10/01/2024 14:53
Giảm giới hạn cấp tín dụng, doanh nghiệp lo bị đứt gãy vốn đột ngột
Ngày 15/1, Quốc hội sẽ họp bất thường để xem xét thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Tuy nhiên, hiện dự thảo luật này vẫn còn một số vấn đề gây tranh cãi, điển hình là quy định về giới hạn cấp tín dụng.
Cụ thể, tại Điều 136, dự thảo luật nêu: “Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có của ngân hàng thương mại” và “tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại”, lần lượt giảm mạnh so với mức 15% và 25% của luật hiện hành.
Theo các chuyên gia, việc cắt giảm đột ngột dòng tín dụng sẽ tác động lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, giống như một đoàn tàu đang chạy mà phanh đột ngột. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn hoạt động theo mô hình holding, công ty mẹ - con thường có nhiều dự án cùng triển khai, mỗi dự án đều có nhu cầu đi vay vốn. Nếu các công ty thành viên cùng vay 1 ngân hàng thì lượng vốn được vay sẽ rất thấp, buộc doanh nghiệp phải chia nhỏ nhu cầu để đi vay hoặc phải thu xếp vay từ nhiều ngân hàng cho 1 dự án mới đáp ứng nhu cầu.
Luật sư Trần Minh Pháp - Công ty Luật TNHH Passio Lawyers - cho rằng, đây là việc không dễ dàng bởi chính sách cấp tín dụng, khẩu vị rủi ro giữa các tổ chức tín dụng là khác nhau.
“Việc giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng đồng thời sẽ kéo theo một lượng vốn sẽ bị cắt giảm trên thị trường, trong bối cảnh các doanh nghiệp vốn đã gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và việc suy thoái kinh tế toàn cầu, nay sẽ lại càng khó khăn hơn vì không đủ vốn để duy trì hoạt động kinh doanh”, vị chuyên gia lo ngại.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng các doanh nghiệp đang rất khát vốn để phục hồi và phát triển, nhất là khi kênh trái phiếu lâm vào bế tắc và cần thời gian dài để có thể sôi động trở lại, theo TPO.
Trong khi đó, Việt Nam cũng đang trong giai đoạn cần khuyến khích các tập đoàn đa ngành mạnh để có thể cạnh tranh với thế giới, giống như Hàn Quốc đã từng làm với Samsung, Hyundai… Nếu kênh dẫn vốn chính bị thu hẹp sẽ kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tàu, từ đó hạn chế lực tăng trưởng của nền kinh tế.
“Hạn mức cho vay giảm đột ngột sẽ lập tức tác động đến các tập đoàn đa ngành, trụ cột rất quan trọng của nền kinh tế, vì hệ sinh thái bao gồm nhiều công ty. Hiện tại là giai đoạn cạnh tranh, các tập đoàn vừa phải có độ lớn vừa cần có độ sâu, phải có ngành mới, lĩnh vực mới, nên không thể đứng góc độ này mà không không nhìn góc độ kia trong phát triển”, ông Hiển phân tích về rủi ro khi chính sách chỉ tập trung vào an toàn của hệ thống ngân hàng.
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (sở hữu hãng xe Sao Việt) đánh giá, mục đích của quy định mới nhằm ngăn chặn nợ xấu là tốt nhưng chưa thực sự hợp lý.
“Hiện nay các ngân hàng phải chủ động về mức tín dụng, cũng như đánh giá điểm về tín dụng của doanh nghiệp. Về bản chất, ngân hàng đều thẩm định, đánh giá chính xác được uy tín của khách hàng, kể cả dư nợ của khách, vì vậy việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với khách hàng và người có liên quan là không cần thiết.
Chưa kể, điều này còn đồng nghĩa với việc doanh nghiệp dễ rơi vào khó khăn khi tiếp cận vốn”, ông Bằng nói.
Cũng theo ông Bằng, thời điểm hiện tại lượng tiền trong ngân hàng còn nhiều, bản thân các ngân hàng cũng phải đi tìm khách vay. Quy định mới vì thế cũng phần nào gây khó cho ngân hàng trong việc hút khách.
Tương tự, ông Hoàng Văn Oanh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành (Tuyên Quang) chia sẻ, nếu doanh nghiệp hay dự án lớn do không được cấp đủ vốn tín dụng sẽ phải đi huy động từ nhiều nguồn khác, điều này dễ làm tăng chi phí kinh doanh. Ngoài ra, việc doanh nghiệp phải vay tại nhiều ngân hàng, phải đáp ứng nhiều điều kiện khác nhau của các tổ chức tín dụng cũng có thể dẫn đến nhiều rủi ro khi hoạt động kinh doanh không thuận lợi.
Ông Phạm Ngọc Tùng, lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nói: “Cần có sự đánh giá thật kỹ các tác động hiện nay của quy định mới đến thực trạng vay vốn và rủi ro cho doanh nghiệp để có giải pháp phù hợp nhất, không tác động quá lớn đến dòng vốn mà doanh nghiệp có thể tiếp cận, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh và cạnh tranh", theo VTC News.
Ở góc độ chuyên gia, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích: “Siết giới hạn cấp tín dụng giảm thiểu được nhiều rủi ro cho nền kinh tế, tránh tình trạng cho vay các tập đoàn sân sau, giúp trải đều vốn cho nền kinh tế. Mặc dù vậy, các ngân hàng và doanh nghiệp sân sau vẫn có thể có cách để lách luật. Trong khi, giảm giới hạn cấp tín dụng có thể dẫn đến cắt giảm đột ngột dòng tín dụng, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp".
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 qua đi chưa được bao lâu, dư âm và hậu quả vẫn lớn, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về vốn thì việc áp thêm các quy định hạn chế tín dụng thì sẽ là "lợi bất cập hại".
Trước đó, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc sửa đổi các giới hạn này.
Vì việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, chi phí vốn tăng cao.
Ủy ban Kinh tế cho rằng việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng có thể tác động đến thu hút FDI khi các doanh nghiệp FDI đang vay nợ ở Việt Nam ở mức gần với giới hạn tối đa 15% và 25% theo luật hiện hành sẽ phải tìm kiếm các nguồn vốn mới, do vậy kém hấp dẫn hơn trong thu hút FDI.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp