03/08/2022 16:28
Hà Nội đề xuất hỗ trợ nhân viên y tế tối đa 10 triệu đồng
Với tổng kinh phí đề xuất là 250 tỷ đồng, UBND thành phố Hà Nội dự kiến hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng và thấp nhất 5 triệu đồng cho mỗi cán bộ, nhân viên ngành y tế thành phố.
UBND thành phố Hà Nội đang xem xét, lấy ý kiến tờ trình dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên một lần cho công chức, viên chức, người lao động ngành y tế thủ đô.
Theo dự thảo, mức hỗ trợ 10 triệu đồng sẽ dành cho người làm trực tiếp chuyên môn y tế tại các bệnh viện và trung tâm y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm cấp cứu 115, các trung tâm kiểm nghiệm thuốc, dược phẩm, thực phẩm.
Người không làm trực tiếp chuyên môn mà làm quản lý hoặc hành chính ở các đơn vị trên dự kiến được hỗ trợ 7 triệu đồng.
Mức hỗ trợ 7 triệu đồng cũng dành cho các cá nhân làm trực tiếp chuyên môn tại trung tâm giám định y khoa, trung tâm pháp y, trung tâm tư vấn dân số kế hoạch hóa gia đình, Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Người làm quản lý hoặc hành chính nhận mức 5 triệu đồng, theo Zing.
Với viên chức, người lao động thuộc các phòng nghiệp vụ y, kế hoạch tài chính, văn phòng trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, mức hỗ trợ dự kiến là 10 triệu đồng. Cán bộ thuộc phòng nghiệp vụ dược, tổ chức cán bộ, quản lý hành nghề y dược tư nhân và Thanh tra Sở được hỗ trợ 7 triệu đồng.
Dự thảo cũng đưa ra mức hỗ trợ 7 triệu đồng với nhân viên y tế thuộc phòng y tế các quận, huyện, thị xã.
Dự kiến, tổng kinh phí hỗ trợ là gần 250 tỷ đồng. Nghị quyết này dự kiến được trình HĐND Hà Nội xem xét và thông qua vào kỳ họp chuyên đề diễn ra vào tháng 9.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết năm 2021, toàn ngành y tế Hà Nội có 532 người xin nghỉ việc, 82 người xin chuyển công tác và từ tháng 1/2022 đến 30/4/2022, đã có 226 người nghỉ việc, 17 người xin chuyển công tác. Những người nghỉ việc này tập trung ở các bệnh viện lớn như Đức Giang, Xanh Pôn, Hà Đông…
Tại BV Bạch Mai, từ đầu năm 2020 đến tháng 4/2021 có 221 người rời bệnh viện, trong đó trên 100 người là bác sĩ, phó giáo sư, tiến sĩ, có người là trưởng khoa.
Việc này khiến ngành y tế của thành phố lo ngại khi dịch COVID-19 có thể bùng phát trở lại hoặc việc xuất hiện chủng mới có khả năng lây lan, nguy hiểm.
Làn sóng nghỉ việc của nhân viên trong các cơ sở y tế công lập cũng xảy ra tại nhiều địa phương khác trên cả nước.
Tại TP.HCM, năm 2020 có 597 người nghỉ việc, năm 2021 có hơn 1.000 người nghỉ việc và quý 1/2022 có 396 người nghỉ (268 người ở các bệnh viện tuyến thành phố, còn lại ở quận huyện, phường xã), cao hơn quý 1.2021 là 219 người. Hiện số nhân viên xin nghỉ việc tại các bệnh viện công vẫn tiếp tục, chưa có dấu hiệu dừng lại, theo SKĐS.
Theo Sở Y tế Đồng Nai, từ năm 2019 đến nay, hơn 600 y bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế công lập ở tỉnh này nghỉ việc. Năm 2019 có 104 bác sĩ và 156 điều dưỡng nghỉ việc, năm 2020 có 80 bác sĩ và 131 điều dưỡng nghỉ. Tại BVĐK Thống Nhất (Đồng Nai) hai năm trở lại đây, khi dịch COVID-19 bùng phát, khoảng 200 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên nghỉ việc. Một số bác sĩ là lãnh đạo khoa nghỉ việc chuyển qua bệnh viện tư, lương cao hơn.
Tại Nghệ An, PGS.TS Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 119 cán bộ y tế tại các đơn vị y tế công lập xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó có gần 1/2 là bác sĩ, đứng thứ 2 trong khu vực Bắc Trung bộ. Trong số 119 cán bộ y tế xin thôi việc thì có gần 2/3 là chuyển từ các đơn vị y tế công lập sang làm việc tại các đơn vị y tế ngoài công lập; 1/3 có lý do về sức khỏe và lý do cá nhân khác.
Tại Thanh Hoá, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trịnh Hữu Hùng cho biết từ năm 2020 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 206 nhân viên y tế nghỉ việc trong đó có 96 bác sĩ (chiếm khoảng 47%).
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp