17/07/2023 08:33
Giá khí đốt tự nhiên tiếp tục đà tăng
Hôm nay ngày 17/7, giá khí đốt tự nhiên tăng 0,39% lên mức 2.549 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 8/2023.
Theo Politico đưa tin, Bộ trưởng Năng lượng Đức Herman Galushchenko cho biết, Kiev khó có thể gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt, cho phép Gazprom của Nga xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Liên minh châu Âu (EU) bằng các đường ống chạy qua Ukraina.
Các thỏa thuận quá cảnh năm 2019 kéo dài đến cuối năm 2024 và cho phép Gazprom xuất khẩu hơn 40 tỷ m3 khí đốt mỗi năm qua Ukraina, mang về cho Kiev khoảng 7 tỷ USD.
Hiện tại nhu cầu gas vẫn yếu, do lượng hàng tồn kho cao hơn bình thường của châu Âu (theo thống kê đã đầy 80%), điều đó giúp kiềm chế giá khí đốt và tăng thêm cảm giác an toàn cho lục địa này khi chuẩn bị cho mùa đông tới.
Mặc dù thời tiết nắng nóng đang bao trùm các khu vực của châu Âu và làm tăng nhu cầu làm mát, thì việc sử dụng khí đốt nói chung, trong tất cả các lĩnh vực tiêu thụ thấp hơn mức trung bình trong lịch sử sau khi các công ty và hộ gia đình cắt giảm mức tiêu thụ vào năm ngoái.
EU có khả năng đạt được mục tiêu lưu trữ 90% khí đốt trước thời hạn ngày 1/11. Với lượng dự trữ khí đốt đang ở mức cao, châu lục này đang tiến gần đến điểm mà các nhà sản xuất điện chạy bằng khí đốt sẽ không còn phải lo sợ quá nhiều sự cạnh tranh từ các nhà cung cấp khí đốt.
Dòng khí đốt trung chuyển qua Ukraina tiếp tục cung cấp cho một số thị trường châu Âu như: Slovakia, Áo, Slovenia, Italia...
Khí đốt chảy qua tuyến đường ống quan trọng khác đến châu Âu - đường ống Turk Stream cung cấp cho các quốc gia Balkan và Hungary cũng tiếp tục tăng trong tháng 7. Moscow muốn duy trì Turk Stream là tuyến đường xuất khẩu chính sang châu Âu và tin tưởng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ duy trì và tăng doanh số bán khí đốt của Nga sang châu Âu bất chấp sự bế tắc lớn giữa Moscow và EU.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia cho rằng, nếu mùa đông tới ở châu Âu lạnh giá, lượng dự trữ trên lục địa sẽ đối mặt với nguy cơ không đủ để đáp ứng nhu cầu trong suốt mùa đông. Tuy điều này không có nghĩa là EU sẽ hết khí đốt, nhưng khối này có thể sẽ phải nhập khẩu nguồn cung bổ sung với giá cao hơn,
Trong bối cảnh địa chính trị thế giới khó lường, rất khó nhận định xu hướng thị trường năng lượng thế giới vì nó phụ thuộc vào nhiều biến số không thể dự báo, đặc biệt là xung đột tại UKraina và tình hình kinh tế Trung Quốc, cũng như diễn biến thời tiết.
Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol không loại trừ khả năng giá năng lượng sẽ lại bùng nổ vào mùa Đông, nếu như kinh tế Trung Quốc vượt qua giai đoạn khó khăn để tăng tốc trở lại, dẫn đến việc nước này phải ồ ạt nhập khẩu dầu khí, kết hợp với thời tiết lạnh giá dịp cuối năm. Tuy nhiên, kịch bản này có phần cực đoan.
EU, tâm điểm của thị trường năng lượng toàn cầu, sẽ tiếp tục lấp đầy các kho dự trữ khí đốt và kết nối các nước với nhau, đồng thời duy trì chính sách tiết kiệm năng lượng. Mặc dù điều này không bảo đảm châu lục hoàn toàn miễn nhiễm với khả năng thiếu nhiên liệu sưởi ấm vào mùa Đông, nhưng phần nào đã đẩy lùi nguy cơ giá cả tăng đột ngột như năm trước.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp