13/01/2021 13:01
Hạ viện Mỹ thông qua Nghị quyết hối thúc phó Tổng thống Pence phế truất ông Trump
Tối 12/1 (trưa 13/1 theo giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết hối thúc phế truất Tổng thống Trump.
Tại cuộc bỏ phiếu diễn ra vào tối muộn ngày 12/1 (trưa 13/1 theo giờ Việt Nam), Nghị quyết nói trên đã được thông qua với 223 phiếu thuận, 205 phiếu chống và 5 nghị sĩ không bỏ phiếu. Chỉ có duy nhất 1 nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu tán thành nghị quyết. Kết quả bỏ phiếu cho thấy rõ tính chất đảng phái và đã không có nhiều Hạ nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ như kỳ vọng của đảng Dân chủ, theo báo Tin tức.
Nghị quyết kêu gọi Phó Tổng thống Mike Pence ngay lập tức sử dụng quyền lực theo Mục 4, Tu chính án số 25, triệu tập các thành viên Nội các Mỹ để bỏ phiếu về vấn đề: Tổng thống đương nhiệm Donald Trump không đủ khả năng điều hành chính phủ. Dự thảo còn kêu gọi ông Pence đứng lên nhận trách nhiệm và quyền lực của tổng thống tạm quyền.
Phiên họp thảo luận và bỏ phiếu của Hạ viện Mỹ. Ảnh: C-Span |
Trong cuộc thảo luận trước phiên bỏ phiếu ở Hạ viện, phe Dân chủ đã gây sức ép để phe Cộng hòa bác bỏ cáo buộc sai lệch của ông Trump về “gian lận bầu cử” vốn là nguyên nhân dẫn đến tụ tập, biểu tình bạo loạn tại Quốc hội Mỹ hôm 6/1. Tuy nhiên, các nghị sĩ Cộng hòa không chấp nhận điểm này. Họ cho rằng thách thức, khiếu nại kết quả phiếu bầu đại cử tri của nhóm nghị sĩ Cộng hòa là hợp lý.
Nghị quyết được thông qua tại Hạ viện, nơi đảng Dân chủ nắm thế đa số, không có giá trị ràng buộc, nhưng sẽ là đòn đánh biểu tượng nhằm vào ông Trump, trong bối cảnh nhiều nghị sĩ tỏ ra tức giận trước đợt tấn công tòa nhà Quốc hội hôm 6/1 từ người biểu tình ủng hộ ông Trump.
Sau cuộc bỏ phiếu này, Hạ viện Mỹ cũng sẽ xúc tiến cuộc bỏ phiếu nữa đối với nghị quyết luận tội tổng thống, với cáo buộc "kích động nổi loạn".
Động thái trên diễn ra vài tiếng sau khi Phó Tổng thống Mike Pence thông báo với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi rằng ông sẽ không sử dụng Tu chính án 25 để phế truất Tổng thống Trump.
Tuyên bố này đã phá tan sự im lặng và những đồn đoán mấy ngày qua về khả năng Nội các Mỹ có thể vận dụng 1 tu chính án chưa bao giờ được áp dụng nhằm hạ bệ người đứng đầu nhánh hành pháp.
Trong lá thư gửi bà Pelosi, Phó Tổng thống Pence đã chính thức khước từ lời kêu gọi của các Hạ nghị sĩ Dân chủ áp dụng Tu chính án 25, đồng thời cảnh báo rằng việc vận dụng điều luật theo hướng này sẽ “tạo tiền lệ khủng khiếp”.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ủng hộ nỗ lực pháp lý nhằm phế truất, luận tội ông Trump sau vụ người biểu tình chiếm tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1. Ảnh: Reuters |
Lá thư có đoạn viết: “Tôi hối thúc bà và tất cả thành viên Quốc hội tránh những hành động gây chia rẽ và ‘đổ thêm dầu vào lửa’ hơn nữa những cảm xúc giận dữ hiện nay… Hãy hợp tác với chúng tôi để hạ nhiệt và đoàn kết đất nước của chúng ta trong bối cảnh chúng ta đang chuẩn bị cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Tôi cam kết với bà rằng bản thân sẽ tiếp tục làm phần việc của mình với niềm tin lớn đặt vào chính quyền sắp tới nhằm đảm bảo một quá trình chuyển giao quyền lực trong trật tự”.
Phó Tổng thống Mỹ Pence nhấn mạnh Tu chính án 25 không phải là công cụ để trừng phạt, cho rằng điều khoản bổ sung của Hiến pháp Mỹ nói trên cần phải được căn cứ theo quyết định y khoa, như chính Chủ tịch Hạ viện Pelosi từng nói, “chứ không phải là phán quyết dựa trên một bình luận hay một cách hành xử mà chúng ta không thích”.
Nỗ lực luận tội ông Trump là động thái tiếp theo của đảng Dân chủ nhằm phế truất Tổng thống, sau khi nghị quyết kêu gọi Phó tổng thống Mỹ Mike Pence kích hoạt Tu chính án 25 bị các thành viên đảng Cộng hòa chặn bỏ phiếu tại Hạ viện. Phiên bỏ phiếu thông qua điều khoản luận tội tại Hạ viện dự kiến được tổ chức hôm nay. Ba hạ nghị sĩ Cộng hòa đã tuyên bố ủng hộ nỗ lực này, theo VnExpress.
Phát biểu trong chuyến thăm bức tường biên giới tại thành phố Alamo, bang Texas, hôm 12/1, Tổng thống Trump chỉ trích nỗ lực xem xét bãi nhiệm ông của đảng Dân chủ là "trò lừa bịp" và "rất nguy hiểm" với Mỹ.
"Đây là sự tiếp nối cuộc săn phù thủy lớn nhất, xấu xa nhất trong lịch sử đất nước và đang gây tức giận tột cùng, cũng như nỗi đau và sự chia rẽ. Nó trầm trọng hơn nhiều so với những điều hầu hết mọi người từng biết, rất nguy hiểm đối với Mỹ, đặc biệt vào thời điểm vô cùng nhạy cảm này", ông nói.
(Tổng hợp)
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement