15/12/2020 06:43
Hàng ngàn doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, kinh tế Mỹ trải qua một năm đầy sóng gió
Đối mặt với số nợ lớn và không kịp thích nghi trước những thay đổi của người tiêu dùng do COVID-19 khiến không ít doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực bán lẻ và nhà hàng phá sản trong năm 2020.
Theo số liệu mới nhất từ hãng tư vấn bán lẻ và công nghệ Mỹ Coresight Research cho thấy, các nhà bán lẻ Mỹ đã đóng cửa 8.400 cửa hàng trong năm nay. Trong số đó, Ascena Retail - một tập đoàn bán lẻ quần áo của phụ nữ là công ty phải đóng cửa nhiều chi nhánh nhất với gần 1.200 cửa hàng. Đáng lưu ý hơn, hãng Coresight dự đoán rằng, việc các doanh nghiệp đóng cửa trong năm 2020 có thể thiết lập một kỷ lục mới với 9.302 đơn vị công bố phá sản.
Song song với đó là lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, nó cũng rơi vào tình trạng ảm đạm không kém khi có đến 110.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 17% nhà hàng trên toàn nước Mỹ, phải đóng cửa vĩnh viễn. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa dừng lại ở đó khi Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia (National Restaurant Association) vừa công bố, hiện có hàng nghìn nhà hàng khác đang trên bờ vực phá sản.
Với những con số biết nói, năm 2020 là một năm khiến cả thế giới đảo lộn và tê liệt vì đại dịch COVID-19.
Papyrus đã đóng cửa tất cả các cửa hàng của mình trong năm nay. Ảnh: CNN. |
Vào đầu năm, Papyrus, trung tâm mua sắm nổi tiếng với văn phòng phẩm và các thiệp chúc mừng cao cấp, đã tuyên bố ngừng kinh doanh, đóng cửa hơn 250 cửa hàng trên khắp nước Mỹ và Canada. Chuỗi nhà hàng bình dân Bar Louie và chuỗi thức ăn nhanh Krystal cũng quyết định rời khỏi thị trường bởi áp lực cạnh tranh. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng cho rằng, chính sự chênh lệch về chi phí lao động, thực phẩm tăng cao và thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng đã khiến họ đi đến phá sản.
Hãng Coresight ghi nhận, có một số thương hiệu tồn tại trên thị trường sau khi phá sản bằng cách bán lại cho các đơn vị khác, sau đó chúng tiếp tục được vận hành qua hình thức kinh doanh trực tuyến.
Một cửa hàng của MUJI ở New York. Ảnh: AP. |
Đến giữa năm, khi số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục gia tăng, những thương hiệu lớn đối mặt với áp lực về doanh thu. Toàn bộ thị trường gần như tê liệt, đơn cử một vài doanh nghiệp lớn như Muji - nhà bán lẻ Nhật Bản có chi nhánh tại Mỹ tuyên bố phá sản và đóng cửa một số địa điểm từ giữa năm; Lucky Brand cũng góp mặt trong danh sách các chuỗi thời trang phải rời khỏi thị trường do ảnh hưởng của đại dịch.
Trong báo cáo tài chính giữa năm 2020, đại diện hệ thống Lucky Brand giải thích: "COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh số bán hàng trên tất cả các kênh". Lucky Brand ngay lập tức đóng cửa 13 trong số khoảng 200 cửa hàng tại Bắc Mỹ, chủ yếu là ở các trung tâm thương mại. Tháng 8, thương hiệu này đã được bán cho SPARC Group, chủ sở hữu của Nautica và Aéropostale.
RTW Retailwinds, nhà bán lẻ quần áo bảo hộ lao động dành cho phụ nữ của Mỹ, sở hữu chuỗi gần 400 cửa hàng New York&Co tại 32 bang cũng nộp đơn xin phá sản vào giữa tháng 7. Việc phá sản được tập đoàn này đổ cho sự thay đổi của môi trường bán lẻ, cùng tác động của đại dịch đã gây ra "khó khăn tài chính đáng kể".
Tương tự, Lord & Taylor, chuỗi cửa hàng lâu đời nhất tại Mỹ với lịch sử hình thành từ năm 1826, đã đệ đơn phá sản vào tháng 8.
Century 21 đang đóng cửa tất cả các cửa hàng của mình. Ảnh: CNN. |
Một cái tên khác nằm trong số những cửa hàng phá sản là Century 21. Quá khứ huy hoàng của thương hiệu được yêu thích nhất nhì New York không thể cứu nổi do tình hình ảm đạm được gây ra bởi dịch COVID-19. Chuỗi này đã nộp đơn phá sản vào tháng 9 do khúc mắc về bảo hiểm gián đoạn kinh doanh. Thương hiệu này đáng ra được nhận đến 175 triệu USD để bù đắp cho doanh số bị ảnh hưởng vì đại dịch. Nhưng do không có được khoản đền bù này, 13 cửa hàng với 1.400 nhân viên phải dừng hoạt động.
Trong lĩnh vực nhà hàng, đơn vị nhượng quyền NPC International, sở hữu 1.200 cửa hàng Pizza Hut và 400 nhà hàng Wendy's trên khắp nước Mỹ, cũng nộp đơn xin bảo hộ phá sản từ tháng 7 khi không thể cân đối được khoản nợ gần 1 tỷ USD. Vài tuần sau đó, NPC thông báo đóng cửa gần 300 cửa hàng Pizza Hut. California Pizza Kitchen, chuỗi cửa hàng pizza 35 năm tuổi, cũng rơi vào cảnh tương tự vì những hạn chế do COVID-19 diễn biến phức tạp.
Sau hơn 60 năm hoạt động, chuỗi nhà hàng Sizzler của Mỹ cũng đã đi đến phá sản do COVID-19 để giải quyết nợ nần và thương lượng lại các hợp đồng thuê. Ảnh: CND. |
Càng về cuối năm, mức độ thiệt hại do COVID-19 trong lĩnh vực nhà hàng càng lan rộng. Sizzler USA, một trong những chuỗi nhà hàng bình dân đầu tiên của nước Mỹ, Ruby Tuesday hay Friendly's đều quyết định rút khỏi thị trường dưới tác động của đại dịch COVID-19.
Các hạn chế do giãn cách xã hội, sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của khách hàng khiến những chuỗi này không còn đủ khả năng để chi trả các khoản nợ. Friendly's cho biết, họ có ý định bán phần lớn tài sản cho một công ty quỹ đầu cơ tư nhân, còn Sizzler và Ruby Tuesday phải dừng hoạt động để đàm phán với các chủ nợ và cấu trúc lại hệ thống.
Nhìn chung, với những thay đổi về cả hinh thức kinh doanh vẫn không giúp các doanh nghiệp trụ vững trong thời kỳ đại dịch. Đối với các ngành hàng nằm ngoài danh mục sản phẩm phục vụ COVID-19 hoặc nhu cầu cuộc sống hằng ngày là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong năm nay.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp