16/04/2025 19:19
Giá vàng lập đỉnh lịch sử 115 triệu/lượng: Có nên mua thời điểm này?

15h ngày 16/4, mỗi lượng vàng miếng được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức kỷ lục 113 - 115,5 triệu đồng/lượng, tăng 1,6 triệu so với cách đó một giờ.
Nhẫn trơn tại SJC lên 113 - 115,53 triệu đồng/lượng, tăng trên 2 triệu đồng so với đầu giờ chiều. Trong khi đó, loại vàng này tại Bảo Tín Minh Châu là 111,4 - 113,9 triệu đồng/lượng.
Đây có thực sự là thời điểm an toàn để mua vàng?
Đối với nhà đầu tư dài hạn, vàng vẫn là kênh tích trữ an toàn, phòng ngừa rủi ro tài chính toàn cầu. Nhưng nên mua từng phần, phân bổ hợp lý dòng tiền nhàn rỗi, tránh chạy theo cảm xúc hoặc kỳ vọng siêu lợi nhuận trong ngắn hạn.
Đối với người "lướt sóng", đây sẽ là rủi ro cao. Khi giá đã tăng quá nhanh, biên độ dao động lớn, nhà đầu tư rất dễ bị “đu đỉnh” nếu không có chiến lược rõ ràng và điểm dừng cụ thể.
Với người dân tích trữ, thời điểm này không nên vay mượn để mua vàng, đồng thời cũng nên thận trọng với vàng miếng chênh lệch tăng so với thế giới.
Giai đoạn hiện nay, căng thẳng địa chính trị, kinh tế, tài chính toàn cầu đang đẩy dòng tiền tìm tới vàng như nơi trú ẩn. Ngân hàng trung ương nhiều nước tiếp tục gom vàng để giảm phụ thuộc vào USD, tạo lực đỡ dài hạn cho giá vàng. Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá lớn, dễ dẫn tới các biện pháp điều tiết hoặc điều chỉnh chính sách từ cơ quan quản lý.
Điều dễ nhận thấy hiện nay, khi giá vàng càng tăng cao, hiệu ứng Fomo (sợ mất cơ hội) lan rộng, dễ khiến người dân mua vàng không theo kế hoạch tài chính, dẫn tới rủi ro tài sản khi giá điều chỉnh mạnh.
Trong ngắn hạn, 3 tháng tới là giai đoạn nhạy cảm và mang tính bước ngoặt đối với giá vàng. Nếu xung đột địa chính trị và rủi ro tài chính tiếp tục leo thang, vàng sẽ giữ xu hướng tăng.
Tuy nhiên, một yếu tố cần đặc biệt lưu ý: Mỹ đang trong hạn 90 ngày đàm phán thương mại đối ứng với các quốc gia. Nếu đạt được thỏa thuận tốt, tâm lý thị trường có thể dịu lại, vàng có thể hạ nhiệt.
Ngược lại, nếu đàm phán không thuận lợi, căng thẳng, làm gia tăng bất ổn toàn cầu, có thể đẩy vàng tăng tiếp. Đây là yếu tố địa chính trị - kinh tế có ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý thị trường tài chính, cần theo dõi sát trong quý II, III/2025.
Lời khuyên đầu tư toàn diện trong giai đoạn biến động
Vàng chỉ nên là một phần trong danh mục đầu tư. Điều nhà đầu tư cần lúc này là: tư duy đa chiều - hành động tỉnh táo - tầm nhìn dài hạn.
Hãy ưu tiên đầu tư vào 4 trụ cột nền tảng:
Thứ nhất, tập trung vào sức khoẻ. Có sức khoẻ mới giữ được tài sản, mới hành động bền bỉ khi cơ hội đến.
Thứ hai, đầu tư về trí tuệ. Học về tài chính, đầu tư, khởi nghiệp và công nghệ mới (AI, blockchain, chuyển đổi số…) để đón đầu kỷ nguyên mới.
Thứ ba, đa dạng hóa danh mục. Bên cạnh vàng, có thể cân nhắc bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp uy tín, chứng khoán dài hạn hoặc góp vốn vào mô hình kinh doanh nhỏ nhưng linh hoạt.
Thứ tư, tư duy khởi nghiệp - đón cơ hội từ kỷ nguyên vươn mình. Nền kinh tế Việt Nam đang bước vào thời kỳ chuyển mình mạnh mẽ, mở ra vô vàn cơ hội cho những ai dám nghĩ lớn và hành động thực chất.
Giá vàng có thể còn biến động mạnh, tăng nếu bất ổn leo thang, nhưng cũng có thể điều chỉnh nếu các thỏa thuận kinh tế toàn cầu được cải thiện. Người đầu tư cần thận trọng không nên “chạy theo đám đông” mà hãy “đi trước bằng trí tuệ, đi xa bằng bản lĩnh”.
Vàng là nơi trú ẩn nhưng sức khoẻ, trí tuệ, và chiến lược đầu tư dài hạn mới là “tài sản vàng” thực sự. Hãy để vàng hỗ trợ bạn - nhưng đừng để vàng chi phối bạn.
* Tác giả là CEO Khoa Tài chính Ngân hàng, trường Đại học Nguyễn Trãi.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement