25/04/2018 13:39
Giá tăng cao, cây điều ở Tây Nguyên được phục hồi mở rộng diện tích
Giá điều nhân tăng cao đã khiến cho đồng bào các dân tộc trồng điều ở Tây Nguyên đầu tư khôi phục mở rộng lại diện tích cây điều.
Hiện nay, giá điều hạt tươi ở Tây Nguyên đã tăng lên từ 42.000 - 47.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với cách đây hơn 3 năm. Do giá điều nhân tăng cao đã khiến cho đồng bào các dân tộc trồng điều ở Tây Nguyên không những không quay lưng chặt bỏ cây điều như những năm trước mà còn đầu tư khôi phục mở rộng lại diện tích cây điều.
Đồng bào các dân tộc ở tỉnh Lâm Đồng, chủ yếu là ở các huyện Cát Tiên, Đạ Têh, Đạ Huoai đã chuyển đổi diện tích đất gò đồi, các vùng đất không chủ động được nguồn nước, các loại cây kém hiệu quả kinh tế sang trồng cây điều. Chỉ riêng từ năm 2017 đến nay, đồng bào ở tỉnh Lâm Đồng đã trồng mới thêm trên 11.362 ha điều. Đây cũng là địa phương có phong trào khôi phục và mở rộng diện tích cây điều nhiều nhất so với các tỉnh Tây Nguyên.
Giá điều hạt tươi ở Tây Nguyên đã tăng lên từ 42.000 - 47.000 đồng/kg |
Từ năm 2016 trở lại đây, giá điều nhân có xu hướng tăng dần trở lại, đồng bào các nông hộ ở các Đắk Lắk cũng đã nhanh chóng chuyển đổi hàng ngàn ha đất khô cằn, gò đồi, vùng đất không chủ động được nguồn nước sang trồng được hơn 2.400 ha điều.
Gia đình anh Nông Văn Trương ở thôn 4, xã vùng sâu Ea Rvê, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) cho biết, năm 2003, gia đình có trồng gần 4 ha điều nhưng do năng suất thấp, giá cả lại bấp bênh nên đành phải phá bỏ chuyển sang trồng cây sắn (mỳ) nhưng hiệu quả cũng không cao.
Trong vài năm trở lại đây, thấy giá điều tăng lên, gia đình mạnh dạn đầu tư vốn mua giống điều mới, điều ghép về trồng, có đầu tư phân bón, chăm sóc, thực hiện đồng bộ các biện pháp thâm canh để đạt năng suất cao chứ không phó mặc “cho trời” như trước kia nữa.
Còn gia đình chị Nguyễn Thị Oanh, ở xã Ea Lê, huyện Ea Súp không chỉ trồng tái canh lại 3 ha điều trên vùng đất không chủ động được nguồn nước mà còn đưa cây điều vào trồng xen trong vườn cà phê để cho thu nhập cao rất nhiều lần so với trồng thuần cây điều hay cây cà phê….
Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã tiến hành kiểm tra, quy hoạch lại diện tích cây điều, đồng thời, hướng dẫn đồng bào các dân tộc thành lý, xóa bỏ các vườn điều già cỗi hết chu kỳ kinh doanh trồng tái canh, ghép cải tạo lại bằng các giống điều mới như ES-04, EK-24, BĐ-01, KP-11, KP-12, AB29, AB05-08…. Đây là các giống điều mới không những thích nghi với các vùng đất khô cằn, cho năng suất cao mà còn kháng được một số sâu bệnh gây hại cho cây điều.
Các đơn vị chức năng của các tỉnh Tây Nguyên cũng đã hướng dẫn đồng bào các dân tộc từ kỹ thuật trồng, ghép cải tạo, bón phân, chăm sóc đến cắt tỉa cành tạo tán, phòng trừ sâu bệnh hại…. cho cây điều nhằm đạt năng suất, sản lượng, chất lượng điều nhân cao.
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có trên 94.000 ha điều, tăng gần 14.700 ha so với năm 2016; trong đó, Lâm Đồng là địa phương có diện tích điều nhiều nhất với 29.700 ha, kế đến là Đắk Lắk có 23.187 ha, tỉnh Kon Tum có diện tích điều thấp nhất 780 ha.
Advertisement
Advertisement