03/07/2017 06:30
Grab hay Uber thì cũng phải sòng phẳng
Đòi cấm hay trừng phạt Uber, Grab hẳn là vô lý nhưng bắt buộc họ sòng phẳng mọi khoản, cạnh tranh lành mạnh và đóng thuế đầy đủ hoàn toàn có cơ sở
Bất kể phương tiện giao thông nào, nếu “ngon, bổ, rẻ” trước sau gì cũng được khách hàng ưa chuộng. Uber và Grab ngày càng chiếm khách của taxi và xe ôm hoàn toàn dễ hiểu và không thể cấm họ hoạt động hay mở rộng nếu cả hai tuân thủ luật pháp sở tại, nộp thuế đầy đủ. Nhưng nếu họ chơi xấu và không sòng phẳng, cũng cần phải có biện pháp chế tài.
Cho đến nay và kể cả sau này, tôi luôn ủng hộ những phương thức kinh doanh và vận tải mới, hiện đại, tiện lợi như Uber và Grab. Tôi cũng tin số đông chấp nhận điều đó vì đáp ứng đúng nhu cầu của hành khách, giúp thị trường rộng mở, cạnh tranh tốt hơn và khuyến khích các thành phần giải quyết bài toán giao thông đô thị.
Xu hướng ấy đã được cả thế giới ủng hộ thì chẳng cớ gì chúng ta không vỗ tay. Uber, Grab không chỉ giúp khách hàng có nhiều lựa chọn, bớt tốn kém hơn mà còn khiến các hãng taxi, xe ôm truyền thống phải thay đổi cả văn hóa phục vụ lẫn trang thiết bị, dịch vụ tốt hơn.
Chắc chắn dù biện minh bằng cách nào thì cũng không thể cấm hai hãng trên hoạt động vì bất kể cái gì đi ngược với xu thế chung trước sau cũng phải dỡ bỏ. Điều vô cùng quan trọng còn lại là buộc họ phải cạnh tranh sòng phẳng, chấp nhận luật chơi chung và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nơi họ kiếm lợi nhuận.
Năm 2016, Công ty TNHH Grab đạt doanh thu 192 tỷ đồng, báo lỗ 443 tỷ. Với hoạt động kinh doanh lỗ, Grab Việt Nam không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tổng số thuế của Grab năm 2016 (bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế môn bài) nộp cho ngân sách nhà nước là 5,8 tỷ đồng. Một con số vô cùng ít ỏi, chỉ bằng 1/30 so với vài hãng taxi tên tuổi. Năm 2016, Công ty TNHH Grab cũng không thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho các cá nhân ký hợp đồng hợp tác kinh doanh cùng Grab. Do vậy, số thuế thu nhập cá nhân năm 2016 của Grab nộp bằng không!?
Nhìn số lỗ mà Grab báo và số thuế doanh nghiệp này nộp, không ít người liên tưởng đến trò “lỗ giả lãi thật” mà nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài đã làm. Tại sao một DN lỗ nhiều như thế lại liên tục mở rộng kinh doanh và ngày càng chiếm lĩnh thị trường hai thành phố lớn nhất nước? Làm ăn không hiệu quả, họ thu hút, hạ giá, khuyến mãi… thường xuyên để tự đẩy mình vào chỗ phá sản sao?
Hiện nay, Uber và Grab đã có hơn 40.000 xe ô tô tham gia trên toàn quốc, chưa kể lượng xe máy khó đếm xuể. Mã khuyến mãi cùng với những hình thức bù lỗ cho tài xế của cả hai hãng trên luôn luôn có và khá linh hoạt. Cả khách hàng, tài xế và hai hãng đều hưởng lợi. Nhưng ngân sách quốc gia thì thu được quá ít bởi số thuế chỉ bằng một DN cấp quận như Grab từng đóng.
Nếu tính đúng, tính đủ, liệu họ có lỗ và chỉ đóng vài tỷ đồngtiền thuế như thế? Rồi hàng chục ngàn lao động cho hai hãng trên được hưởng đầy đủ chế độ như tài xế các hãng taxi truyền thống thì cước của họ còn hấp dẫn được như hiện nay?
Đòi cấm hay trừng phạt Uber hoặc Grab hẳn là vô lý nhưng bắt buộc họ sòng phẳng mọi khoản, cạnh tranh lành mạnh và đóng thuế đầy đủ hoàn toàn có cơ sở. Đó không chỉ là nghĩa vụ của DN đang hưởng lợi trên thị trường hàng chục triệu khách mà còn là đạo đức kinh doanh khi không thể muốn lợi nhiều mà đóng góp ít. Càng khó chấp nhận hơn nữa khi lách luật để né thuế. Dù là DN nào thì cũng nên sòng phẳng, đừng nhân danh khách hàng để vun vén cho mình.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp