03/12/2018 16:34
Hàng loạt sai phạm ở thiên đường du lịch “Vũng Tàu Marina”
Được ví như một thiên đường sống ảo tuyệt vời, Khu du lịch Vũng Tàu Marina đang mắc hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng như: xây dựng các chòi lá lấn ra biển, không xử lý rác thải dẫn đến ô nhiễm môi trường và hơn hết là hoạt động du lịch, khám phá trên sông/biển không đảm bảo an toàn cho du khách,...”
Theo thông tin trên website quảng cáo của Công ty TNHH MTV Vũng Tàu Marina tọa lạc tại KCN Đông Xuyên, P. Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, khu du lịch này nằm ở vị trí đắc địa trên sông Dinh, lân cận là các đảo: Long Sơn, Gò Găng, đảo Ngọc, là đơn vị duy nhất, độc quyền tại thành phố Vũng Tàu cung cấp dịch vụ tham quan đường sông, biển bằng cano cao tốc – một loại hình khá độc đáo và mới lạ. Bên cạnh đó, tại đây cũng cung cấp các dịch vụ ăn uống, liên hoan ngay trên các đảo.
Theo quy định hiện hành, để vận hành kinh doanh du lịch trên biển, các doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện về: cam kết bảo vệ môi trường, xây dựng và hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, đảm bảo an toàn cho du khách khi sử dụng dịch vụ,... Nhưng Vũng Tàu Marina không tuân thủ những quy định nêu trên.
Các chòi lá phục vụ ăn nhậu “vươn mình” ra tận biển trên đảo Gò Găng
Là một hòn đảo xinh đẹp với 3 mặt giáp sông và 1 mặt giáp biển, Gò Găng (thuộc xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) được xem là nơi có thiên nhiên tươi đẹp, thích hợp là điểm đến vui chơi, giải trí cho du khách. Sử dụng ưu thế đó, công ty TNHH MTV Vũng Tàu Marina đã xây dựng các chòi lá để phục vụ ăn uống cho du khách. Tuy nhiên các chòi lá này lại “vươn mình” ra tận biển, chiếm trọn hành lang bảo vệ bờ biển, vi phạm nghiêm trọng Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo.
Các chòi lá “chôn chân” ngay trên biển |
Theo quy định về hành lang bảo vệ bờ biển, tại khoản 1 điều 79 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã quy định rõ, kể từ 8/7/2015 các địa phương ven biển phải giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây mới công trình trong phạm vi 100 mét tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo. Được biết, Khu du lịch sinh thái đảo Gò Găng được đưa vào hoạt động từ năm 2016.
Rác thải cũng đua nhau “bò” ra tận biển trên Đảo Ngọc
Với 2 mặt giáp biển và 2 mặt giáp sông, giữa đảo là 1 lòng hồ rộng lớn, đảo Ngọc (tên thường gọi là cù lao Bãi Ngựa, TP. Vũng Tàu) sở hữu một hệ sinh thái xanh mướt độc đáo đáng được bảo tồn. Nhưng hiện tại nơi đây đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nặng nề từ rác thải ăn uống và sinh hoạt của các đoàn khách mà Vũng Tàu Marina đưa đến.
Ngay tại ngõ vào đảo Ngọc đã thấy những mảng rác thải như vỏ lon bia, bao bì thực phẩm và túi nilong nằm ngổn ngang trên bãi cát. Những loại rác thải tương tự được nhìn thấy nhiều hơn, trôi nổi lềnh bềnh ngay trong lòng hồ sinh thái ở giữa đảo.
Rác thải không được xử lý ngập tràn trên bãi cát |
Đi một vòng khuôn viên đảo Ngọc, có thể nói là “kính thưa các loại rác” đều có mặt ở đây. Đặc biệt là các vỏ chai nhôm, chai nhựa, vỏ hộp thực phẩm,... “bò” ra tận bờ biển. Thậm chí, men theo con con đường đi sâu hơn vào đảo, những dòng nước đã đổi hẳn màu thành đen ngòm và mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Dòng nước đen ngòm bốc mùi hôi thối. |
An toàn của du khách bị xem nhẹ
Qua ống kính Phóng viên, những chuyến du ngoạn hơn 30km với khoảng thời gian gần một tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển nhưng cả tài công lẫn du khách đều không mặc áo phao. Hơn thế, xung quanh dường như không nhìn thấy bóng dáng của các nhân viên cứu hộ. Vậy liệu khi sự cố xảy ra, du khách có được hỗ trợ cứu giúp kịp thời?
Những chuyến tham quan kéo dài nhưng du khách không hề được trang bị áo phao. |
Trước đó (vào tháng 10 năm 2017), ở Vũng Tàu Marina cũng đã từng có trường hợp du khách tử vong do đuối nước, một phần cũng vì không được hỗ trợ, cứu hộ kịp thời. Đây là một vấn đề mà bất kỳ người làm du lịch nào cũng không thể xem nhẹ và đối mặt bằng một thái độ thờ ơ.
Đưa vào sử dụng các tàu/cano cao tốc cỡ lớn khi chưa được cấp các chứng nhận về vật liệu sản xuất và an toàn kỹ thuật?
Theo thông tin từ công ty TNHH MTV Vũng Tàu Marina, hiện tại ở đây đang đưa vào sử dụng 20 chiếc thuyền buồm Catamaran và 7 chiếc cano cao tốc bao gồm: 2 cano sức chở 12 người, 2 cano sức chở 15 người, 1 cano sức chở 17 người, 1 cano sức chở 25 người và 1 cano sức chở 40 người. Tất cả đều được chế tạo từ công nghệ vật liệu Polypropylene Copolymer (PPC), được cung cấp bởi công ty Việt Séc. Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu các tàu chở khách có đảm bảo an toàn kỹ thuật và đã được cấp phép/ đăng kiểm hay chưa?
Liên hệ với Công ty TNHH MTV Vũng Tàu Marina, chúng tôi được cung cấp 6 Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa của các tàu: Tàu chở người H23 – sức chở: 8 (người); Cano H23S – Sức chở: 8 (người); Cano H30C-01 – Sức chở: 8 (người); Tàu chở người H650 – sức chở: 10 (người); Cano chở khách H650 – sức chở: 9 (người); Tàu chở khách H31 – sức chở: 12 (người).
Vậy theo hồ sơ/tài liệu mà công ty này cung cấp thì kết quả hoàn toàn sai lệch so với thực tế.
Theo thông tư số 43/2016/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 28/7/2017 quy định chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa bằng vật liệu Polypropylene Copolymer (PPC) chỉ giới hạn chiều dài tối đa 20m, sức chở đến 12 người.
Trong vai hành khách tham quan, phóng viên ghi nhận hầu hết các tàu/cano mỗi lần rời bến đều chất đầy khách, có lượt lên đến 20 hành khách chen chúc nhau như chơi bập bênh trên một chiếc tàu “quá tải”.
Để tìm hiểu về loại chất liệu này và các vấn đề an toàn liên quan, Phóng viên đã liên hệ với Chi cục đăng kiểm số 9 – là cơ quan kiểm định và cấp những Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa nói trên.
Tuy nhiên khi phóng viên vào Văn Phòng - Chánh Văn Phòng, xuất trình giấy giới thiệu, chứng minh thư để liên hệ công tác thì một vị cán bộ đứng dậy, cầm giấy tờ của phóng viên nói là đi xin ý kiến lãnh đạo. Sau một hồi lâu, vị cán bộ này quay lại và thẳng thừng từ chối tiếp phóng viên với những lý do như: Phóng viên chưa có thẻ nhà báo, từ năm 2017 “người ta” đã sử dụng thẻ căn cước công dân nhưng phóng viên còn sử dụng chứng minh nhân dân, cho rằng dấu mộc và số điện thoại Chánh văn phòng của Báo điện tử Nhân đạo & Đời sống là giả,..
Vị cán bộ “không rõ lai lịch” đã xua đuổi phóng viên đến liên hệ công tác. |
Thậm chí, phóng viên vẫn không biết mình đang được nói chuyện làm việc với ai, chức vụ gì tại cơ quan mà mình được cử đến công tác. Vì vị cán bộ này cho rằng: “Chị không có nghĩa vụ tiếp báo chí, cũng không có nghĩa vụ giới thiệu chị là ai với em.”
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc những thông tin liên quan.
Advertisement