13/02/2023 16:59
Đối mặt với nhiều thách thức, hàng không quốc tế chậm phục hồi
Hàng không quốc tế chậm phục hồi do vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo đó, hành khách có xu hướng du lịch nội địa khi chưa hoàn toàn yên tâm với tình hình dịch bệnh ở các quốc gia khác.
Thời gian qua, du lịch nội địa bùng nổ cùng nhu cầu di chuyển trỗi dậy sau đại dịch kéo thị trường hàng không Việt Nam phục hồi mạnh mẽ về lượng khách nội địa.
Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết, hết năm 2022, hàng không nội địa Việt Nam đã phục hồi hoàn toàn và có sự tăng trưởng cao so với giai đoạn năm 2019. Trong khi đó, thị trường quốc tế có mức hồi phục chậm hơn và dự báo sẽ đạt mức 2019 vào cuối năm 2023.
Theo IATA, tổng thị trường vận tải hàng không Việt Nam năm 2023 sẽ đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45,4% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022. So với cùng thời điểm trước dịch COVID-19 (năm 2019), tăng xấp xỉ 1% về hành khách và 14,8% về hàng hóa.
Cụ thể, với vận chuyển nội địa, dự báo đạt 45,5 triệu khách, tăng 5% so với năm 2022 và tăng 22% so với năm 2019. Đối với hàng hóa, dự báo tăng 230.000 tấn, tăng 55% so với năm 2022 và bằng 85% so với năm 2019.
Với vận chuyển quốc tế, dự báo đạt 34 triệu khách, gấp 3 lần so năm 2022 và 83,5% so với năm 2019. Về hàng hóa, dự báo vận chuyển 1,23 triệu tấn hàng hóa, tăng 10% so với năm 2022 và 22,4% so với năm 2019. Với mức dự báo tăng trưởng này, phải cuối năm 2023, thị trường quốc tế mới khôi phục lại hoạt động như trước thời điểm dịch bệnh diễn ra.
Đánh giá của các chuyên gia, hàng không quốc tế chậm phục hồi là vì vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo đó, hành khách có xu hướng du lịch nội địa khi chưa hoàn toàn yên tâm với tình hình dịch bệnh ở các quốc gia khác, theo Dân Việt.
Ngoài ra, các khó khăn nội tại như kinh tế khó khăn, khoản cắt giảm chi phí đi lại, du lịch sẽ là khoản cắt giảm đầu tiên đối với đa số người dân… Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại quốc tế chủ yếu trong giai đoạn tới vẫn sẽ là khách công vụ, thương nhân, thăm thân và du học sinh... hoạt động du lịch vẫn chưa được đẩy mạnh.
Việc điều chỉnh của Trung Quốc liên quan đến kiểm dịch y tế, xuất nhập cảnh áp dụng từ ngày 8/1 là cơ hội để các hãng hàng không hai nước phục hồi việc khai thác thị trường quan trọng này.
Nhưng tương tự các thị trường hành khách trọng điểm khác của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, việc phục hồi sẽ diễn ra từ từ do các khó khăn nội tại về tâm lý e ngại dịch bệnh quay lại, kinh tế khó khăn. Theo đó, khoản cắt giảm chi phí đi lại, du lịch sẽ diễn ra đầu tiên đối với đa số người dân. Hành khách đi lại chủ yếu trong giai đoạn tới vẫn sẽ là khách công vụ, thương nhân, thăm thân và du học sinh. Trong giai đoạn ngắn hạn, thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc chưa thể phục hồi như thời điểm trước dịch.
Tuy nhiên, đầu năm 2023, thị trường hàng không quốc tế đã dần có những tín hiệu khởi sắc. Việc điều chỉnh của Trung Quốc liên quan đến kiểm dịch y tế, xuất nhập cảnh áp dụng từ ngày 8/1 là cơ hội để các hãng hàng không hai nước phục hồi việc khai thác thị trường quan trọng này.
Trong thời gian tới, Trung Quốc tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch, tạo điều kiện nối lại hoạt động du lịch nước ngoài cho công dân Trung Quốc, lượng khách đi đến từ Trung Quốc và các vùng lãnh thổ chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Về phía các hãng hàng không, để tích cực kích cầu bay quốc tế, nhiều chính sách khôi phục mạng lưới đường bay đã được triển khai. Vietnam Airlines cho biết sẽ nối lại 5 đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ tháng 3 và tháng 4 năm nay, qua đó khôi phục 9/10 đường bay tới Trung Quốc so với giai đoạn trước dịch COVID-19.
Cụ thể, từ tháng 3/2023, Vietnam Airlines sẽ nối lại đường bay giữa Hà Nội và Bắc Kinh với tần suất 3 chuyến bay một tuần. Đồng thời, hãng tăng tần suất các chuyến bay kết nối Hà Nội, TP.HCM với Quảng Châu và Thượng Hải - mỗi đường bay sẽ được Vietnam Airlines khai thác 4 chuyến bay một tuần. Đây là mức tăng tần suất đáng kể khi so sánh với hiện tại, hãng chỉ khai thác từ 1-2 chuyến bay mỗi tuần trên các đường bay này.
Từ tháng 4/2023, Vietnam Airlines sẽ mở lại 4 đường bay là giữa Đà Nẵng và Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô; giữa Hà Nội và Thành Đô, với tần suất 2 chuyến bay một tuần trên mỗi đường bay. Ngoài ra, từ tháng 9/2023, Vietnam Airlines có kế hoạch đưa tàu thân rộng Airbus A350 và Boeing 787 khai thác trên các đường bay giữa Hà Nội và Bắc Kinh; giữa Hà Nội, TP.HCM và Thượng Hải.
Một đại diện khác hãng hàng không Vietjet đã mở lại đường bay thẳng kết nối TP.HCM với Hồng Kông (Trung Quốc), đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách sau thời gian gián đoạn.
Các hãng hàng không cho biết, việc mở lại và tăng tần suất bay tới Trung Quốc của đơn vị nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch giữa hai nước được dự báo sẽ phục hồi tích cực từ tháng 3/2023. Dù số lượng trung bình chưa nhiều do đây là giai đoạn đầu mở lại, lượng khách dự báo vẫn đang tiếp tục tăng trưởng, góp phần thúc đẩy hàng không quốc tế phục hồi.
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) về thị trường hàng không toàn cầu, sản lượng luân chuyển hành khách quốc tế năm 2023 dự kiến bằng 80% so năm 2019 và nội địa đạt khoảng 95% so năm 2019. Tuy nhiên tốc độ hồi phục tại các khu vực khác nhau trong đó có khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo phục hồi chậm nhất. Doanh thu vận tải hành khách dự báo tăng và ngành hàng không toàn cầu sẽ có lãi trở lại.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp