17/10/2019 08:23
GS.TS James Riedel: “Chính phủ Trung Quốc đã thao túng tiền tệ nhưng có lý do chính đáng”
Điều này có lợi cho Trung Quốc khi chuyển 400 triệu người thất nghiệp ra khỏi nông thôn lên thành thị vào nhà máy, thu lợi từ dịch chuyển 300-600 tỉ USD.
GS.TS James Riedel, Trường Quốc tế học cấp cao (SAIS) trực thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) vừa có chuyến thăm và làm việc tại Trường Đại học Hoa Sen. Tại đây, GS.TS James Riedel đã có buổi thuyết giảng với tiêu đề “What’s behind US and Global trade imbalances-Điều gì phía sau sự mất cân bằng trong cán cân thương mại toàn cầu và Mỹ”.
GS.TS James Riedel cho biết, theo lý thuyết về lợi thế so sánh, những nước nghèo có lợi thế trong tương lai và các nước giàu có lợi thế trong hiện tại. Các nước đang phát triển có triển vọng hơn trong tương lai bởi triển vọng tăng trưởng của họ lớn hơn các nước giàu.
GS.TS James Riedel thuyết giảng về "Điều gì phía sau sự mất cân bằng trong cán cân thương mại toàn cầu và Mỹ”. |
Các nước đang phát triển khát vốn nên có suất sinh lợi của vốn cao hơn các nước giàu. Vì vậy, các nước có thể trao đổi thương mại. Cụ thể, các nước phát triển đầu tư vốn, máy móc, công nghệ sang nước nghèo để có tỷ suất lợi nhuận cao hơn và đổi lấy những hàng hóa trong tương lai của các nước nghèo.
Điều đó có thể dẫn đến cảm nhận nước nghèo sẽ bị thâm hụt cán cân thương mại, tài khoản vãng lai và nước giàu thặng dư thương mại, thặng dư tài khoản vãng lai. Nước nghèo nhận được hàng hóa tiêu xài, máy móc đầu tư còn nước giàu nhận được những dịch vụ khác.
Tuy nhiên, theo GS.TS James Riedel, chúng ta đang sống trong thế giới mà lý thuyết lợi thế so sánh rất hay, nó làm cho nước nghèo giàu lên và nước giàu càng giàu nữa, trái ngược với lý thuyết vừa nêu trên.
Dẫn chứng, ông so sánh giữa thương mại Trung Quốc và Mỹ. GS.TS James Riedel chỉ ra rằng, tích tụ ngoại tệ của Trung Quốc (năm 2000-2014) tương quan rất chặt chẽ giữa thâm hụt ngân sách của Mỹ và dòng vốn từ Trung Quốc đầu tư sang Mỹ. Trong dòng vốn chảy sang thị trường tài chính Mỹ thì Trung Quốc chiếm phần lớn.
Ông đưa ra những dữ liệu và khẳng định Chính phủ Trung Quốc đã thao túng tiền tệ (thay đổi tỉ giá hối đoái), bảo hộ thương mại từ thập niên 1980 đến năm 2010 là vi phạm luật thương mại quốc tế. Tuy nhiên theo ông, đây cũng là lý do chính đáng, có lợi cho Trung Quốc khi chuyển khoảng 400 triệu người thất nghiệp ra khỏi nông thôn lên thành thị vào nhà máy. Thu lợi từ dịch chuyển đó là từ 300-600 tỉ USD, trong khi tổn phí Trung Quốc phải mất về cơ hội sử dụng vốn là 150-300 tỉ USD.
“Tôi lập luận rằng can thiệp, thao túng của Chính phủ Trung Quốc là có lợi cho Trung Quốc. Có lợi cho Mỹ không? Có người tính toán nói rằng, sự cạnh tranh trỗi lên của Trung Quốc đã làm nước Mỹ mất 2 triệu việc làm nhưng những người mua nhà, mua xe ở Mỹ lại được hưởng lãi suất thấp. So sánh về con người, Trung Quốc tạo ra 400 triệu công ăn việc làm mà Mỹ mất chỉ có 2 triệu”, GS.TS James Riedel khẳng định.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement