15/08/2019 20:38
Giới trẻ chán nuôi chó mèo, chuyển sang chăm bò cạp, rắn
Ngoài các thú cưng quen thuộc như chó và mèo, thì ngày nay nhiều thanh niên nam nữ chuyển sang "săn" các loài vật nuôi độc và lạ như bò cạp, rắn,...
Hiện ở Việt Nam, nuôi thú cưng và xem nó như người bạn là điều rất quen thuộc. Nhưng ngoài các con vật quen thuộc như chó, mèo ra thì ngày nay, giới trẻ còn chăm sóc thú nuôi độc, lạ.
Nuôi rắn không còn quá xa lạ với nhiều giới trẻ hiện nay |
“Tín đồ” Ngũ độc giáo
Trăn, rắn rết, bọ cạp, nhện… là những loại bò sát được giới trẻ săn về nuôi khá nhiều hiện nay. N.N.T, sinh viên tại Khánh Hòa đang sở hữu bộ sưu tập hàng chục loại động vật độc, lạ như cự đà Nam Mỹ, nhện, ếch Pacman, thằn lằn da báo… Anh cho biết sở thích này đã bộc lộ từ lúc nhỏ.
Bò cạp được chọn là một trong những loài thú cung độc, lạ của nhiều người |
Nguyễn Thanh Hưng được biết đến với nickname Hưng Bọ cạp, cho biết: “Mình rất đam mê, hứng thú với việc phát triển con bọ cạp nội địa Việt Nam, và mục tiêu thành chủ trại bọ cạp lớn”.
Hiện nay, mỗi ngày Hưng bán ra thị trường hàng chục con bọ cạp, rết, và gián.
Kênh liên lạc phổ biến nhất giữa những người có thú chơi độc này là facebook. Thậm chí có nhóm chơi còn thường xuyên tổ chức những buổi offline giao lưu về các loài bò sát, chim, cá lạ để trao đổi kinh nghiệm và mua bán hàng.
Sau “cơn sốt” những loài bò sát như kỳ đà, kỳ nhông, dân chơi chuyển sự quan tâm sang nhiều loài có giá bán cao, từ 3 - 30 triệu đồng/con như cáo sa mạc, tép ong đỏ, khỉ đuôi sóc, rồng Úc, sóc bay Úc, giông Axolotl...
Cũng có một số loài côn trùng nhỏ hơn hiện rao bán nhiều trên mạng như loài nhện, giá con nhỏ nhất khoảng 100.000 đồng, to hơn một chút từ vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng/con. Nhện có nhiều loại như chân trắng, chân đỏ, Tarantula, Red G.Rose Tarafu.
Tắc kè thì đủ màu xanh, đỏ, vàng có giá từ 1,2-7 triệu đồng/con. Trăn kiểng cũng khá đa dạng, từ 1,5-4 triệu đồng/con. Ếch bò châu Phi, ếch Pacman, rồng Nam Mỹ, rồng Úc từ 0,7-5 triệu đồng/con. Rùa Nga, rùa sao Ấn Độ, rùa da báo từ 2,5-3,8 triệu đồng/con.
Tại một shop chuyên kinh doanh bò sát cảnh tại TP.HCM, thằn lằn đuôi gai ở sa mạc Ai Cập, Dubai cũng có giá vài triệu đồng/con. Thú săn mồi nhỏ có thằn lằn, giá 1,5-4 triệu đồng/con. Dòng ăn thịt kích thước lớn có kỳ đà Savannah Monitor, Tegu Argentina, Argus Monitor, Lace Monitor.
Không chỉ bò sát, nhiều người còn săn các loại thủy sinh độc lạ như cá phổi Tây Phi, rùa cổ sọc , v.v..
Nhiều nguy cơ
Việc chọn thú nuôi để chăm sóc là sở thích riêng của mỗi người, tuy nhiên một số loại rất nguy hiểm, nếu không cẩn thận sẽ gây hại không chỉ riêng cho người nuôi mà còn cho cả cộng đồng.
Nguyễn Thanh Hưng – chủ cơ sở nuôi bọ cạp ở Đắk Lắk chia sẻ: “Những người có thú nuôi bọ cạp hay rắn rết rất dễ bị vật nuôi cắn bởi chúng là động vật hoang dã, không thể thuần hóa hay nhận thức được chủ nuôi như chó, mèo.
Bọ cạp ở Việt Nam có hơn 8 loại, đa số là không độc, chỉ có bọ cạp lửa là có độc ở cấp độ 3. Còn bọ cạp nhập từ nước ngoài thì độc lực cao hơn, có thể gây chết người. Do đó khi bán bọ cạp là tôi hướng dẫn luôn cách để xử lý khi bị bọ cạp chích hay bị rết cắn”.
Trước khi lựa chọn thú cưng độc, lạ bạn cần chuẩn bị kiến thức đủ lớn để hiểu và thuần phục chúng |
Tất nhiên, chỉ một số ít người bán “có tâm” và có trại nhân giống ở trong nước thì mới hướng dẫn chu đáo. Còn đa số các loại nhập khẩu khác thường là vận chuyển theo đường không chính thức. Do đó mặc dù có độc, lạ nhưng rủi ro khi vật nuôi bị bệnh, lây nhiễm hay gây thương tích thì chủ nhân thường là người chịu thiệt thòi.
TS. Lê Quý Kha - Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, nhận định các loài vật “độc lạ” này nếu không được kiểm soát cẩn thận dễ mang nhiều dịch bệnh, nguồn lây bệnh cho con người từ các loại nấm, vi khuẩn... có hại.
Bò cạp có độc tính rất cao, nguy hiểm khi tiếp xúc. Ếch cũng có nguy cơ chứa chất độc, sinh sản nhanh lấn át các loài có lợi khác. Nhện không chỉ có độc mà còn là vật truyền bệnh cho nhiều loại cây trồng.
Các sinh vật ngoại này còn lai với sinh vật trong nước làm mất giống bản địa, số lượng lớn có thể làm mất cân bằng sinh thái. Do đó, cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp kiểm soát các loài sinh vật này.
Advertisement