29/06/2022 14:27
Bộ Y tế lên tiếng về việc hàng ngàn nhân viên nghỉ việc
Trong thời gian qua, có hơn 4.800 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 420 viên chức công tác tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa có văn bản gửi các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành trực thuộc trung ương về việc báo cáo tình hình viên chức xin nghỉ việc hoặc bỏ việc.
Văn bản này cho rằng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, viên chức và nhân viên y tế đang gặp nhiều khó khăn như cường độ áp lực công việc cao; cơ sở vật chất của các đơn vị công lập còn hạn chế và môi trường làm việc căng thẳng, mệt mỏi.
Trong khi đó, thu nhập giảm đáng kể, nhất là tại các đơn vị y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa… Chính điều này, trong 2 năm vừa qua có nhiều viên chức y tế xin thôi hoặc bỏ việc.
Theo số liệu thống kê sơ bộ, trong gần 2 năm có gần 900 nhân viên y tế, bác sĩ ở Hà Nội xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Tại TP.HCM cao hơn khi chỉ tính riêng năm 2021 có hơn 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc và tính riêng quý 1/2022 đã có gần 400 người nghỉ việc. Tại TP.HCM, tính riêng năm 2021, hơn 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc.
Trong khi đó các tỉnh Đồng Nai 6 thàng đầu năm 2022 có 230 bác sĩ, điều dưỡng xin nghỉ việc. Gia Lai năm 2021 có 110 người nghỉ, 6 tháng đầu năm 2022 địa phương này cũng 23 trường hợp nghỉ.
Bình Dương 202 người, Long An 162 người, sau đến An Giang, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Thuận có tỉ lệ nghỉ việc cao.
Theo chia sẻ của giám đốc một bệnh viện tuyến Trung ương trên báo Công An, trong thời gian dịch COVID-19, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị sụt giảm rất nhiều. Bệnh viện rất khó khăn để cầm cự được mức lương cơ bản cho cán bộ, nhân viên. Hơn 2 năm chống dịch vất vả, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế đi tăng cường phía Nam chống dịch đã làm việc kiệt sức, song thù lao họ nhận được chưa tương xứng với công sức, vất vả họ bỏ ra.
Hiện tượng này xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phía Nam khi nhiều bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện công nghỉ việc sau nhiều năm cống hiến. Tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác, năm 2021 khi dịch bệnh bùng phát dữ dội, cường độ và thời gian lao động tăng, áp lực công việc quá lớn, có nơi thù lao trực đêm chống dịch chỉ 18.500 đồng, không thỏa đáng với những gì cán bộ y tế đóng góp. Có bác sĩ chia sẻ phải rút tiền tiết kiệm ra để trang trải. Thêm vào đó, chế độ thu hút, hoặc đãi ngộ hạn chế hoặc không có.
Trước áp lực công việc quá lớn mà thu nhập lại thấp, chỉ tính riêng từ tháng 1-2021 đến nay, toàn bệnh viện đã có 114 viên chức, người lao động, trong đó có 34 bác sĩ, 42 điều dưỡng, 38 nhân viên thôi việc, bỏ việc. Hiện có 10 bác sĩ, điều dưỡng, cử nhân đang xin nghỉ việc nhưng bệnh viện chưa giải quyết. Ngoài ra, có 13 người đang xin nghỉ không lương, 6 người xin chuyển công tác. Đây là khó khăn rất lớn đối với bệnh viện khi thiếu nhân lực y tế, đặc biệt là các bác sĩ, điều dưỡng có tay nghề cao.
Trong số hơn 4.800 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế cấp tỉnh nghỉ việc, thôi việc có hơn 1.500 bác sĩ, hơn 1.400 điều dưỡng, hơn 200 kỹ thuật y… Còn tại bệnh viện tuyến Trung ương, thời gian qua có 168 bác sĩ, 129 điều dưỡng, 16 kỹ thuật y và 107 viên chức xin nghỉ việc, thôi việc. Nhiều nhất là Bệnh viện Bạch Mai 65 người, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam 49 người, Bệnh viện Chợ Rẫy 48 người, Bệnh viện Trung ương Huế 41 người.
Bộ Y tế cho biết đang xây dựng tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng. Bộ đang trình Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, trong đó nâng mức hưởng phụ cấp và ưu đãi theo nghề đã được quy định tại Điều 3 Nghị định 56 đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ 40-70% lên mức 100%.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thực trạng nhân viên y tế rời đi khỏi bệnh viện công cấp thiết phải xem xét cải tổ, đổi mới ngành y tế, đặc biệt các vấn đề pháp lý, quy chế, luật định để các bệnh viện có hoạt động tốt hơn, chất lượng cao hơn và thu nhập của nhân viên tốt hơn. Không một ai công việc đang ổn định, mức lương tốt lại rời đi cả. Đó là bài toán khó mà không phải chỉ riêng ngành y tế có thể giải đáp được.
Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo tình hình viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc và nguyên nhân (thời điểm thống kê từ ngày 1/1/2022 đến ngày 15/6/2022), để có thông tin phục vụ công tác quản lý cũng như biện pháp duy trì nhân lực y tế cần thiết làm việc tại các cơ sở y tế công lập nhằm bảo đảm nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp