Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

GS Đặng Hùng Võ: Không có bản đồ quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 KĐT Thủ Thiêm!

Phân tích

05/05/2018 16:02

Vụ việc này càng có vẻ nghiêm trọng hơn, mang mầu sắc li kỳ, khi được nhiều người phân tích dưới lăng kính của “lý thuyết âm mưu”

“Tôi có thể khẳng định rằng không có bản đồ quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 khu đô thị Thủ Thiêm vì pháp luật không quy định về loại bản đồ quy hoạch và Quyết định phê duyệt quy hoạch chung cũng không đả động tới loại bản đồ nào”- GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT trả lời VietTimes.

Có không “thuyết âm mưu”?

Về câu chuyện bản đồ quy hoạch gốc Thủ Thiêm mà nhiều người đang ví von là “bản đồ Thủ Thiêm bị thủ tiêu”, cho rằng việc thất lạc này là bất thường, không thể chấp nhận được và rất nghiêm trọng. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

-Đúng là rất nghiêm trọng! Nghiêm trọng vì không đơn giản chỉ là việc “mất tích” một bản đồ phải lưu ở rất nhiều nơi mà tìm nơi nào cũng không có, kể cả lưu trữ quốc gia, mà nó còn nghiêm trọng ở chỗ: vụ việc này có liên quan tới khiếu nại, tố cáo về thu hồi đất của cả trăm hộ dân đang sinh sống tại vùng quy hoạch mà chìa khóa để giải quyết lại là tấm bản đồ nghi rằng “mất tích” kia.

Vụ việc này càng có vẻ nghiêm trọng hơn, mang mầu sắc li kỳ, khi được nhiều người phân tích dưới lăng kính của “lý thuyết âm mưu”, từa tựa như những truyện trinh thám xưa kia.

Bán đảo này được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế và đô thị đẹp nhất khu vực Đông Nam Á.
Bán đảo này được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế và đô thị đẹp nhất khu vực Đông Nam Á.

Nói thẳng ra là nhiều ý kiến cho rằng việc “mất tích” mang ý nghĩa “thủ tiêu” tấm bản đồ quy hoạch này là một “âm mưu” để xóa đi những cái sai đã xẩy ra trong thực thi quy hoạch. Tất nhiên, suy luận là quyền tự do của mỗi người, nhưng trong trường hợp này lại gây tác động làm nóng bỏng tư duy của những người dân đang khiếu nại, tố cáo.

Tôi cho rằng cần phải nghiên cứu sự “thất lạc” này từ nhiều góc độ để tìm ra sự thật: có hay không có tấm bản đồ này? Nếu có thì tại sao lại mất tích kỳ lạ như vậy? Tất cả kết luận phải đủ luận cứ và công khai hoàn toàn trước dân.

Không có bản đồ quy hoạch “gốc”!

Trong khi TP.HCM nói có bản đồ nhưng tìm không thấy thì đại diện Thanh tra Chính phủ mới đây nói là “có bản đồ đâu mà thất lạc”. Đây đều là phát ngôn từ cơ quan chức năng. Vậy người dân cần hiểu như thế nào?

-Ý kiến của đại diện Thanh tra Chính phủ nói rằng “ở lưu trữ quốc gia cũng không có thì có nghĩa rằng không có bản đồ này” cũng không đủ thuyết phục. Nếu như giả thiết “âm mưu” kia là thực và ở tầm lớn thì mất cả ở lưu trữ quốc gia cũng có thể xẩy ra.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Không có bản đồ quy hoạch
GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Không có bản đồ quy hoạch "gốc"!

Theo tôi, chúng ta cần tư duy xem xét vấn đề này dưới nhiều góc độ để có thể lần ra sự thật.

Thứ nhất, hãy xem xét câu chuyện quy hoạch đô thị dưới góc nhìn lịch sử xây dựng pháp luật. Tại thời điểm hiện nay, quy hoạch đô thị được nhìn nhận là lĩnh vực rất quan trọng, gắn với quá trình đô thị hóa đầy phức tạp, một bản quy hoạch đô thị sẽ tạo ra một nhóm bị thiệt hại (ví dụ như những người bị thu hồi đất) và một nhóm được hưởng lợi (ví dụ như những nhà đầu tư được giao đất, thuê đất), nên đã có một hệ thống pháp luật về quy hoạch đô thị khá đầy đủ, hợp lý, chặt chẽ. Nhưng hãy đi ngược lại lịch sử để xem câu chuyện pháp luật ra sao.

Trong thời kỳ bao cấp, quy hoạch là công cụ chủ yếu của nền kinh tế do nhà nước chỉ huy tập trung và được coi là tài liệu mật, dân không có quyền được biết. Cách quản lý này kéo dài cho tới ngày 17/8/1994 khi Chính phủ ban hành Nghị định số 91-CP ngày 17/8/1994 ban hành Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị (ngày ban hành cũng là ngày có hiệu lực thi hành).

Quyết định số 367 TTg do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký.
Quyết định số 367 TTg do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký.

Nghị định số 91-CP là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên của nước ta về quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch đô thị. Trong Nghị định này chỉ sử dụng có 2 lần thuật ngữ “bản đồ”. Lần thứ nhất tại Điều 8: “Đồ án quy hoạch chung được lập trên bản đồ địa hình có tỷ lệ 1/2000 - 1/25.000 tùy theo loại đô thị và được thể hiện bằng sơ đồ định hướng phát triển đô thị (15 - 20 năm) và quy hoạch xây dựng đợt đầu (5 - 10 năm)”. Lần thứ hai tại Điều 9: “Các đồ án quy hoạch chi tiết được lập trên cơ sở bản đồ địa hình và địa chính tỷ lệ 1/500 - 1/2000, nhằm cụ thể hóa và tuân theo các quy định của đồ án quy hoạch chung và được lập đồng bộ cho từng khu vực đô thị…”. Quy định như vậy có nghĩa là không có bản đồ quy hoạch mà chỉ có bản đồ địa hình và bản đồ địa chính được sử dụng như công cụ để lập quy hoạch.

Nghị định này có hiệu lực thi hành cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 về quy hoạch xây dựng, hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật Xây dựng 2003 về quy hoạch đô thị. Lúc này mới hình thành khái niệm bản đồ quy hoạch gắn với bản đồ án quy hoạch.

Kể từ 01/01/2010, Luật Quy hoạch đô thị 2009 có hiệu lực thi hành mới tạo nên một khung pháp luật khá chặt chẽ về quy hoạch đô thị, gắn với bản đồ quy hoạch đô thị, gắn với trình tự, thủ tục thực hiện từng khâu trong quá trình quy hoạch và gắn với trách nhiệm của từng cấp chính quyền tham gia vào quá trình quy hoạch.

Như vậy, trước ngày 01/07/2004 (ngày Luật Xây dựng 2003 có hiệu lực thi hành), pháp luật không có quy định về bản đồ quy hoạch.

Thứ hai, hãy xem xét thực tiễn của vấn đề bản đồ quy hoạch tại Quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 04/06/1996 phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, huyện Thủ Đức, TP.HCM. Quyết định này chỉ có 3 điều, trong đó Điều 1 phê duyệt các phân khu của khu đô thị mới Thủ Thiêm, Điều 2 quy định trách nhiệm thực thi của các cơ quan nhà nước có liên quan và Điều 3 là điều khoản thi hành; không có bất kỳ một từ “bản đồ” nào. Như vậy có nghĩa là Quyết định phê duyệt quy hoạch cũng không nói gì tới bản đồ nào về quy hoạch hoặc liên quan tới quy hoạch.

Từ 2 góc độ trên, có thể khẳng định rằng không có bản đồ quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 khu đô thị Thủ Thiêm vì pháp luật không quy định về loại bản đồ quy hoạch và Quyết định phê duyệt quy hoạch chung cũng không đả động tới loại bản đồ nào.   

Hiện còn hơn 100 hộ dân khiếu nại, tố cáo tận trung ương liên quan đến thu hồi và bồi thường đất ở khu vực này, có người ăn chực nằm chờ đến 4-5 tháng, theo ông có phải là cần sự xuất hiện của “bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm” để giải quyết cho người dân, hay còn cách nào khác để tháo gỡ bức xúc của người dân?

-Theo tôi, khi pháp luật trước ngày 01/07/2004 không quy định về bản đồ quy hoạch và kể từ ngày này cho tới nay mới có quy định về bản đồ quy hoạch thì việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các hộ dân về ranh giới thu hồi đất sẽ căn cứ vào bản đồ quy hoạch đô thị có hiệu lực pháp luật tại thời điểm UBND cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất.

Một quy hoạch đã được phê duyệt nhưng được điều chỉnh mà việc điều chỉnh phù hợp pháp luật trước ngày ban hành quyết định thu hồi đất thì vẫn phải căn cứ vào điều chỉnh quy hoạch đã được phê duyệt.

Từ kinh nghiệm, tôi thấy lẽ thường tình là khiếu nại, tố cáo của dân về thu hồi đất thường bắt nguồn từ việc giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không thỏa đáng. Từ đó, người dân với sự trợ giúp của luật sư hay tìm những sơ xuất về quản lý trong trình tự, thủ tục quy hoạch, hay trình tự, thủ tục thu hồi đất để thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo. Câu chuyện ở Thủ Thiêm cũng là như vậy.   

Trách nhiệm thuộc về chính quyền TP.HCM

Nếu TP.HCM cứ lần lữa trong chuyện minh bạch chiếc “bản đồ gốc” quy hoạch Thủ Thiêm thì theo ông vụ việc này cần được xử lý như thế nào? Cấp nào đứng ra giải quyết cho thấu đáo?

-Trên đây tôi đã tìm ra đủ căn cứ pháp lý để kết luận rằng không có bản đồ quy hoạch chung ở tỷ lệ 1/5.000 đối với khu đô thị Thủ Thiêm vì pháp luật lúc đó không có quy định về loại bản đồ quy hoạch. Nếu có loại bản đồ nào giống như vậy thì cũng chỉ là công cụ trung gian của người lập quy hoạch, không phải bản đồ quy hoạch “gốc” như nhiều người nghĩ.

Tiếp theo, tôi cũng đã nói trong số nhiều bản đồ quy hoạch tại Thủ Thiêm được xây dựng sau ngày 01/07/2004 thì hãy chọn bản đồ quy hoạch có hiệu lực pháp luật tại thời điểm UBND cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất, kể cả trường hợp quy hoạch đó được điều chỉnh mà điều chỉnh đó phù hợp pháp luật.

Trước đây, quy hoạch chung khu đô thị mới Thủ thiêm do UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy, những vấn đề liên quan tới quy hoạch đô thị đối với Thủ Thiêm sẽ thuộc phạm vi giải quyết của chính quyền cấp thành phố.

Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan từng cho biết, dự án này khá lớn, dự kiến giá khởi điểm lên đến 27.000 tỷ đồng!
Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan từng cho biết, dự án này khá lớn, dự kiến giá khởi điểm lên đến 27.000 tỷ đồng!

Câu chuyện “bản đồ quy hoạch gốc bị mất tích” không chỉ là cần sớm giải quyết thấu đáo với người dân mà cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để làm rõ ngọn nguồn, thậm chí có ý kiến cho rằng nếu cần thiết thì phải khởi tố, điều tra để quy trách nhiệm. Ông nghĩ như thế nào?

-Tất cả những chuyện nói trên đây đáng ra phải tìm cách để tìm ra sự thật sớm nhất nhằm giải quyết sớm nhất vấn đề. Trên thực tế, kể cả cán bộ quản lý lẫn truyền thông đã suy luận “quá đà” làm cho câu chuyện ngày cang phức tạp hơn.

Mặt khác, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung khu đô thị mới Thủ Thiêm cho tới nay đã hơn 20 năm, cán bộ quản lý có liên quan đã trải qua hơn 4 nhiệm kỳ. Tư duy của những cán bộ đương nhiệm quen với hệ thống pháp luật hiện hành cứ muốn áp tư duy đó vào thời kỳ pháp luật còn ở trạng thái “sơ khai” mà suy luận. Đây chính nhược điểm làm chuyện bé xé ra to, chuyên đơn giản mà thành phức tạp.

Tất nhiên, tôi luôn ủng hộ việc xử lý triệt để mọi trường hợp cán bộ vì tư lợi mà làm mất lòng dân, kể cả điều tra để khởi tố khi đúng là vướng tới mức hình sự. Nếu giả thuyết “âm mưu” mà đúng thì đây là việc phải làm. Nhưng theo tôi, giả thuyết “âm mưu” là không đúng.

Ý kiến của tôi ở trên cũng chỉ là ý kiến của một chuyên gia có kinh nghiệm, biết nhiều về pháp luật, biết nhiều về tư duy khi chuyển đổi cơ chế kinh tế từ bao cấp sang thị trường và biết nhiều về các “thuật” của cán bộ quản lý thực hiện hành vi tư lợi. Hiện nay, dư luận đang cần những kết luận đúng của UBND TP.HCM về “sự tích bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm không có hay có mà mất tích”. Kết luận đó phải đủ thuyết phục được những người dân đang có khiếu nại, tố cáo.       

Xin cảm ơn ông!

KIỀU MINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement