31/08/2019 01:30
Grabcar ế ẩm, giới tài xế khóc ròng
Khoảng 1 tháng nay giới tài xế công nghệ Grabcar than ế vì ít khách trong khi giá cước không tăng.
3 tiếng không “nổ” 1 cuốc
Theo thói quen hàng ngày, cứ mỗi buổi sáng, Khiêm - tài xế công nghệ Grabcar lại mở app (ứng dụng) Grab Driver dành cho tài xế để bắt đầu công việc đưa đón khách.
Thế nhưng gần hết buổi sáng mà vẫn chưa có khách nào đặt. Tình trạng này đã kéo dài hơn 1 tuần nay. Chán nản, anh đậu xe vào lề đường nằm nghỉ và ngủ quên lúc nào không hay. Được một lúc, anh nghe tiếng gõ cửa xe nên tỉnh giấc.
Tưởng khách gọi, anh thức dậy nhưng không ngờ đó là nhân viên công vụ và lập biên bản phạt do đậu xe trên trên đường cấm. Câu chuyện của Khiêm được nhiều người trên cộng đồng tài xế Grab thông cảm và chia sẻ vì "đã nghèo lại gặp cái eo".
Nhiều xe taxi công nghệ ế ẩm, đậu cả buổi chiều trên đường Bạch Đằng, gần sân bay Tân Sơn Nhất |
Tình hình ế ẩm dường như đang bao trùm khắp giới lái xe Grab. Tài xế T.H.S cho biết: “Đây là lần đầu tiên trong nhiều tháng nay mà cả nguyên buổi sáng tôi chỉ hoàn thành đúng 1 cuốc xe giá 131.000 đồng. Tháng này chắc chắn tôi phải mượn tiền vợ để góp ngân hàng chứ doanh số kiểu này không đủ”.
T.H, một tài xế khác cũng cho biết tình hình ế ấm kéo dài cả tháng nay, có buổi sáng mở app từ 4 giờ sáng mà đến gần 9 giờ vẫn không “nổ”. “Tui vay ngân hàng mua xe chạy Grab, tháng này gần đến hạn thanh toán mà doanh số chưa đủ. Chưa biết làm cách nào để xoay xở được".
Tài xế T.H.P cũng than thở: "Em chạy cả ngày mà chỉ được vài trăm ngàn đồng, trừ chi phí và chiết khấu cho Grab thì không còn bao nhiêu. Các quận trung tâm thì kẹt xe, khách lại đa số đi chuyến ngắn, nên thu nhập tài xế ngày càng thấp".
Vì tháng 7 Âm lịch hay vì cạnh tranh?
Theo nhiều tài xế Grabcar xét đoán, tình hình ế ẩm kéo dài hơn 1 tháng qua xuất phát từ quan niệm tín ngưỡng dân gian, thường hay xui xẻo vào tháng 7 Âm lịch nên người dân hạn chế đi lại nhiều. Tuy nhiên, phần lớn giới lái xe cho rằng việc ra đời nhiều hãng taxi công nghệ khác mới chính là lý do khiến thị phần bị chia sẻ.
Cách đây khoảng 2 năm, khi lĩnh vực taxi công nghệ mới vừa bùng phát, thị trường lúc chỉ mới 1-2 hãng khai thác. Đó là lúc người lái xe taxi công nghệ được o bế và thu nhập tương đối cao. Gần đây khi nhiều hãng mới xuất hiện, tung nhiều chiêu cạnh tranh, giá cước taxi ngày càng thấp.
Các hãng taxi công nghệ ra đời sau như Becar, Vato, Fastgo khuyến mãi giảm giá để thu hút khách khiến cho “anh cả” Grab cũng không còn độc quyền nhân giá như trước.
Chờ lâu đến mức chán nản vì tình trạng ế ẩm, đây là tình trạng chung của các tài xế chạy xe taxi công nghệ khác |
Không chỉ được lợi giá rẻ, khách hàng ngày càng có nhiều lựa chọn nên có đủ chiêu trò để sử dụng, trong khi cánh tài xế thì méo mặt. Trong giới tài xế công nghệ, ấm ức nhất là khi chạy đón khách với khoảng cách khá xa, nhưng gần đến nơi thì khách hủy. Anh C.B.T, tài xế Grabcar kể: “Một lần, tôi đón khách ở khu căn hộ quận 2.
Mình chạy cả 2 km đến nơi thì khách nói đã lên xe rồi, trong khi ứng dụng đặt xe thì vẫn chưa hủy”. Anh N.X.T, một tài xế công nghệ đã lái xe nhiều năm cho biết, khách đi xe ngày nay rất “khôn”, do có nhiều hãng xe cạnh tranh nên cùng lúc họ đặt xe bằng nhiều ứng dụng, giá nào rẻ hơn hoặc xe nào đến trước thì họ đi xe đó.
Khách thì vẫn vô tư vì họ có quyền lựa chọn, hãng xe thì không thể can thiệp trong trường hợp này. Chỉ tội tài xế tốn thời gian, tốn xăng, chaỵ hụt hơi đón khách nhưng cuối cùng… trớt quớt”.
Thu nhập “khủng” dành cho ai?
N.H.H, năm nay 27 tuổi, bắt đầu bước chân vào giới tài xế công nghệ cũng được 5 tháng. H. thân hình gầy nhom vì “cày” Grabcar. H. kể, có những buổi chưa kịp ăn cơm thì “nổ” cuốc, ráng nhịn để chạy, tới lúc bước xuống xe bủn rủn tay chân đi không nổi.
Rồi có những lần chở khách thì “Cày” từ sáng tới tối như H., có tháng lãi ròng sau khi trừ hết chi phí còn lại khoảng 30 triệu đồng. Tài xế L.V.Q tính toán: “Nếu tính trên giá cước thì tài xế nào chạy thường xuyên cũng kiếm được 40-50 triệu đồng/tháng.
Nhưng cái phần chiết khấu lại cho công ty, rồi tiền xăng, bảo dưỡng xe… nó chiếm hơn một nửa. Nói nôm na kiếm được 10 đồng thì công ty lấy hoa hồng 25-28%, còn 25% tiền xăng. Trừ thêm tiền thuê xe nữa thì thu nhập tài xế chỉ bằng lương công nhân. Đó là chưa kể trường hợp vi phạm giao thông hoặc va quẹt trên đường”.
Tài xế S.T, đúc kết: “Tôi chạy hết sức một tháng cũng không dư nổi 20 triệu. Nhiều người đâm đầu vào mua xe, trả góp ngân hàng lãi suất cao, được vài tháng trụ không nổi phải bán thốc bán tháo. Tôi cũng đã bán xe, đổi việc khác rồi vì thu nhập không đủ chi phí”.
Khoảng 1 tháng nay giới tài xế công nghệ Grabcar than ế ẩm vì ít khách trong khi giá cước không tăng. |
Anh T.Q.T, tài xế cho hãng Becar cũng than thở: “Công ty này đang có chương trình khuyến mãi, khách tương đối có liên tục, tuy nhiên do số đầu xe còn ít nên các tài xế khi nhận cuốc thường phải chạy đi đón rất xa, giá cước khuyến mãi thấp nên tính ra không thể bù đắp chi phí”.
B.T, một tài xế công nghệ còn khá trẻ, kể: “Em cũng chịu khó chạy lắm, cày mỗi ngày hơn 16 tiếng, nhưng nói thật là mệt không chịu nổi. Tới nửa đêm nằm đợi khách ở sân bay, em có cài báo thức ngủ chừng 2 tiếng thôi, nhưng có khi ngủ quên luôn tới sáng. Thu nhập tài xế không thể cao được vì trừ hết chiết khấu, chi phí, ăn uống thì cũng chỉ vừa dư được chút ít”.
Anh N.X.T, một tài xế lâu năm cho biết, có thời gian anh ôm xe chạy cả ngày lẫn đêm, thu nhập hàng tháng lên đến trên 60 triệu đồng, nhưng chỉ kéo dài được 1-2 tháng để thử khả năng thôi chứ không duy trì liên tục được. “Lái xe liên tục giống như bán sức khỏe để kiếm tiền. Thu nhập cao nhưng về lâu dài sinh ra bệnh tật. Ổn định lắm thì chỉ kiếm được một tháng hơn 10 triệu đồng".
Thực tế thu nhập của giới lái xe công nghệ rất khó để đạt được con số mơ ước hàng chục triệu đồng mỗi tháng, thế nhưng hàng ngày đều có rất nhiều người vay ngân hàng mua xe để gia nhập đội ngũ này. Đó là một nguy cơ tiềm ẩn, gánh nặng nợ nần sẽ càng gây khó khăn cho giới tài xế khi lệ thuộc vào ngân hàng và các hãng taxi công nghệ
Advertisement
Advertisement