22/03/2022 17:34
Giá thép tiếp tục tăng mạnh
Giá thép tiếp tục tăng khiến nhiều chủ đầu tư phải cân đối lại chi phí.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá thép tăng do các yếu tố đầu vào như than mỡ luyện cốc, thép phế...đều tăng mạnh trên thị trường thế giới.
Từ đầu tháng 3 đến nay, các hãng thép đã có nhiều lần điều chỉnh giá. Mới đây nhất, giá thép của Tập đoàn Hòa Phát đã thông báo tăng 600.000 đồng/tấn với thép cây và thép cuộn xây dựng. Nguyên nhân là giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng và tập đoàn này quyết định tăng giá bán sản phẩm.
Anh Ngô Khánh, Chủ đại lý thép tại Hà Nội cho biết, với mức tăng như vậy, giá thép bán ra thị trường đã chạm 21 triệu đồng/tấn. Dù giá thép tăng, nhưng các cửa hàng cũng không thể lấy thêm hàng với số lượng lớn. Thời gian tới, dự kiến giá thép còn có thể tiếp tục điều chỉnh.
Giá thép tăng mạnh và liên tục khiến cho nhiều công trình xây dựng phải điều chỉnh mức vốn đầu tư. Anh Nguyễn Công Tú, xây nhà tại Thịnh Liệt - Hoàng Mai cho hay, với giá thép tăng nhanh như vậy, căn nhà 3 tầng của anh đang bị đội chi phí.
Công trình của anh cần thêm khoảng hơn 20 tấn thép để hoàn thiện, chỉ trong khoảng 1 tháng vừa qua, chỉ riêng giá thép tăng, đã khiến chi phí tăng lên hơn 30 triệu đồng, chưa kể xi măng, cát sỏi...
Theo thông tin từ VSA, giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia giao dịch ở mức 627 USD/tấn, tăng mạnh 235 USD so với đầu tháng 2 vừa qua. Giá than cốc có xu hướng tăng liên tục kể từ năm 2021 đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất thép.
Giá quặng sắt loại (62% Fe) giao dịch ở mức 162-162,50 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng khoảng 12 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 2/2022
Giá HRC ở mức 890 USD/tấn CFR cảng Đông Á, tăng khoảng 90 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 2/2022. Nhìn chung, thị trường thép cán nóng (HRC) thế giới biến động, khiến thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép...) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.
Tại thị trường Trung Quốc, giá thép cây giao sau đã tăng lên khoảng 5.000 CNY/tấn vào cuối tháng 3, thoát khỏi mức thấp nhất trong hai tuần là 4.780 CNY và đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2021 khi các nhà đầu tư tập trung trở lại vào triển vọng tăng giá đối với hàng hóa này.
Cuộc chiến ở Đông Âu đã làm gián đoạn xuất khẩu từ Nga và Ukraina, vốn chiếm khoảng 10% thương mại toàn cầu. Ngoài ra, chi phí năng lượng tăng cao do xung đột đã buộc các nhà sản xuất thép phải tăng giá thép hình lớn.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia, sản lượng thép của Trung Quốc trong tháng 1 đến tháng 2 giảm 10% so với một năm trước đó xuống còn 157,96 triệu tấn.
Về phía cầu, tiêu thụ thép của Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ do nước này dự kiến sẽ mở rộng chi tiêu tài chính và cắt giảm thuế để thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng.
Dự kiến, thép sẽ giao dịch ở mức 5072,53 CNY/tấn vào cuối quý này, theo các mô hình vĩ mô toàn cầu của Trading Economics và kỳ vọng của các nhà phân tích. Trong tương lai, Trading Economics ước tính thép sẽ giao dịch ở mức 5432,48 trong thời gian 12 tháng.
Nhiều chuyên gia ngành thép cho rằng, giá nguyên liệu sản xuất thép, cùng với căng thẳng địa chính trị giữa Nga-Ukraine chưa thể ổn định ngay nên giá thép sẽ chưa thể trở lại mặt bằng giá thấp hơn.
"Thị trường đang ở trong tình trạng gián đoạn nguồn cung và gặp sự tăng giá đột ngột. Tuy nhiên khi tình hình thế giới trở lại ổn định, giá nguyên vật liệu sản xuất giảm thì giá thép sẽ hạ nhiệt", ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép cho hay.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement