07/03/2022 08:35
Giá lúa mì tiếp tục tăng mạnh, châu Âu tăng cường tìm kiếm nguồn cung mới
Thị trường nông sản hôm nay ghi nhận nhiều loại nông sản tăng gia do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina.
Giá lúa mì tăng mạnh, hơn 40%
Giá ngũ cốc tuần qua tăng mạnh do Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu ngũ cốc quan trọng trên thế giới - rơi vào một cuộc xung đột. Giá lúa mì trên sàn giao dịch Chicago có tuần tăng kỷ lục, lên đến 41%.
Liên minh Châu Âu tăng cường tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho nguồn cung lúa mì ở Biển Đen.
Trong khi đó giá ngô đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2012 do gián đoạn nguồn cung.
Giá đậu tương phiên này giảm do các thương nhân chốt lời. Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 7-1/4 US cent xuống 16,6-1/2 USD/bushel.
Giá cà phê tăng mạnh
Giá cà phê trong nước ngày hôm nay 7/3/2022 tăng mạnh. Các biện pháp cấm vận nhằm ngăn cản cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina khiến các thị trường hàng hóa thế giới gặp khó.
Cập nhật bảng giá cà phê hôm nay 7/3 cho thấy, giá cà phê trong nước phiên sáng nay đồng loạt tăng 500 đồng/kg.
Giá cà phê thấp nhất ở Lâm Đồng hiện được dao dịch ở mức 39.100 đồng/kg, cao nhất ở Đắk Lắk 39.700 đồng/kg.
Hoạt động bán ra của Việt Nam trong thời gian qua được thúc đẩy bởi giá cà phê ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Giá cà phê thế giới giao dịch hôm nay tăng mạnh. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại sàn London giao tháng 3/2022 tăng mạnh lên mức 2.187 USD/tấn, tăng mạnh 1,16% (tương đương 25 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 5/2022 tại sàn New York quay đầu tăng lên mức 224,25 US cent/pound, tăng nhẹ 0,61% (tương đương 1,35 US cent) tại thời điểm khảo sát.
Giá cà phê trên cả hai sàn kỳ hạn thế giới vừa có phiên hồi phục cuối tuần như đã dự đoán cùng với các sàn hàng hóa nông sản nói chung.
Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, giá cà phê giao kỳ hạn tháng 7/2022 và tháng 9/2022 tăng lần lượt 0,5% và 2,3% so với ngày 28/1/2022, lên mức 285,65 US cent/lb và 292,6 US cent/lb.
Tại cảng khu vực TP.HCM, cà phê robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.233 USD/tấn, chênh lệch 55 USD/tấn, giảm 13 USD/tấn (tương đương mức giảm 0,6%) so với tháng 1.
Theo số liệu của Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé), xuất khẩu cà phê của Brazil trong tháng đầu năm 2022 nối dài đà suy giảm khi chỉ đạt 3,2 triệu bao, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tắc nghẽn vận chuyển đã khiến xuất khẩu chậm lại, trong khi tìm kiếm không gian trống trên tàu hiện vẫn rất khó khăn.
Trong những tháng gần đây, các nước tiêu thụ lớn như EU, Mỹ, Anh… đã phải đẩy mạnh nhập khẩu cà phê từ Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung cà phê của Brazil và Colombia, hai nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới sụt giảm.
Nhu cầu và giá hiện đang khá tốt nhưng các nhà xuất khẩu cũng tỏ ra lo ngại khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang ảnh hưởng đến thị trường.
Các lệnh trừng phạt đối với Nga từ các nước phương Tây và Mỹ có thể gián tiếp ảnh hưởng đến giao dịch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Nga, nước nhập khẩu cà phê lớn thứ 4 của Việt Nam.
Giá tiêu trong nước được dự báo tăng
Giá tiêu hôm nay tại Chư Sê (tỉnh Gia Lai): 78.500 đồng/kg, Bà Rịa – Vũng Tàu: 81.000 đồng/kg, cao nhất thị trường.
Trong khi đó, tại Đắk Lắk và Đắk Nông: 80.000 đồng/kg, Bình Phước: 80.000 đồng/kg, Đồng Nai: 80.500 đồng/kg.
Giá tiêu thế giới giao ngay tại sàn Kochi (Ấn Độ) giảm 33,35 Rupi/tạ, ở mức 41,300 Rupi/tạ. Giá hạt tiêu trên (sàn SMX - Singapore) tháng 12 vẫn ổn định ở mức 6.500 USD/tấn.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá hạt tiêu thế giới sẽ tiếp tục tăng do sản lượng giảm và chi phí vận chuyển tăng cao, cho dù Việt Nam bước vào vụ thu hoạch rộ, giúp nguồn cung dồi dào.
Theo số liệu từ Bộ Công nghiệp, Ngoại thương và Dịch vụ Brazil (MDIC), nhờ đẩy mạnh bán ra trong quý IV/2021 nên lượng hạt tiêu xuất khẩu của nước này trong cả năm 2021 đã đạt mức kỷ lục 92,1 nghìn tấn, trị giá 306,3 triệu USD.
Giá xuất khẩu hạt tiêu của Brazil trong năm 2021 tăng 61,1% so với năm 2020, đạt mức cao nhất trong 4 năm với giá bình quân 3.327 USD/tấn (FOB).
Năm 2021, hạt tiêu của Brazil xuất khẩu tới 111 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, xuất khẩu sang Đức chiếm 15% tỷ trọng năm 2021, đạt 13.552 tấn, tăng 2% so với năm 2020.
Ngoài ra, lượng hạt tiêu xuất khẩu của Braxin tới một số thị trường khác như Ai Cập, Pakistan, Ấn Độ, Hà Lan,… cũng tăng đáng kể.
Ngược lại, lượng hạt tiêu xuất khẩu của Brazil sang hai thị trường Mỹ và Việt Nam giảm lần lượt 15% và 40,6% so với năm 2020.
Ngoài ra, mặc dù đồng Rupee của Ấn Độ suy yếu so với USD, ghi nhận mức giảm giá 1%, giá tiêu Ấn Độ vẫn ổn định trong tuần này. Còn giá nội địa và giá quốc tế cho Indonesia tiếp tục có sự tăng trưởng.
Giá lúa có xu hướng chững lại
Tại An Giang, giá lúa hôm nay có xu hướng chững lại tại tất cả các giống lúa được khảo sát. Các loại lúa OM tiếp tục không có điều chỉnh mới trong ngày hôm nay.
Trong khi đó, giá gạo hôm nay không biến động. Giá một số loại gạo như sau: gạo thơm Jasmine có giá 15.000 - 16.000 đồng/kg, gạo nàng Nhen duy trì ở mốc 20.000 đồng/kg, gạo Hương Lài đi ngang tại mức 19.000 đồng/kg…
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp