08/11/2022 08:24
Giá tiêu bất ngờ bật tăng 2.000 đồng/kg
Thị trường nông sản hôm nay ghi nhận giá tiêu bất ngờ bật tăng 2.000 đồng/kg tại vùng trồng tiêu trọng điểm. Trong khi đó giá cà phê và cao su giảm.
Giá cà phê đảo chiều giảm
Giá cà phê hôm nay 8/11 trong khoảng 40.300 - 40.900 đồng/kg. Tại Lâm Đồng: 40.300 đồng/kg, Đắk Lắk: 40.900 đồng/kg, Đắk Nông: 40.900 đồng/kg, Gia Lai: 40.900 đồng/kg, Kon Tum: 40.900 đồng/kg. Thị trường cà phê trong nước hôm nay giảm tại các địa phương trồng cà phê trọng điểm.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2023 giảm 18 USD/tấn ở mức 1.851 USD/tấn, giao tháng 3/2023 giảm 17 USD/tấn ở mức 1.833 USD/tấn.
Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 giảm 5,2 cent/lb, ở mức 170,55 cent/lb, giao tháng 3/2023 giảm 5,6 cent/lb, ở mức 166,05 cent/lb.
Giá cà phê arabica kỳ hạn giảm xuống 1,67 USD / pound, chạm mức thấp nhất trong 15 tháng trong bối cảnh triển vọng nguồn cung cải thiện và kỳ vọng nhu cầu giảm. World Weather cho biết mưa thường xuyên và nắng dồi dào đã tạo ra một "môi trường khá tốt" cho vụ cà phê 2023/24 của Brazil, làm tăng kỳ vọng về một vụ mùa kỷ lục tiềm năng của nhà sản xuất hàng đầu Brazil trong năm tới.
Ngoài ra, dự kiến sẽ có mùa màng tốt hơn ở Trung Mỹ, Mexico và Colombia. Đồng thời, nhu cầu sẽ giảm trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất cho thấy dự trữ arabica được ICE chứng nhận đã giảm xuống mức thấp nhất trong 23 năm là 384.795 bao, nhưng các nhà giao dịch cho biết dự trữ sẽ tăng.
Quý III/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 319 nghìn tấn, trị giá 753,9 triệu USD, giảm 27% về lượng và giảm 24,8% về trị giá so với quý II/2022, so với quý III/2021 giảm 6,9% về lượng, nhưng tăng 9,9% về trị giá, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới giảm do kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài và chưa có dấu hiệu lắng dịu, trong khi lạm phát tăng cao. Dự báo trong ngắn hạn, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn đối mặt với khó khăn do nhu cầu thấp, giá giảm.
Quý III/2022 so với quý II/2022, trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang tất cả các khu vực giảm. So với quý III/2021, trị giá xuất khẩu sang hầu hết khu vực tăng, trừ khu vực châu Phi.
Tính chung 9 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu cà phê sang tất cả các khu vực tăng so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng cao nhất 97,2% xuất khẩu tới khu vực Châu Đại Dương; mức tăng thấp nhất 11,4% xuất khẩu tới khu vực Châu Á.
Giá tiêu bật tăng mạnh
Giá tiêu hôm nay bật tăng mạnh 2.000 đồng/kg tại các tỉnh Tây Nguyên. Cụ thể tại Gia Lai giá ở mức 58.500 đồng/kg, Đắk Lắk, Đắk Nông: 60.000 đồng/kg.
Tương tự, tại khu vực Đông Nam bộ, giá tiêu cũng điều chỉnh tăng mạnh 2.000 đồng/kg. Tại Đồng Nai, Bình Phước giá tiêu ở mức 61.000 đồng/kg, tại Vũng Tàu: 62.000 đồng/kg.
Trái với đà tăng trong nước, trên thị trường thế giới, giá tiêu đen Lampung giảm 13 USD/tấn xuống còn 3.632 USD/tấn; tiêu đen Brazil ASTA 570 còn 2.575 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Muntok của Indonesia ở mức 5.878 USD/tấn, giảm 21 USD/tấn. Trong khi đó, giá tiêu duy trì ổn định tại các quốc gia còn lại. Cụ thể, tiêu đen Brazil ASTA 570: ở mức 2.600 USD/tấn, không đổi. Tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA: ở mức 5.100 USD/tấn, không đổi. Tiêu trắng Malaysia ASTA: ở mức 7.300 USD/tấn, không đổi.
Số liệu thống kê cho thấy, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 10/2022 ước đạt 15 nghìn tấn, giá trị 58 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 10 tháng năm 2022 đạt 190 nghìn tấn và 829 triệu USD, giảm 17,4% về khối lượng nhưng tăng 4,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2022 ước đạt 4.372 USD/tấn, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Ở trong nước, cà phê đang vào vụ thu hoạch. Điều này dự báo dòng vốn đầu cơ sẽ tiếp tục dịch chuyển vào mặt hàng này. Do đó, với diễn biến có chiều hướng tăng của thị trường hiện nay các chuyên gia đưa ra cảnh báo. Theo đó, đây có thể là tín hiệu "ảo" của thị trường, trước khi các đại gia xả hàng ở thời điểm vụ cà phê đang thu hoạch và lãi suất ngân hàng sẽ tăng.
Đây cũng là động thái thường thấy của giới đầu cơ trước vụ mới. Tuy nhiên, nhìn về trung hạn thị trường không có động lực tăng mạnh mẽ.
Áp lực của lãi suất vốn vay gia tăng, theo sự điều chỉnh của nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới do lạm phát toàn cầu tăng mạnh, buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu và nhà đầu tư cắt giảm danh mục đầu cơ. Điều này khiến giá tiêu không ngừng sụt giảm, có thể kéo dài đến vụ mùa năm 2023.
Giá cao su hôm nay
Giá cao su hôm nay kỳ hạn tiếp tục đi lên tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) song lại quay đầu giảm tại Sàn Tocom (Tokyo - Nhật Bản).
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 11/2022 ghi nhận mức 215,4 yen/kg, giảm 0,28%, giảm 0,6 yen/kg. Kỳ hạn cao su tháng 3/2023 là kỳ hạn giữ mức tăng duy nhất ở mức 215,8 yen/kg; các kỳ hạn tháng 12/2022, tháng 1/2023, kỳ hạn tháng 2/2023 giảm trở lại gần 1%.
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 11/2022 đứng ở mức 11.525 nhân dân tệ/tấn, tăng 1,23%, tăng 140 nhân dân tệ/tấn.
Giá cao su Thượng Hải hôm nay tăng ở các kỳ hạn tháng 1/2023, tháng 3/2023, tháng 4/2023, tháng 5/2023 ở mức gần 2%.
Quý III/2022, giá cao su nguyên liệu trong nước có xu hướng giảm, giá giảm khoảng 40-50 đồng/độ mủ so với cuối quý 2/2022. Tháng 10/2022, giá mủ cao su nguyên liệu biến động nhẹ. Tại Bình Phước, Công ty cao su Phú Riềng thu mua mủ nguyên liệu ở mức 270-285 đồng/độ mủ, tăng 10-15 đồng/độ mủ so với cuối tháng 9/2022. Tại Bình Dương, Công ty cao su Phước Hòa thu mua mủ nguyên liệu ở mức 273-275 đồng/ độ mủ, ổn định so với cuối tháng trước. Tại Gia Lai, Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 230-240 đồng/độ mủ, giảm 10 đồng/ độ mủ so với cuối tháng 9/2022.
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý III/2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 609,17 nghìn tấn, trị giá 930,86 triệu USD, tăng 6% về lượng, nhưng giảm 1,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam trong quý III/2022 tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021 nhờ nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu phục hồi, tuy nhiên trị giá vẫn giảm do giá cao su giảm mạnh.
Trong quý IV/2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam vẫn gặp khó khăn do đồng USD đã bước vào chu kỳ tăng giá như một tài sản trú ẩn trước lạm phát. Vì các loại hàng hóa cơ bản được tính bằng USD, nên khi USD tăng mạnh sẽ sẽ hạ giá trị các loại hàng hóa này. Cao su cũng không ngoại lệ khi giá mủ có diễn biến giảm trong giai đoạn đồng USD tăng mạnh. Mặt khác, rủi ro của ngành cao su là mưa lớn kéo dài vào vụ cao điểm nên ảnh hưởng đến sản lượng mủ thu hoạch.
Hiện tượng La Nina tiếp diễn năm thứ 3 liên tiếp trong 2022 làm gia tăng tần suất và lượng mưa, qua đó tác động tiêu cực đến hoạt động thu hoạch và sản lượng mủ cao su của các doanh nghiệp. Về thị trường xuất khẩu: trong quý III/2022, cao su của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang khu vực châu Á, chiếm tới 89,8% tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước. Quý III/2022, xuất khẩu cao su sang khu vực châu Á đạt 548,97 nghìn tấn, trị giá 836,16 triệu USD, tăng 9,1% về lượng và tăng 1,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong quý III/2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang phần lớn các thị trường đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam, với 453,06 nghìn tấn, trị giá 669,14 triệu USD, tăng 10,4% về lượng và tăng 0,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 70,2% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước.
Đứng thứ hai là xuất khẩu sang Ấn Độ với 42,04 nghìn tấn, trị giá 69,64 triệu USD, tăng 25,1% về lượng và tăng 18,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 6,2% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước trong quý III/2022.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp