Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Hàng không năm 2022: Phục hồi nhưng không đồng đều

Báo cáo phân tích

21/02/2023 10:29

Tuy đã thoát khỏi cơn ác mộng dịch bệnh, song các hãng hàng không Việt Nam "càng bay càng lỗ" do nhiều biến động về tỷ giá và giá nhiên liệu, trong khi các công ty kinh doanh dịch vụ phụ trợ hàng không lãi đậm.

Sau hai năm đại dịch, thị trường hàng không Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, với số chuyến bay khai thác lên đến 313 ngàn chuyến, gấp gần 2,5 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên các hãng hàng không vẫn lỗ đậm.

Theo lý giải từ các hãng bay, thị trường quốc tế - vốn mang lại biên lợi nhuận cao - hồi phục chậm hơn dự báo. Theo thống kê của Cục Hàng không, năm 2022, các hãng trong nước vận chuyển 11 triệu khách quốc tế, tăng 22 lần so với 2021, nhưng vẫn chưa bằng 30% năm 2019.

Bức tranh ngành hàng không năm 2022: Phục hồi nhưng không đồng đều - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Năm 2022, giá nhiên liệu máy bay Jet A1 bình quân 130 USD/thùng, gần gấp đôi mức 72 USD/thùng của năm 2021. Ngoài ra, lãi suất cao cùng với sự biến động về tỷ giá cũng làm gia tăng chi phí tài chính của các hãng hàng không Việt Nam.

Năm 2022, Vietnam Airlines lỗ ròng hơn 10 ngàn tỷ đồng, dù doanh thu tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Đến cuối năm, hãng hàng không quốc gia lỗ lũy kế 34 ngàn tỷ và âm vốn chủ hơn 10 ngàn tỷ đồng, do đó đứng trước nguy cơ hủy niêm yết.

Tương tự, Công ty CP Hàng không VietJet dù ghi nhận doanh thu năm 2022 là gần 40.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2021 nhưng vẫn ghi nhận khoản lỗ 2.171 tỷ đồng, trong khi năm 2021 báo lãi 122 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên Vietjet Air báo lỗ.

Vietjet Air cho biết ngành hàng không trong năm 2022 đã chịu ảnh hưởng do chi phí nhiên liệu bay với giá nhiên liệu bay bình quân ở mức 130 USD/thùng. Ngoài ra, công ty cho biết kết quả kinh doanh lỗ do Vietjet Air đã chuyển lợi nhuận trên 3.559 tỷ đồng về công ty mẹ để tăng cường đầu tư tài sản mua mới 1 tàu bay A321 NEO từ Airbus và 2 tàu bay A321 từ các đối tác cho thuê tàu bay (Lessor) và 3 động cơ.

Hãng hàng không non trẻ Vietravel Airlines tiếp tục báo lỗ trong năm vừa qua với mức giá nhiên liệu trên. Đại diện Vietravel Airlines từng chia sẻ giai đoạn cao điểm hè 2022 dù tăng giá vé, hãng vẫn chưa thể bù đắp được tổng chi phí hoạt động. Trong lần trả lời báo chí, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines cho biết, thị trường hàng không tuy đã phục hồi nhưng chưa đủ độ chín muồi như giai đoạn 2018-2019. Hiện tại, các hãng đều đang "càng bay càng lỗ" và không thể thoát lỗ trong năm 2022.

Không nằm ngoài "xu thế", Bamboo Airways mặc dù chưa công bố kết quả kinh doanh tuy nhiên hãng bay này đã ước tính lỗ hơn 3.500 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022, cao hơn hẳn mức lỗ trên 2.200 tỷ đồng trong năm 2021. Trong khi đó, trung bình trong các năm trước dịch, Bamboo Airways cũng chỉ lãi khoảng 240-300 tỷ đồng/năm. Do đó, gần như một điều chắc chắn là hãng bay sẽ tiếp tục có thêm một năm báo lỗ đậm.

Các công ty dịch vụ phụ trợ hàng không lãi đậm

Trái ngược với tình trạng khó khăn của các hãng bay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phụ trợ hàng không bắt đầu lãi lớn trở lại nhờ lượng khách nội địa tăng gấp 3,7 lần năm 2021, lên 55 triệu lượt.

Bức tranh ngành hàng không năm 2022: Phục hồi nhưng không đồng đều - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Đứng đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận là Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, UPCoM: SAS). Theo đó, năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần 1.400 tỷ đồng, tăng 336% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế tăng gấp 70 lần năm trước đạt 210 tỷ đồng.

Với kết quả này, kết thúc năm tài chính 2022, Sasco đã hoàn thành 104% mục tiêu doanh thu và vượt 156% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Theo giải trình của công ty , lợi nhuận trong năm 2022 tăng cao do hoạt động kinh doanh tại nhà ga Tân Sơn Nhất đã dần phục hồi, so với cùng kỳ năm trước sản lượng hành khách đi và đến tại nhà ga quốc nội và quốc tế đều tăng mạnh.

Ở vị trí thứ 2 là Công ty Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS, HoSE: SGN) khi ghi nhận 995 tỷ đồng doanh thu, gấp đôi năm 2021; lãi ròng đạt 136 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ.

Tương tự, theo số liệu của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV), năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu hơn 13.945 tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ; lãi sau thuế tăng gần gấp 9 lần so với năm 2021, đạt 7.127 tỷ đồng.

Với kết quả này, "ông lớn" trực tiếp khai thác vận hành 21 cảng hàng không trong cả nước đã vượt 34% mục tiêu doanh thu năm. Với lợi nhuận trước thuế 8.833 tỷ đồng, ACV cũng vượt 244% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Bên cạnh đó, Công ty CP Suất ăn Hàng không Nội Bài (UPCoM: NCS) cũng có một năm 2022 rực rỡ khi doanh thu bán hàng đạt gần 413 tỷ đồng, tăng 192% so với cùng kỳ, gia tăng chủ yếu từ doanh thu cung cấp suất ăn. Lợi nhuận sau thuế của NCS đạt 5,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 77 tỷ đồng.

Nhiều đơn vị khác cũng đồng loạt báo lãi năm 2022 trong khi năm trước lỗ ròng như Công ty CP Dịch vụ Hàng không Taseco (HoSE: AST), Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (HNX: MAS)…

Dự báo hàng không Việt sẽ hồi phục hoàn toàn vào cuối 2023

Cục Hàng không Việt Nam đưa ra dự báo thị trường hàng không sẽ hồi phục hoàn toàn trong năm 2023.

Thị trường nội địa hiện đã phục hồi và có sự tăng trưởng cao so với giai đoạn năm 2019, trong khi thị trường quốc tế có thể đạt mức 2019 vào cuối năm 2023.

Cơ quan này còn dự báo tổng thị trường vận tải hàng không năm nay xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022.

Trong đó vận chuyển nội địa đạt 45,5 triệu khách, tăng 5% so với năm ngoái và tăng 22% so với 2019; hàng hóa đạt 230.000 tấn, tăng 55% so với năm 2022 và bằng 85% so với trước dịch. Vận chuyển quốc tế đạt khoảng 34 triệu khách, bằng ba lần so năm ngoái và 83% so với năm 2019; hàng hóa đạt 1,23 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2022 và 22,4% so với năm 2019, theo VietstockFinance.

Ngoài ra, việc điều chỉnh của Trung Quốc liên quan đến kiểm dịch y tế, xuất nhập cảnh áp dụng từ ngày 8/1 là cơ hội để các hãng hàng không hai nước phục hồi việc khai thác thị trường quan trọng này. Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam cũng lưu ý việc phục hồi của thị trường Trung Quốc sẽ diễn ra từ từ do các khó khăn nội tại về tâm lý e ngại dịch bệnh quay lại, kinh tế khó khăn.

Theo đó, khoản cắt giảm chi phí đi lại, du lịch sẽ diễn ra đầu tiên đối với đa số người dân. Hành khách đi lại chủ yếu trong giai đoạn tới vẫn sẽ là khách công vụ, thương nhân, thăm thân và du học sinh. Trong giai đoạn ngắn hạn, thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc chưa thể phục hồi như thời điểm trước dịch.

Theo SSI Research, đối với Việt Nam, sự hồi phục của thị trường Trung Quốc là yếu tố đáng kể tác động đến ngành, khi khách Trung Quốc chiếm 32% khách quốc tế đến Việt Nam qua đường hàng không trong năm 2019 và Trung Quốc là điểm đến du lịch sôi động nhất đối với người Việt Nam.

"Chúng tôi ước tính khách Trung Quốc đến Việt Nam dần hồi phục trong quý 2/2023, trước khi đạt đỉnh vào kỳ nghỉ hè 2023. Các chuyến bay quốc tế 2024 có thể vượt qua mức 2019, đánh dấu hồi phục hoàn toàn cho ngành hàng không Việt Nam", SSI Research cho biết.

SSI Research cho biết thêm, lợi nhuận các hãng hàng không được hỗ trợ bởi giá nhiên liệu giảm và công suất đội bay tăng nhưng vẫn duy trì ở mức thấp hoặc âm.

"Chúng tôi ước tính các hãng hàng không vẫn lỗ trong 2023, mặc dù lỗ ít hơn so với 2022, khi nhu cầu dồn nén du lịch trong nước và thu nhập khả dụng giảm ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch quốc tế và trong bối cảnh cạnh tranh về giá để giành thị phần", các chuyên viên phân tích cho biết.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement