13/05/2024 09:01
Giá dầu tiếp tục giảm do dấu hiệu nhu cầu nhiên liệu yếu, đồng USD mạnh
Giá dầu tiếp tục giảm trong ngày thứ Hai (13/5) trong bối cảnh có dấu hiệu nhu cầu nhiên liệu yếu và bình luận từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) làm giảm hy vọng cắt giảm lãi suất, điều có thể làm chậm tăng trưởng và làm giảm nhu cầu nhiên liệu ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo Oilprice, lúc 5k 30 ngày 13/5 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent và WTI đều lao dốc nhẹ theo đà giảm ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước.
Tuần trước, giá dầu đã ghi nhận tuần trái chiều với dầu Brent giảm 0,2%, dầu WTI tăng 0,2%. Trong 5 phiên giao dịch, giá dầu tăng 3 phiên và giảm 2 phiên. Mức biến động trong các phiên không cao bởi các yếu tố tăng, giảm đan xen.
Đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas vào tuần trước vẫn rơi vào bế tắc. Israel cho rằng các điều khoản mà các nhà hỏa giải đưa ra không đáp ứng được yêu cầu của họ trong khi Hamas đồng ý với đề xuất ngừng bắn.
Mặc dù Israel vẫn tiếp tục đàm phán nhưng trên thực địa, Israel tăng cường tấn công vào thành phố Rafah, phía Nam Gaza, gây lo ngại gia tăng căng thẳng ở Trung Đông. Điều này đẩy giá dầu tăng.
Hỗ trợ giá dầu leo dốc là dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 1,4 triệu thùng thay vì tăng 509.000 thùng như số liệu của Viện Dầu khí Mỹ. Thêm vào đó, các dữ liệu từ Trung Quốc và Mỹ báo hiệu nhu cầu tại 2 quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới có thể tăng lên.
Các nhà phân tích kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giữ lãi suất chính sách ở mức hiện tại lâu hơn, hỗ trợ đồng USD. Đồng bạc xanh mạnh khiến giá dầu tính bằng đồng USD trở nên đắt hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Các nhà phân tích của ANZ cho biết giá dầu cũng giảm trong bối cảnh có dấu hiệu nhu cầu yếu, do tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng trong tuần trước khi mùa lái xe ở Mỹ bắt đầu.
Các nhà lọc dầu trên toàn cầu đang phải vật lộn với lợi nhuận sụt giảm từ dầu diesel khi các nhà máy lọc dầu mới tăng cường nguồn cung và do thời tiết ôn hòa ở bán cầu bắc và hoạt động kinh tế chậm lại làm giảm nhu cầu.
Tuy nhiên, thị trường vẫn được hỗ trợ bởi kỳ vọng rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh của họ, gọi chung là OPEC+, có thể gia hạn cắt giảm nguồn cung sang nửa cuối năm nay.
Iraq, nhà sản xuất lớn thứ hai của OPEC, cam kết cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện theo thỏa thuận của OPEC và mong muốn hợp tác với các nước thành viên trong nỗ lực đạt được sự ổn định hơn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, Bộ trưởng Dầu mỏ nước này nói với hãng thông tấn nhà nước hôm Chủ nhật (12/5).
Bình luận của Bộ trưởng tuân theo gợi ý của ông hôm 11/5 rằng Iraq đã thực hiện đủ mức cắt giảm tự nguyện và sẽ không đồng ý với bất kỳ mức cắt giảm bổ sung nào do nhóm sản xuất OPEC+ đề xuất tại cuộc họp vào đầu tháng 6.
Đầu tháng này, OPEC+ đã chỉ trích Iraq vì đã bơm vượt quá hạn ngạch sản lượng tích lũy 602.000 thùng mỗi ngày trong ba tháng đầu năm 2024. Nhóm này cho biết Baghdad đã đồng ý bù đắp bằng việc cắt giảm sản lượng bổ sung trong thời gian còn lại của năm.
(Nguồn: Reuters)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp