13/12/2021 14:11
Gói hỗ trợ của Chính phủ liệu có tạo đà bứt tốc?
Chương trình hỗ trợ phục hồi nền kinh tế của Chính phủ với quy mô dự kiến cao chưa từng có tiền lệ, tính riêng gói chính sách tài khóa khoảng 5 - 7% GDP theo đề xuất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ củng cố niềm tin của thị trường và giới đầu tư, tạo đà bứt tốc của nền kinh tế và tăng trưởng của thị trường chứng khoán thời gian tới...
507.300 tỷ đồng “không cánh mà bay” có lẽ là con số đầu tiên lượng hóa thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế Việt Nam (tính theo giá cố định năm 2010) do ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 vừa qua. Còn nếu tính theo giá hiện hành 2021, con số thiệt hại lên đến 847.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 37 tỷ USD.
Trong khi đó, hai năm qua, để ứng phó dịch bệnh và hỗ trợ kinh tế phục hồi, tổng gói hỗ trợ của Việt Nam chỉ khoảng 4% GDP năm 2020, tương đương 13,7 tỷ USD, thấp hơn hàng loạt các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp.
Mặt khác, các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ toàn cầu lên đến 18.272 tỷ USD, tương đương 16,4% GDP năm 2020. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế đều chung nhận định, nếu không có chương trình đặc biệt, gói hỗ trợ đặc biệt, Việt Nam có thể lỡ nhịp phục hồi, khó hoàn thành các chỉ tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua.
Sức cầu vẫn suy giảm
Nhìn lại bức tranh kinh tế năm 2021, trong quý 3 vừa qua, nền kinh tế chứng kiến cú lao dốc thảm hại nhất sau hai năm dịch bệnh tàn phá. 23 tỉnh, thành bao gồm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương…, chiếm hơn 72% GDP của cả nước, buộc phải áp dụng các biện pháp phong tỏa khắc nghiệt để chống dịch. Kinh tế quý 3/2021 giảm tới 6,17% so với cùng kỳ, tính chung 9 tháng, GDP kéo lùi, chỉ còn tăng 1,42%.
Dữ liệu vĩ mô tháng 11 cho thấy sự cải thiện đáng kể của nền kinh tế trên hầu hết các lĩnh vực và Việt Nam dường như đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế ước tính GDP cả năm 2021 chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 2,1-2,8%, do các hoạt động sản xuất và tiêu dùng đang hồi phục nhưng chậm.
Theo phân tích của các chuyên gia thuộc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), mô hình hồi phục đang nghiêng nhiều về hình chữ U trong nhóm ngành bán lẻ và dịch vụ khi tăng trưởng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, mặc dù TP. Hồ Chí Minh nới lỏng nhiều các hoạt động dịch vụ không thiết yếu, nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của thành phố tháng 11 vẫn giảm tới 41,3% so với cùng kỳ, cho thấy đợt giãn cách kéo dài ảnh hưởng mạnh tới tâm lý và thu nhập của người dân.
Trong khi đó, “khu vực dịch vụ của TP. Hồ Chí Minh ước tính chiếm khoảng 13% GDP cả nước, thấp hơn kỳ vọng và do vậy sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP trong quý 4. Bên cạnh đó, rủi ro trong tháng 12 sẽ nghiêng về đợt bùng phát dịch lần thứ 5 hoặc sự xuất hiện của chủng virus mới Omicron sẽ khiến tâm lý tiêu dùng suy yếu”, chuyên gia SSI Research lo ngại.
Kỳ vọng doanh nghiệp phục hồi, kinh tế tăng tốc
Dự kiến kỳ họp bất thường của Quốc hội sẽ diễn ra vào đầu năm 2022, khi đó, cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội dự kiến được trình Quốc hội xem xét.
Dù thông tin cụ thể về nguồn tài chính, quy mô chưa rõ ràng, chương trình vẫn đang “thai nghén”, nhưng các chuyên gia SSI Research kỳ vọng gói kích thích kinh tế của Việt Nam sẽ thúc đẩy tâm lý thị trường chứng khoán trong ngắn hạn. Tuy nhiên, yếu tố dài hạn dẫn dắt thị trường vẫn phải phụ thuộc vào sự phục hồi thực tế của các doanh nghiệp.
Lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam dự báo GDP năm 2022 của Việt Nam bứt tốc về mức 5,7-6,2%.
Dự báo này đặt trong giả định Việt Nam mở cửa kinh tế thành công, với những động lực tăng trưởng chính như tỷ lệ tiêm vaccine kỳ vọng đạt mức trên 70%, cùng với kinh nghiệm sống chung với Covid. Khi đó, dòng vốn FDI tăng trưởng trở lại khi dịch được kiểm soát, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của làn sóng FDI toàn cầu. Đầu tư công được đẩy mạnh. Xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng khi sản xuất trong nước quay trở lại hoạt động và nhu cầu bên ngoài hồi phục.
Bên cạnh đó, kỳ vọng về các gói hỗ trợ tài khóa, chính sách hỗ trợ kinh tế, duy trì mặt bằng cho vay thấp, ổn định vĩ mô và việc thúc đẩy chuyển đổi số Chính phủ và doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong sự hồi phục của nền kinh tế.
Về triển vọng thị trường chứng khoán năm 2022, chuyên gia Mirae Asset dự báo, nền kinh tế sẽ phục hồi trên diện rộng, với triển vọng kinh tế vĩ mô lạc quan, dự phóng mức EPS tăng trưởng kép giai đoạn 2020-2022 khoảng 29%/năm và mức P/E hợp lý khoảng 16 lần. Chỉ số VN-Index năm 2022 khoảng 1.700 điểm trong kịch bản cơ sở, tăng 15% so với mức đóng cửa cuối tháng 11/2021.
6 ưu tiên trong gói hỗ trợ tài khóa
Đưa ra một số hàm ý chính sách để vực dậy nền kinh tế, ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, khủng hoảng kinh tế - xã hội lần này xuất phát từ dịch bệnh Covid-19 mà không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế - tài chính, nên các giải pháp chuyên môn về y tế vẫn mang tính chất quyết định và chủ yếu, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ.
Trong đó, chính sách tài khóa đóng vai trò chủ đạo, song vẫn cần kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ, để tạo ra các nguồn lực tốt nhất hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm hồi phục và phát triển.
Về đối tượng trọng tâm của các gói hỗ trợ tài khóa, Kinh tế trưởng ADB cho biết, hầu hết các nước đều tập trung nguồn lực với 6 ưu tiên chính.
Một là, hỗ trợ hệ thống y tế đối phó với dịch bệnh. Phát triển hệ thống tiêm chủng vaccine, khảo sát tình hình dịch bệnh, nâng cao phúc lợi cho đội ngũ y bác sỹ tuyến đầu.
"Điều quan trọng là cần xác định các mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ với quy mô đủ lớn. Gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế hiện mới chưa đến 3% GDP nên có thể nâng lên khoảng 5 - 7% GDP (tương đương 17,15 – 24,01 tỷ USD) đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như mong đợi".
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.
Hai là, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, mở rộng bao phủ của hệ thống bảo trợ xã hội giúp giảm tổn thất, hỗ trợ sinh kế, đặc biệt cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, hộ gia đình thu nhập thấp, người già, trẻ em, lao động trong các khu vực không chính thức…
Ba là, hỗ trợ thu nhập cho người lao động trong các khu vực bị ảnh hưởng, bảo vệ và tạo việc làm, tái phân bổ nguồn lực hiệu quả.
Bốn là, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động và phục hồi, trong đó, ưu tiên cho các doanh nghiệp trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh và tự doanh, các doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh hơn, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và thân thiện với môi trường.
Năm là, tăng đầu tư công nhằm hỗ trợ tổng cầu, tăng năng suất, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thống và thế hệ mới để phục hồi và kích thích tăng trưởng. Ưu tiên đẩy nhanh các dự án có trong dự toán, các công trình công cộng sẵn sàng triển khai ở địa phương.
Sáu là, xây dựng các chương trình kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa, thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp