22/10/2019 17:39
Giám đốc JPMorgan Chase: Lãi suất âm dài hạn là liều thuốc độc của nền kinh tế toàn cầu
Chính sách này có những hệ quả tiêu cực mà chúng ta không thể hiểu hết được”, CEO của JPMorgan Chase cho biết.
Jamie Dimon, giám đốc điều hành của gã khổng lồ ngân hàng Mỹ J.P. Morgan Chase, nói với CNBC rằng việc hạ lãi suất không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong việc thúc đẩy cho vay và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
"Khi họ làm việc này lúc đầu, nhiều người cho rằng họ đang cứu liên minh tiền tệ của châu Âu. Nhưng về mặt dài hạn, tôi cho rằng đây thực sự là một ý tưởng tồi. Chính sách này có những hệ quả tiêu cực mà chúng ta không thể hiểu hết được", ông Dimon phát biểu trong một cuộc trao đổi ngày 21/10 với hãng tin CNBC, khi nói về lãi suất âm của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Dimon gia nhập hàng ngũ ngày càng nhiều nhà điều hành kinh doanh và nhà kinh tế lên tiếng chống lại việc áp dụng chính sách như vậy từ lâu, khi các ngân hàng trung ương trên thế giới cố gắng thúc đẩy tăng trưởng bằng cách tiếp tục cắt giảm lãi suất, thậm chí về mức âm.
CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase - Ảnh: Bloomberg. |
"Nếu muốn thúc đẩy tăng trưởng, tốt hơn hết nên vận dụng nhiều chính sách, chẳng hạn phân bổ vốn, thay vì chỉ dựa vào lãi suất", ông nói. "Tôi hy vọng là việc này sẽ không xảy ra ở Mỹ".
Ngân hàng Trung ương châu Âu tháng trước đã đẩy lãi suất sâu hơn vào mức âm, trong khi Ngân hàng Nhật Bản dường như đang có vẻ sẽ chuẩn bị cho một động thái tương tự.Lãi suất âm về căn bản đồng nghĩa với việc người gửi tiền vào ngân hàng phải trả phí, thay vì được hưởng tiền lãi.
Một chính sách như vậy nhằm khuyến khích các công ty và hộ gia đình vay và chi tiêu, từ đó sẽ làm tăng hoạt động kinh tế và tăng trưởng.Tuy nhiên, lãi suất âm gây hại cho khả năng sinh lời của các ngân hàng và có thể dẫn tới tình trạng nợ nần chồng chất, đến mức gây tổn thất cho nền kinh tế - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo.
Trong Báo cáo Ổn định Tài chính (Financial Stability Report) công bố mới đây, IMF nói rằng mức nợ gia tăng và năng lực trả nợ suy giảm đã làm gia tăng rủi ro trong khu vực doanh nghiệp tại nhiều nền kinh tế, trong đó có Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Trong khi đó, lãi suất tại các nền kinh tế này - đều là những nền kinh tế lớn nhất thế giới - được dự báo sẽ giữ ở mức thấp hoặc âm trong thời gian dài.
Kinh tế đang chậm lại, nhưng chưa có suy thoái
IMF dự báo lãi suất ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Eurozone, Thụy Sỹ và Nhật Bản có thể duy trì ở ngưỡng âm trong nhiều năm. Tại Mỹ, lãi suất vẫn đang dương, nhưng Cục Dự trữ Liên bang (FED) được dự báo có thể cắt giảm lãi suất 1-2 lần trong thời gian còn lại của năm 2019.
Tuy nhiên, Dimon cho biết mức lãi suất không phải là điều mà ông ấy lo lắng nhất hiện nay. Thay vào đó, niềm tin kinh doanh giảm mạnh - gây ra bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc và các sự kiện địa chính trị khác dường như là một rủi ro lớn hơn đối với nền kinh tế toàn cầu,
"Tôi cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến kinh tế giảm tốc", ông nói.
Thậm chí, ông Dimon cho rằng suy giảm niềm tin có thể gây ra suy thoái kinh tế, cho dù tình hình kinh tế thế giới hiện nay chưa đến mức gần suy thoái.
Ông giải thích rằng các nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đều đang tăng trưởng, mặc dù với tốc độ chậm hơn. Điều quan trọng nhất là không có thắt chặt tài chính, không thắt chặt tiền tệ.
Advertisement
Advertisement