, ăn được thêm tô hủ tiếu gõ. Mẹ và con thường phải chia nhau 1 phần ăn, con phần nhiều mẹ phần ít. Cuối tuần, mẹ lại mang bát đi xin cơm từ những đoàn từ thiện.

Mẹ chỉ cần con còn sống

Các bác sĩ tại bệnh viên gọi trường hợp của Nghĩa là một phép màu. Từ một ca bệnh thập tử nhất sinh, khả năng lớn chỉ có thể sống đời thực vật, dù giờ đây chưa trở lại bình thường, cậu đã nói được, di chuyển được.

Với sự chăm chỉ tập luyện mỗi ngày, ai cũng tin rằng Nghĩa có cơ hội trở về với cuộc sống bình thường.

Đổi lại 6 năm đưa con trở về từ cõi chết là tuổi già của mẹ. Số thuốc người phụ nữ nhỏ nhắn kiên cường ấy, uống mỗi lần còn nhiều hơn Nghĩa.

Ngoài thoái hóa khớp, mẹ còn bị đau lưng, đau đầu gối, cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, loãng xương...

Hơn tất cả, là số tiền nợ mẹ vay để chữa trị cho con ngày càng nhiều và đến giờ vẫn chưa có khả năng chi trả.

Chỉ cần con còn sống, còn thở, đã là quá đủ


Nhìn lại hành trình gần 6 năm trải qua cùng con trai, 6 năm xem bệnh viện là nhà và những ngày tháng nghiến răng chịu đựng bệnh mình để lo cho con, mới thấy không đơn giản là phép màu, mà chỉ có sức mạnh của tình yêu thương con vô bờ mới làm được điều kỳ diệu đến thế.

"Ai cũng nói tin xấu với mẹ, rằng cơ hội con sống là rất thấp. Nhưng mỗi ngày mẹ lại cầu nguyện. Trước là xin cho con còn sống, sau đó tỉnh lại. Rồi mẹ xin cho con cử động, di chuyển được. Không cần biết con sau này sẽ ra sao, đối với mẹ, chỉ cần con còn sống, còn thở, đã là quá đủ. Vì mẹ có niềm tin, không có gì mẹ không thể vượt qua vì con", trích nhật ký mẹ Nguyễn Thị Thu Đông.

HOÀI THANH - NGÂN GIANG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement