10/11/2022 07:18
Giá tiêu tăng chỉ là 'chiêu' nâng giá để xả hàng của giới đầu cơ
Thị trường nông sản hôm nay không có nhiều tín hiệu khả quan khi giá cà phê giảm, cao su tăng giảm trái chiều, hồ tiêu đi ngang sau khi tăng giá đột biến và theo các chuyên gia, đây chỉ là "chiêu" nâng giá để xả hàng của giới đầu cơ.
Giá cà phê hôm nay
Giá cà phê trong nước hôm nay 10/11 tiếp tục giảm, hiện dao động ở mức 39.900 – 40.500 đồng/kg. Theo đó, tại tỉnh Đắk Lắk cà phê ở mức 40.500 đồng/kg, Gia Lai, Kon Tum: 40.400 đồng/kg, Đắk Nông: 40.500 đồng/kg, tỉnh Lâm Đồng: 39.900 đồng/kg.
Đối với giá cà phê thế giới, giá cà phê trên hai sàn tiếp tục giảm sâu, đẩy giá về mức thấp kỷ lục trong hơn 1 năm trở lại đây.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn London tiếp tục giảm sâu. Kỳ hạn giao ngay tháng 1 giảm thêm 20 USD, xuống 1.831 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 giảm thêm 17 USD, còn 1.816 USD/tấn, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn New York cũng nối tiếp đà giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 giảm thêm 4,10 cent, xuống 166,45 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3 giảm thêm 1,90 cent, còn 164,15 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Theo số liệu chính thức của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 10 vừa qua, Việt Nam xuất khẩu 79,8 nghìn tấn cà phê với kim ngạch đạt hơn 207,8 triệu USD. So với tháng 9, xuất khẩu cà phê giảm mạnh 13,7% về lượng nhưng chỉ giảm 8,5% về giá trị do chưa chính thức vào mùa vụ và lượng hàng tồn kho không còn nhiều.
Tuy nhiên, luỹ kế trong 10 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu cà phê vẫn tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu tăng rất mạnh - 33,7% giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, có thể nói, trong năm nay, Việt Nam đã có mùa vụ cà phê được mùa, được giá.
Theo Tổ chức cà phê thế giới (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 (tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) đạt gần 129 triệu bao loại 60 kg/bao, giảm 0,4% so với niên vụ 2020-2021. Tuy nhiên, trong 4 nhóm cà phê chính, xuất khẩu cà phê arabica Brazil và arabica Colombia ghi nhận sự sụt giảm trong khi nhóm arabica khác và robusta lại tăng.
Xuất khẩu cà phê robustas tăng 2,6% so với niên vụ trước lên mức 42,2 triệu bao. Việt Nam và Ấn Độ là hai nước xuất khẩu đạt mức tăng trưởng nổi bật trong niên vụ 2021-2022. Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân xanh của Việt Nam tăng 15,1% so với niên vụ trước lên 26,8 triệu bao, còn Ấn Độ tăng 26,1% lên 5 triệu bao. Ngược lại Burundi và Uganda là hai nước xuất khẩu giảm mạnh nhất, giảm 62,1% và 10% xuống còn 134.000 bao và 5,8 triệu bao.
Nghị viện Châu Âu mới đây thông qua một loạt biện pháp hạn chế đối với việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp liên quan đến các khu vực bị phá rừng, trong đó có mặt hàng cà phê.
Trong khi đó, tân Tổng thống Brazil, ông Luiz Inacio Lula da Silva chắc chắn sẽ quay trở lại với Quỹ Amazon nhằm hạn chế phá rừng, không mở rộng diện tích nông nghiệp với bất cứ giá nào như vị tiền nhiệm. Điều này buộc các nhà sản xuất nông nghiệp trên thế giới nói chung phải quan tâm đến việc "sản xuất bền vững". Theo Cecafé, lượng cà phê xuất khẩu từ Brazil có điểm đến là thị trường châu Âu và Bắc Mỹ chiếm gần 75%, cho nên việc sản xuất nông nghiệp "thân thiện với môi trường" rất được ngành cà phê Brazil hiện nay quan tâm.
Giá tiêu hôm nay
Giá tiêu hôm nay đi ngang tại các vùng trồng trọng điểm. Cụ thể, tại các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai giá tiêu ở mức 58.500 đồng/kg, Đắk Lắk, Đắk Nông: 60.000 đồng/kg.
Tương tự, tại khu vực Đông Nam bộ, giá tiêu tại Đồng Nai, Bình Phước là 61.000 đồng/kg, Bà Rịa - Vũng Tàu: 62.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá tiêu đen Lampung tăng 12 USD/tấn lên mức 3.644 USD/tấn; tiêu đen Brazil ASTA 570 còn 2.575 USD/tấn. Giá tiêu trắng Muntok của Indonesia ở mức 5.898 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn. Trong khi đó, giá tiêu duy trì ổn định tại các quốc gia còn lại. Cụ thể, tiêu đen Brazil ASTA 570: ở mức 2.600 USD/tấn, không đổi. Tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA: ở mức 5.100 USD/tấn, không đổi. Tiêu trắng Malaysia ASTA: ở mức 7.300 USD/tấn, không đổi.
Tại Việt Nam, giá tiêu đen có mức 3.250 - 3.350 USD/tấn với loại 500 g/l và 550g/l; giá tiêu trắng 4.850 USD/tấn.
Giá tiêu hôm nay đi ngang tại các vùng trồng trọng điểm so với cùng thời điểm hôm qua. Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế tiếp tục niêm yết tăng giá tiêu xuất khẩu của Indonesia, giữ nguyên ở những thị trường khác.
Thị trường trong nước sau 1 phiên tăng mạnh đã có dấu hiệu ngưng lại. Theo các ý kiến của những thành viên Diễn dàn những người làm hồ tiêu Việt Nam, thị trường đang có dấu hiệu bán mạnh từ những "ông lớn".
Đây là diễn biến phù hợp với nhận định của các chuyên gia. Theo đó đợt tăng vừa qua chỉ là "chiêu" nâng giá để xả hàng của giới đầu cơ. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để những ai cần tiền bán bớt hàng để cơ cấu lại danh mục đầu tư.
Dòng tiền đang chảy vào cà phê, khi loại nông sản này vào mùa thu hoạch. Như vậy thị trường vốn đang rất khó khăn cho hồ tiêu. Điều này thúc đẩy giới đầu cơ xả hàng trước vụ thu hoạch mới, và cũng để giảm bớt gánh nặng trước áp lực lãi ngân hàng.
Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam đạt 205,64 triệu USD, tăng 59,3%. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Mỹ tăng từ 63,81% trong 7 tháng đầu năm 2021 lên 72,73% trong 7 tháng đầu năm 2022.
Đáng chú ý, nhập khẩu hạt tiêu của các thị trường Đức, Anh và Pháp từ Việt Nam tăng trưởng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chung từ thế giới.
Giá cao su hôm nay
Giá cao su hôm nay tăng giảm trái chiều, tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) giá vẫn giữ đà tăng và tại Sàn Tocom (Tokyo - Nhật Bản), giá cao su quay đầu giảm.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 11/2022 ghi nhận mức 212,4 yen/kg, giảm 1,67%, giảm 3,6 yen/kg. Kỳ hạn cao su tháng 12/2022, cao su kỳ hạn tháng 1/2023, kỳ hạn tháng 2/2023, kỳ hạn tháng 3/2023 đều giảm ở mức trên dưới 1%.
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 1/2023 đứng ở mức 12.590 nhân dân tệ/tấn, tăng 0,64%, tăng 80 nhân dân tệ/tấn.
Giá cao su Thượng Hải hôm nay tăng ở các kỳ hạn tháng 3/2023, tháng 4/2023, tháng 5/2023 ở mức dưới 1%.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong quý IV, xuất khẩu cao su của Việt Nam dự báo vẫn gặp khó khăn do đồng USD đã bước vào chu kỳ tăng giá như một tài sản trú ẩn trước lạm phát và mưa lớn kéo dài vào vụ cao điểm nên ảnh hưởng đến sản lượng mủ thu hoạch.
Cao su cũng không ngoại lệ khi giá mủ có diễn biến giảm trong giai đoạn đồng USD tăng mạnh.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý III/2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 609,2 nghìn tấn, trị giá 930,8 triệu USD, tăng 6% về lượng, nhưng giảm 1,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam trong quý III tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021 nhờ nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu phục hồi, tuy nhiên trị giá vẫn giảm do giá cao su giảm mạnh.
Trong quý III, cao su của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang khu vực châu Á, chiếm gần 90% tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước, với lượng xuất khẩu đạt 549 nghìn tấn, trị giá 836 triệu USD, tăng hơn 9% về lượng và tăng hơn 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam, với 453 nghìn tấn, trị giá 669 triệu USD, tăng 10,4% về lượng và tăng 0,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Đứng thứ hai là xuất khẩu sang Ấn Độ với 42.000 tấn, trị giá 69,6 triệu USD, tăng 25% về lượng và tăng 18,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp