22/01/2023 21:25
Giá xăng dầu ngày 23/1: Dầu thô duy trì ổn định
Giá xăng dầu hôm nay ghi nhận dầu thô Brent giao dịch ở mức 87,7 USD/thùng vào rạng sáng 23/1, tăng gần 2% so với phiên trước.
Giá dầu tăng khoảng 1 USD/thùng vào phiên giao dịch vừa qua và ghi nhận mức tăng hàng tuần thứ hai liên tiếp khi kinh tế của Trung Quốc ổn định hơn, thúc đẩy dự đoán về nhu cầu nhiên liệu ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết hôm 18/1, một ngày sau khi OPEC cũng dự báo nhu cầu của Trung Quốc phục hồi, việc Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế về COVID-19 sẽ đưa nhu cầu toàn cầu lên mức cao kỷ lục trong năm nay.
Theo Naeem Aslam, nhà phân tích tại công ty môi giới Avatrade cho biết: "Nhiều nhà giao dịch tin rằng rất có khả năng chúng ta sẽ thấy nhu cầu cao hơn đến từ Trung Quốc khi nước này tiếp tục dỡ bỏ các chính sách COVID của mình".
Trong tuần, Brent ghi nhận mức tăng 2,8% và điểm chuẩn của Mỹ tăng 1,8%. Dầu cũng được hỗ trợ bởi dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm chuyển sang các đợt tăng lãi suất nhỏ hơn.
Một cuộc thăm dò của Reuters dự đoán Fed sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt sau khi tăng 0,25% tại mỗi cuộc họp trong hai cuộc họp chính sách tiếp theo và sau đó sẽ giữ lãi suất ổn định trong ít nhất là phần còn lại của năm.
Ông Lael Brainard, Phó Chủ tịch Fed, cho biết cơ hội 'hạ cánh mềm' cho nền kinh tế Mỹ dường như đang tăng lên. Cuộc họp thiết lập lãi suất tiếp theo của Fed sẽ diễn ra từ ngày 31/1 đến ngày 1/2.
Cũng hỗ trợ giá dầu, Baker Hughes Co cho biết số lượng giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm 10 xuống còn 613, mức thấp nhất kể từ tháng 11.
Theo Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA, cho biết hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cần nhiều dầu thô hơn.
Ông nói: "Thị trường dầu mỏ đã đi xuống do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng nó vẫn đang cho thấy những dấu hiệu có thể tiếp tục thắt chặt thêm một thời gian nữa".
Dầu tăng bất chấp số liệu tồn kho của Mỹ trong tuần này cho thấy các kho dự trữ dầu thô tăng 8,4 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 13/1 lên khoảng 448 triệu thùng, cao nhất kể từ tháng 6/2021.
Ông Andy Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates tại Houston, cho biết việc giảm doanh số bán hàng từ Cục Dự trữ Dầu mỏ chiến lược Mỹ đã giúp đảo ngược tâm lý tiêu cực từ báo cáo và đẩy giá dầu lên.
Jim Ritterbusch của công ty tư vấn Ritterbusch and Associates cho biết, giá trần đối với dầu của Nga, vốn đang lan tràn trên thị trường toàn cầu, đang giúp tăng giá dầu thô.
Ritterbusch cho biết: "Các biện pháp trừng phạt và giới hạn đối với dầu thô của Nga đang dần dần có một số tác động về giá và sẽ trở thành một yếu tố tăng giá khi dòng dầu thô của Nga trong tháng trước được hấp thụ vào thị trường toàn cầu".
Ở thị trường trong nước, Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ. Theo đó từ 15h ngày 11/1, xăng E5 RON 92, xăng RON 95 giữ nguyên ở mức 21.350-22.150 đồng/lít.
Cụ thể cơ quan điều hành quyết định giữ nguyên giá xăng E5 RON 92 là 21.350 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.150 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu quay đầu giảm. Cụ thể, dầu diesel giảm 520 đồng đồng/lít còn 21.630 đồng/lít. Hiện, giá dầu diesel đã về mức thấp hơn giá xăng trong nước. Như vậy, giá các mặt hàng xăng trong nước vẫn giữ nguyên sau 2 lần tăng liên tiếp.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ không trích lập Quỹ bình ổn giá với xăng E5 và RON95; trích lập quỹ với dầu diesel là 605 đồng/lít, dầu hỏa 650 đồng/lít, dầu mazut 300 đồng/kg.
Trước đó, tại kỳ điều hành ngày 3/1, liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá bán lẻ xăng E5 RON92 tăng 332 đồng/lít, bán ra 21.352 đồng/lít; xăng RON95 tăng 347 đồng lít, bán ra 22.154 đồng/lít.
Giá dầu diesel giữ nguyên 22.151 đồng/lít, dầu hỏa tăng 601 đồng/lít, bán ra không cao hơn 22.767 đồng/lít; dầu mazut tăng 107 đồng/kg, bán ra không cao hơn 13.740 đồng/kg.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp