Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Hàng loạt dự án ngàn tỷ sắp được triển khai ở Đồng bằng sông Cửu Long

Tại Hội nghị công bố quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long vừa diễn ra vào ngày 21/6 tại Cần Thơ, Bộ Giao thông vận tải đã công bố nhiều dự án liên quan đến hệ thống giao thông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Liên quan đến các dự án trong giai đoạn 2025-2030, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thẳng thắn thừa nhận kết cấu hạ tầng giao thông đang là "điểm nghẽn" trong quá trình phát triển của vùng.

Để giải quyết điểm nghẽn đó, Bộ GTVT đã tập trung điều chỉnh quy hoạch giao thông, thu hút các nhà đầu tư đến với khu vực này để phát triển.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, các dự án thực hiện sắp tới nhằm để đảm bảo cho tàu 10.000 tấn đến với TP Cần Thơ và một số cảng ở miền Tây, đồng thời bộ này cũng đầu tư bổ sung vào cảng nước sâu Trần Đề, xem như là cửa ngõ chính của ĐBSCL, để tàu 80.000-100.000 tấn có thể hoạt động.

Hàng loạt dự án ngàn tỷ sắp được triển khai ở Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Đồng bằng sông Cửu Long sắp có nhiều dự án giao thông phục vụ cho việc phát triển kinh tế.

Về hàng không, ngoài sân bay Cần Thơ, Bộ GTVT đang nghiên cứu để nâng cấp 3 sân bay. Trong đó, bay Phú Quốc sẽ nghiên cứu thêm đường băng; sân bay Cà Mau và Rạch Giá cũng đang trong kế hoạch nâng cấp để đảm bảo tàu bay A320 có thể đỗ.

Về đường bộ, lãnh đạo ngành giao thông khẳng định nhiệm kỳ này có sự quan tâm rất lớn dành cho ĐBSCL. Đến nay, có 86.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thống nhất để tập trung phát triển đột phá hệ thống đường cao tốc ở khu vực này.

"Hiện nay, cả vùng đồng bằng mới có 90 km đường cao tốc và chúng ta đang triển khai 30 km nữa", theo lời Bộ trưởng Giao thông.

Dù vậy, ông cam kết trong nhiệm kỳ này sẽ bố trí đầu tư 400 km đường cao tốc, gồm những trục chính kết nối TP.HCM với Cần Thơ, từ Cần Thơ kết nối mũi Cà Mau hay tuyến An Thủ (Cao Lãnh) qua Rạch Giá.

Nếu theo đúng kế hoạch, cuối nhiệm kỳ này có thể đạt 400 km đường cao tốc, cộng với khoảng 130 km đang triển khai, như vậy ĐBSCL có thể có hơn 500 km đường cao tốc", Bộ trưởng GTVT tính toán.

Ông cũng kỳ vọng khu vực ĐBSCL sẽ là nơi rất thuận lợi cho phát triển kinh tế. Đặc biệt các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể đến đây, hình thành các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng vừa đề xuất Bộ Giao thông vận tải dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ trên với tổng mức đầu tư hơn 7.158 tỷ đồng, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) hơn 5.381 tỷ đồng.

Cụ thể: Tuyến Quốc lộ 53 có điểm đầu tại Km11+295 thuộc địa phận xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Điểm cuối tại Km56+000 thuộc địa phận xã Phương Thạch, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, với tổng chiều dài hơn 40 km. Trong tổng số hơn 40 km sẽ nâng cấp, mở rộng đường hiện hữu dài gần 20 km và làm mới tuyến tránh dài 23 km.

Dự án sẽ đầu tư nâng cấp, cải tạo tuyến quốc lộ này thành đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, chiều rộng nền đường 12m, mặt đường rộng 11m bao gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ; một số đoạn qua đô thị, thị trấn, thị tứ mặt cắt ngang theo hiện trạng.

Những dự án sắp triển khai ở Đồng bằng sông Cửu Long? - Ảnh 1.

Đẩy mạnh dự án các tuyến đường tại Đồng bằng sông Cứu Long

Tuyến Quốc lộ 62 qua tỉnh Long An có điểm đầu tại Km0+000, giao với Quốc lộ 1A, thuộc phường 2, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Điểm cuối tại Km76+00, cửa khẩu Bình Hiệp, thuộc địa phận thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An với tổng chiều dài hơn 76 km.

Tuyến quốc lộ này sẽ được đầu tư cải tạo, nâng cấp thành đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h. Bề rộng nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m bao gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ; một số đoạn qua đô thị, thị trấn, thị tứ mặt cắt ngang theo hiện trạng. Hướng tuyến được đề xuất theo hướng tuyến hiện hữu, đoạn tuyến qua thị trấn Tân Thạnh, Km44+575 - Km45+363.40 có điều chỉnh cục bộ đi theo tuyến tránh.

Tuyến Quốc lộ 91B (tuyến Nam Sông Hậu) đoạn ngã 5 cầu Cần Thơ - Bạc Liêu có điểm đầu tại Km2+604, ngã 5 cầu Cần Thơ, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ.

Điểm cuối tại Km144+226, ngã ba giao giữa Quốc lộ 91B với tỉnh lộ Bạc Liêu -Vĩnh Châu và đường dẫn phía mố A đường vào cầu Tôn Đức Thắng, thuộc TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Dự án có tổng chiều dài hơn 141 km.

Đối với đoạn từ ngã 5 cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui, dự án giữ nguyên theo quy mô theo hiện trạng, chỉ tăng cường mặt đường cũ đảm bảo đáp ứng cường độ khai thác thiết kế theo tiêu chuẩn thiết kế hiện hành.

Với đoạn từ cầu Cái Cui đến ngã ba giao giữa Quốc lộ 91B với tỉnh lộ Bạc Liêu - Vĩnh Châu và đường dẫn phía mố A đường vào cầu Tôn Đức Thắng, các đoạn tuyến hiện hữu có nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m sẽ được giữ nguyên quy mô và thảm tăng cường mặt đường. Những đoạn nền đường rộng 7,5m, mặt đường rộng 6m được mở rộng, nâng cấp đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Đường Nam Sông Hậu, còn được gọi là Quốc lộ 91B là tuyến quốc lộ dài 147 km chạy dọc theo bờ nam sông Hậu, một trong hai chi lưu của sông Mekong chảy qua Việt Nam là sông Tiền và sông Hậu.

Tuyến đường được khởi công ngày 19/5/2005 và thông xe ngày 9/3/2011 sau gần 6 năm xây dựng với tổng mức đầu tư 3.296 tỷ đồng, quy mô đường theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng. Tuy nhiên, chỉ sau 4 tháng đưa vào sử dụng, từ tháng 7/2011 tuyến Nam Sông Hậu có nhiều đoạn ngập nước thường xuyên, nhiều đoạn hư hỏng nặng, tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra, tình trạng xây nhà ở, hàng quán, trồng cây, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông diễn ra tràn lan.

Trong mức đầu tư, vốn vay WB hơn 5.381 tỷ đồng, tương đương khoảng 232,85 triệu USD được sử dụng cho các hạng mục như chi phí xây dựng, thiết bị trước thuế; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật, tư vấn thiết kế bản vẽ thi công trước thuế; chi phí tư vấn giám sát thi công trước thuế.

Vốn đối ứng hơn 1.776 tỷ đồng, tương đương khoảng 76,86 triệu USD được sử dụng cho các hạng mục như chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng còn lại, chi phí khác; chi phí giải phóng mặt bằng; các loại thuế, phí; chi phí dự phòng.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam dự kiến tổng mức đầu tư dự kiến 3 dự án trên khoảng 7.158 tỷ đồng, tương đương khoảng 309,71 triệu USD. Thời gian thực hiện dự án trong 4 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực, dự kiến từ năm 2024 - 2027, theo Vietnamplus. 


HÀ MY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement