03/12/2023 11:42
Hàng nhập khẩu từ Nga tràn ngập, thịt cua Nhật Bản rớt giá mạnh
Giá thịt cua đã giảm đáng kể ở Nhật Bản do nhập khẩu từ Nga tăng mạnh.
Thịt cua nhập khẩu chiếm phần lớn tại Nhật Bản. Cua tuyết đánh bắt ở Nga hiện có giá khoảng 2.000 yên/kg (JPY/kg), tương đương 14 USD/kg, giảm 33% so với mức trung bình năm 2022.
Thịt cua Canada hiện được bán với giá 1.800 JPY/kg, trong khi sản phẩm của Na Uy có giá 1.900 JPY/kg, giảm 32% và 51% so với giá trung bình năm ngoái. Cua huỳnh đế đỏ có nguồn gốc từ Nga được bán với giá khoảng 5.000 JPY/kg, giảm 38% so với mức trung bình năm 2022.
Sự sụt giảm mạnh về giá có thể bắt nguồn từ việc Nga xung đột với Ukraina. Nhật Bản đã tăng thuế đối với hải sản Nga vào tháng 4/2022 như một phần của lệnh trừng phạt đối với Moscow. Nhưng hải sản Nga không phải đối mặt với lệnh cấm nhập khẩu bán buôn như rượu vodka và các sản phẩm từ gỗ.
Đại diện Cơ quan Thủy sản Nhật Bản cho biết, việc thêm cua Nga vào danh sách đen "sẽ có tác động lớn đến ngành chế biến thủy sản của Nhật Bản".
Nga chiếm 8,6% lượng thủy sản nhập khẩu của Nhật Bản vào năm 2021 xét về giá trị. Tuy nhiên, quốc gia này lại là nguồn cung cấp 56% lượng cua nhập khẩu, 46% lượng nhím biển và 56% lượng nhập khẩu trứng cá tuyết.
Mỹ đã áp đặt lệnh cấm bán buôn đối với nhập khẩu thủy sản Nga vào tháng 3/2022. Mỹ từng là nước tiêu thụ thịt cua Nga lớn nhất của Nga, chiếm một nửa danh ngạch.
Reiko Higashimura, phó giáo sư chuyên về kinh tế thủy sản tại Đại học tỉnh Fukui, Nhật Bản, cho biết: "Không giống như gạo, lúa mì và các mặt hàng chủ lực khác, cua là một mặt hàng xa xỉ. Từ góc độ ngoại giao, cua là mục tiêu dễ dàng bị cấm nhập khẩu".
Với việc bị Mỹ cắt nguồn cung, thịt cua Nga bắt đầu được chuyển hướng sang Nhật Bản và các thị trường châu Á khác. Năm 2022, nhập khẩu cua tăng 11% lên 74,9 tỷ JPY (508 triệu USD).
Trong số này, hàng nhập khẩu của Nga nói riêng đã tăng 28% lên 48,5 tỷ JPY, bất chấp mức thuế cao hơn. Sản phẩm của Nga đã mở rộng thị phần cua nhập khẩu lên 64,8% vào năm 2022.
Xu hướng này đang tiếp tục trong năm nay. Nhật Bản nhập khẩu cua trị giá 35,8 tỷ JPY trong 3 quý đầu năm, trong đó 24,6 tỷ Yên có nguồn gốc từ Nga. Thị phần nhập khẩu cua của Nga trong thời gian đó đã tăng thêm lên 68,8%.
Dòng cua Nga nhập khẩu tràn vào đã làm tăng nguồn cung tại Nhật Bản, kéo theo giá thịt cua Canada và Na Uy giảm.
Cua đánh bắt ở Nhật Bản vẫn là một thứ xa xỉ. Giá bán buôn cua tuyết Nhật Bản hiện nay khoảng 15.000 JPY đến 16.000 JPY/kg, cao hơn khoảng 20% so với năm ngoái.
Một nguồn tin quen thuộc với thị trường cho biết: "Người tiêu dùng coi cua đánh bắt trong nước là sản phẩm khác với cua nhập khẩu, vì vậy chúng tôi không thấy sự cạnh tranh giữa chúng".
Lạm phát làm tăng chi phí hàng hóa và dịch vụ, giá bán buôn cua nhập khẩu thấp hơn là một điều may mắn cho các nhà bán lẻ. Uoriki, công ty điều hành một chuỗi cửa hàng hải sản, đang mở rộng sàn bán thịt cua lên gấp 5 lần trong mùa này.
Phần lớn thịt cua tại các cửa hàng Uoriki đều có nguồn gốc từ Nga. Giá nhập về rẻ hơn 20% đến 30% so với một năm trước đó.
Morigen Shop, nền tảng trực tuyến có trụ sở tại Osaka, đang chào bán cua nhập khẩu với mức giá thấp hơn 20-30% so với một năm trước.
Thương nhân cua Tsukiji Kanisho có trụ sở tại Tokyo bắt đầu vận hành một nhà hàng theo chủ đề cua vào tháng 3. Quán bắt đầu sử dụng cua huỳnh đế đỏ đánh bắt ở biển Barents, ngoài khơi bờ biển Nga và Na Uy. Mỹ từng chi nhiều hơn các nước khác để mua loại cua đặc biệt đó, nhưng giờ đây nguồn cung dễ dàng tiếp cận hơn với chi phí thấp hơn.
Khi chiến tranh Ukraina kéo dài, Nhật Bản có phong trào tự nguyện ngừng mua hải sản Nga, nhưng khó tránh hoàn toàn.
Nguồn cung cua ở bang Alaska của Mỹ đã giảm và việc đánh bắt một số loài đã bị cấm ở các khu vực đánh bắt cua ở Biển Bering và Quần đảo Aleutian kể từ năm 2022. Có rất ít lựa chọn thay thế cho Nga để đảm bảo số lượng thực phẩm cần thiết.
Một nhà phân tích thị trường cho biết: "Bất chấp những rủi ro chính trị, thương mại với Nga có thể sẽ tăng lên trong tương lai. Sinh kế của các nhà phân phối đang bị đe dọa".
(Nguồn: Nikkei)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement