04/10/2021 18:01
Giao dịch chứng khoán chiều 4/10: FLC nổi sóng, thị trường hạ nhiệt
Áp lực bán gia tăng cuối phiên khiến thị trường đuối sức, chỉ số VN-Index tiếp tục có phiên đóng cửa dưới đường trung bình MA20. Tuy nhiên, thị trường vẫn có những con sóng đáng chú ý như nhóm thép, đặc biệt là sự đột biến của FLC.
Sau diễn biến tích cực trong nửa cuối phiên sáng giúp thị trường lan tỏa sắc xanh và chỉ số VN-Index chinh phục thành công mốc 1.340 điểm, tâm lý nhà đầu tư tiếp tục hứng khởi bước vào phiên giao dịch chiều.
Ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, dòng tiền chảy mạnh đã kéo VN-Index vượt qua được trung bình 20 ngày (MA20) ở ngưỡng 1.343 điểm, lên trên 1.346 điểm. Sự tích cực này bắt nguồn từ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu thép, lan dần ra nhiều mã khác trên bảng điện tử.
Tuy nhiên, thêm một lần nữa cho thấy đây vẫn đang là ngưỡng kháng cự khá mạnh của thị trường khi lực cung gia tăng, từ áp lực chốt lời ở nhóm dầu khí khiến nhóm này hạ nhiệt, nhất là GAS - lực đỡ chính của thị trường trong phiên chiều bị đẩy về sát mốc tham chiếu. Từ nhóm dầu khí, lực bán lan tới nhóm phân bón, rồi lan dần ra các nhóm, mã khác, đẩy VN-Index lùi trở lại và có phiên thứ 6 liên tiếp đóng cửa dưới đường MA20 vốn đang đi ngang với dải bollinger khá hẹp.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng dù rất nỗ lực, nhưng chưa đủ sức trở lại, ngoại trừ BID may mắn có sắc xanh nhạt, cùng SSB như thường lệ đóng cửa ở tham chiếu, còn lại vẫn chìm trong sắc đỏ.
Nhóm chứng khoán cũng không khá hơn khi chỉ có 2 sắc xanh le lói, còn lại đều chìm trong sắc đỏ với các mã giảm mạnh như HCM, VCI, VND, SSI.
Đóng cửa, sàn HOSE có 224 mã tăng và 179 mã giảm, VN-Index tăng 4,65 điểm ( 0,35%) lên 1.339,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 736 triệu đơn vị, giá trị 22.881 tỷ đồng, giảm nhẹ cả về khối lượng và giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 1/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 35,47 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 1.545,2 tỷ đồng.
Như đã đề cập, trong khi nhóm dầu khí bị chốt lời và hạ nhiệt, thì nhóm cổ phiếu thép là có phiên khá khởi sắc khi đà tăng được nới thêm và lan rộng ra khắp nhóm, trong đó HPG với mức tăng 3,9% lên 55.500 đồng, là mã đóng góp lớn nhất về điểm số cho VN-Index.
Tuy nhiên, trong nhóm thép, HPG không phải là mã tăng mạnh nhất mà là NKG tăng 6,7% lên sát mức giá trần 47.800 đồng/CP, HSG và SMC đều tăng hơn 4%, POM tăng 5,5% lên 17.3500 đồng/CP.
Nhóm cổ phiếu điện cũng có phiên giao dịch tích cực với các mã GEG, NT2, SJD, KHP, VSH đều tăng trần. Trong đó, POW vẫn giữ mức tăng 3,7% và đóng cửa tại 12.650 đồng/CP cùng khối lượng khớp lệnh lên tới gần 31,83 triệu đơn vị, chỉ đứng sau HPG về thanh khoản.
Nhóm dầu khí, dù bị chốt lời hạ nhiệt, nhưng đa số vẫn giữ được sắc xanh, trong đó PLX tăng 3,7% lên 53.800 đồng, GAS tăng 0,48% lên 104.000 đồng... Trong nhóm cổ phiếu trụ, có thêm BVH, GVR, VJC tăng hơn 2%; FPT và VHM tăng hơn 1%...
Trong khi đó, sắc đỏ vẫn chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, tiếp tục gia tăng gánh nặng lên thị trường. Cụ thể như CTG giảm 3,5% xuống mức thấp nhất ngày 28.700 đồng/CP, HDB giảm 3% xuống 24.100 đồng/CP; VCB, TCB, ACB, TPB, STB, VPB… đều giảm hơn 1%.
Cũng trong xu hướng giảm, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đồng loạt giao dịch trong sắc đỏ, ngoại trừ một số mã ở top sau vẫn giữ sắc xanh như APS, ART, BSI, CSI, PSI. Trong đó, đáng kể có HCM và MBS cùng giảm 4,4%; VCI và SHS cùng hơn hơn 3%; SSI, BVS, VND giảm 1-2%...
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, sắc xanh lan rộng hơn với VIC, VHM, PDR, VRE, NLG, HDG, DXG, DXS… đều kết phiên trong sắc xanh, ngoại trừ KDH, DIG, TCH, AGG, NBB điều chỉnh nhẹ.
Trong họ Louis, các cổ phiếu vẫn giảm sâu như TGG, TDH, BII, VKC đều trong trạng thái dư bán sàn, còn DDV và APG giảm tương ứng 6% và 4%.
Trái ngược lại, nhóm cổ phiếu họ FLC lại có phiên khởi sắc, đặc biệt là FLC bất ngờ nhận lực cầu ồ ạt cuối phiên, kéo mã này lên thẳng mức giá trần 11.400 đồng/CP, khớp 18,66 triệu đơn vị và còn dư mua trần lên tới gần 20,5 triệu đơn vị.
Các mã khác như AMD, ROS, HAI đều tăng từ hơn 3% đến gần 6%. Hai mã trên HNX là KLF và ART cũng tăng mạnh hơn 3% và hơn 4,4%. Chỉ có GAB tỏ ra lạc lõng khi giảm nhẹ.
Cùng diễn biến khởi sắc của nhóm bất động sản, cổ phiếu BCG cũng có phiên giao dịch tích cực. Kết phiên, BCG tăng 6,8% lên mức giá trần 18.800 đồng/CP với thanh khoản gấp đôi so với những phiên gần đây, đạt 6,64 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, bất ngờ đã đến vào cuối phiên nhờ cú bứt phá mạnh của SHB, kéo chỉ số HNX-Index tăng vọt lên mức giá cao nhất ngày.
Đóng cửa, sàn HNX có 133 mã tăng và 88 mã giảm, HNX-Index tăng 4,41 điểm ( 1,24%) lên 360,89 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 142,45 triệu đơn vị, giá trị 3.164,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,47 triệu đơn vị, giá trị 187,46 tỷ đồng.
Nếu trong phiên cuối tuần trước, cổ phiếu NVB trở thành điểm sáng của thị trường nói chung và nhóm bank nói riêng, thì trong phiên hôm nay, SHB đã khiến nhà đầu tư ngỡ ngàng trong đợt khớp lệnh ATC.
Cổ phiếu SHB bất ngờ tăng tới hơn 1,5 giá trong đợt khớp lệnh ATC và leo lên mức giá cao nhất ngày 28.200 đồng/CP, tương ứng tăng 8%, đã hỗ trợ tốt cho đà tăng tốc của thị trường. Đồng thời, thanh khoản của SHB cũng tăng vọt lên tới hơn 27 triệu đơn vị khớp lệnh. Trái lại, NVB giảm 6,2% về mức giá thấp nhất ngày 27.200 đồng/CP.
Trong khi đó, PVB và PVC đã hạ độ cao sau khi chinh phục mức giá trần và kết phiên lần lượt tăng 6,8% lên 17.200 đồng/CP và tăng 4,2% lên 12.500 đồng/CP, còn PVS giảm 2,4% xuống mức giá thấp nhất ngày 28.000 đồng/CP.
Ngoài ra, một số mã bluechip khác cũng giảm sâu hơn trong phiên chiều như NTP giảm 3% xuống 49.100 đồng/CP và có thời điểm nằm sàn; SHS giảm 3,1% xuống 34.500 đồng/CP; MBS giảm 4,4% xuống 30.400 đồng/CP…
Nhóm cổ phiếu than tiếp tục “nóng bỏng tay” khi đồng loạt như NBC, TVD, TC6, THT, TDN, HLC, MDC vẫn đóng cửa tăng kịch trần với nhiều mã ghi nhận thanh khoản tăng vượt trội so với trước đây như TVD khớp gần 3 triệu đơn vị, TC6 và TDN khớp hơn 1,7 triệu đơn vị hay THT, TDN đều khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường đã hồi phục sắc xanh thành công.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,2 điểm ( 0,21%) lên 96,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 109,28 triệu đơn vị, giá trị 2.171,45 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,12 triệu đơn vị, giá trị 100,42 tỷ đồng.
Vẫn là cổ phiếu có giao dịch vượt trội với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 23,4 triệu đơn vị nhưng đà tăng của BSR đã thu hẹp so với phiên sáng khi kết phiên tăng 2,5%, đứng tại mức 20.600 đồng/CP.
Tương tự, người anh em – OIL cũng hạ độ cao khi ghi nhận mức tăng 5,6% lên 15.100 đồng/CP và khớp 6,6 triệu đơn vị.
Cũng đóng góp tích cực vào nhóm cổ phiếu thép, TVN tăng khá mạnh trong phiên chiều nay và kết phiên tăng 6,5% lên mức 18.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch xấp xỉ 3,3 triệu đơn vị; TIS tăng kịch trần.
Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai giảm và 1 hợp đồng tăng, trong đó VN30F2110 giảm 0,7 điểm xuống 1.440,3 điểm, khớp 133.145 đơn vị, khối lượng mở 36.620 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, giao dịch phân hóa, trong đó, CHPG2111 vẫn dẫn đầu thanh khoản với 182.350 đơn vị khớp lệnh, kết phiên tăng 8,6% lên 2.910 đồng/CQ.
Tiếp theo là CFPT2105 tăng 0,3% lên 3.710 đồng/CQ và khớp 104.840 đơn vị.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp