Hạn hán khắp thế giới khiến hàng triệu người lâm vào cảnh khó khăn
24/08/2022 09:02
Ethiopia, Kenya và Somalia đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng hơn 40 năm qua sau nhiều năm có lượng mưa rất thấp. Điều kiện khô hạn đã dẫn đến các vấn đề về an ninh lương thực với 22 triệu người có nguy cơ chết đói. Hơn 1 triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa do hạn hán và tình hình này dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều tháng tới.
Đáy sông của sông Dương Tử, con sông dài thứ ba thế giới, lộ ra trong đợt hạn hán kỷ lục ở Trung Quốc. Mực nước thấp đang ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa và thủy điện. Lượng nước mà con sông này cung cấp cho đập Tam Hiệp sản xuất điện đã giảm 40% so với năm ngoái. Trong nỗ lực hạn chế sử dụng điện, một số trung tâm mua sắm ở Trung Quốc đang giảm giờ mở cửa và các nhà máy đang tổ chức lại việc phân phối điện hợp lý hơn.
Iraq, được xếp vào nhóm quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và sa mạc hóa, đang phải chống chọi với năm hạn hán thứ ba liên tiếp. Những khu vực rộng lớn thuộc vùng đầm lầy phía Nam của nước này, một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận vì tính đa dạng sinh học và lịch sử có từ cổ đại, hiện đã khô cạn. Hạn hán đang diễn ra khiến ngành nông nghiệp của nước này thu hẹp diện tích sản xuất khoảng 17% trong năm qua.
Sông Colorado (Mỹ) và các hồ chứa của nó cạn kiệt sau hơn hai thập kỷ do hạn hán và đợt hạn hán này được cho là tồi tệ nhất trong hơn 1.000 năm. Con sông mang tính biểu tượng chảy qua phía Tây Nam của Mỹ và vào Mexico, cung cấp nước cho hàng triệu người và những vùng đất nông nghiệp rộng lớn. Lượng mưa dưới mức trung bình đã dẫn đến việc nhà chức trách yêu cầu người dân hạn chế sử dụng nước, bao gồm hạn chế tưới nước ngoài trời ở Los Angeles.
Châu Âu đã chứng kiến những đợt nắng nóng gay gắt, ít mưa và cháy rừng. Gần một nửa cựu lục địa hiện đang bị đe dọa bởi hạn hán mà theo các chuyên gia có thể là tồi tệ nhất trong hơn 500 năm qua. Các con sông lớn bao gồm sông Rhine, Po và Loire đã cạn kiệt nguồn nước, và mực nước thấp đã tác động đến việc vận chuyển hàng hóa và sản xuất năng lượng. Điều kiện khô, nóng đã làm cho đất nông nghiệp ở châu Âu trở nên khô cằn.
Một số vùng của nước Anh đã rơi vào tình trạng khô hạn nhất kể từ năm 1935. Nhà chức trách ghi nhận nhiệt độ nóng nhất từ trước đến nay ở Anh là vào ngày 19 tháng 7 khi nó đạt 40,2 độ C (104,3 độ F) - và hơn một phần tư dòng chảy của các con sông được xếp vào loại đặc biệt thấp.
Trong suốt mùa Hè, hầu hết châu Âu đều rơi vào tình trạng nắng nóng, đặc biệt là Tây Ban Nha, quốc gia này bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt nắng nóng. Việc nắng nóng đã gây ra tình trạng khô hạn đã tạo ra các trận cháy rừng dữ dội, buộc hàng nghìn người phải sơ tán và 280.000 ha (700.000 mẫu Anh) đất rừng bị thiêu rụi. Mực nước rút tại một con đập để lộ ra một vòng tròn bằng đá thời tiền sử - được mệnh danh là "Stonehenge của Tây Ban Nha".
Từ Tokyo đến Cape Town, nhiều quốc gia và thành phố đang thích nghi để đối phó với điều kiện ngày càng khô và nóng. Và các giải pháp không nhất thiết phải là công nghệ cao. Ở Senegal, nông dân đang trồng những khu vườn hình tròn cho phép rễ mọc vào trong, giữ lại nguồn nước quý trong sau những trận mưa hiếm hoi. Ở Chile và Maroc, người ta dùng lưới để hứng nước từ sương mù.
Sau khi Cape Town, Nam Phi suýt cạn kiệt nguồn nước vào năm 2018, thành phố này đã đưa ra các biện pháp chống hạn hán. Một giải pháp là loại bỏ các loài thực vật xâm lấn như thông và bạch đàn, những loài hút nhiều nước hơn các loài thực vật bản địa như cây bụi fynbos. Phương pháp dựa vào thiên nhiên đã giúp tiết kiệm hàng tỷ lít nước mỗi năm.
Tin liên quan
Advertisement