15/04/2024 15:15
Giá vàng miếng lập kỷ lục mới, vượt 85 triệu đồng/lượng
Theo đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng hôm nay (15/4) lại ghi nhận mức tăng mạnh của vàng trong nước. Giá vàng miếng lại lập đỉnh mới khi đạt ngưỡng 85,2 triệu đồng/lượng, xô đổ kỷ lục trước đó vào ngày 12/4 là 85 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, lúc 11h20 sáng nay, giá vàng miếng được Doji niêm yết ở mức 82 - 85 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 1,4 - 1,9 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng nay.
Cùng thời điểm, giá vàng miếng được SJC niêm yết ở mức 83 - 85,2 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 2,4 - 2,1 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng miếng trong nước đã xô đổ kỷ lục đạt được hôm 12/4 là 85 triệu đồng/lượng để thiết lập đỉnh mới là 85,2 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá mua - bán vàng tăng lên mức cao chưa từng có là hơn 3 triệu đồng/lượng. Với mức chênh này, người mua vàng sẽ gặp rất nhiều rủi ro.
Tuần trước, giá vàng trong nước và thế giới liên tục chinh phục các đỉnh cao mới. Giới phân tích đánh giá, nhu cầu vàng sẽ rất mạnh trong năm nay do hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương. Theo đà tăng kỷ lục của giá vàng thế giới, có thời điểm giá vàng SJC chạm ngưỡng 85 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn chinh phục mốc 78,25 triệu đồng/lượng. Nhưng có những thời điểm, mỗi lượng vàng SJC mua ngày hôm sau giảm tới 800 nghìn đến 1 triệu đồng; vàng nhẫn giảm từ 2,28 đến 2,4 triệu đồng so với hôm trước đó, theo qdnd.vn.
Trước diễn biến giá vàng biến động tăng, giảm mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ (Nghị định 24), trong đó theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước và theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, với các công cụ, điều kiện đã có, chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng theo quy định để can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả.
Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ thực hiện tăng cung vàng miếng để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới.
Giới chuyên gia nhận định, điều này sẽ khiến giá vàng miếng trong nước nhanh chóng hạ nhiệt, sau thời gian dài tăng dữ dội, liên tục xô đổ các kỷ lục lịch sử. Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn sẽ tăng nếu giá vàng thế giới tăng và ngược lại. Vì giá vàng thế giới ảnh hưởng khoảng 80% đến giá vàng trong nước. Còn lại, các yếu tố khác như chính sách, đặc thù thị trường, tâm lý thị trường chiếm khoảng 20%.
Trên thị trường thế giới sáng 15/4, giá vàng vẫn neo ở ngưỡng cao. Cụ thể, giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco ở mức 2.358 USD/ounce.
Bất chấp việc lạm phát cao có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải duy trì chính sách tiền tệ tích cực lâu hơn dự kiến, vàng vẫn chứng tỏ được sức mạnh khi kết thúc tuần ở mức giá kỷ lục mới là 2.360 USD/ounce, theo VTC News.
Sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ công bố cho thấy lạm phát trong 12 tháng qua tăng 3,5%, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng vọt lên gần mức cao nhất trong 5 tháng là 4,5%.
Mặc dù từ trước tới nay, môi trường lợi suất trái phiếu cao không có lợi cho vàng nhưng theo chiến lược gia đầu tư Kristina Hooper của Invesco, các nhà đầu tư không quan tâm đến chi phí cơ hội của việc nắm giữ mà quan tâm nhiều hơn đến việc phải làm thế nào để bảo vệ tài sản của mình.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement