24/05/2024 09:05
Giá dầu thế giới giảm phiên thứ tư liên tiếp
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/5, giá dầu giảm gần 1%, nới dài đà lao dốc sang phiên giao dịch thứ 4 của tuần và dừng ở mức thấp nhất trong nhiều tháng.
Giá dầu thô WTI giao tháng 7 tại New York giảm 0,7 USD/thùng, tương đương giảm 0,9%, còn 76,87 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 6 tại London giảm 0,54 USD/thùng, tương đương giảm 0,66%, còn 81,36 USD/thùng.
Tuần này, giá dầu WTI đã giảm 3%, trong khi giá dầu Brent giảm khoảng 4%. Thành quả tăng từ đầu năm của hai loại dầu còn tương ứng 7,2% và 5,6%.
Giá dầu đã kẹt trong một phạm vi 3 USD/thùng kể từ khi sau lập kỷ lục hồi tháng 4. Mối lo về cuộc khủng hoảng địa chính trị ở Trung Đông đã không còn lớn như trước, và sự chú ý của nhà đầu tư quay trở lại với vấn đề cung-cầu.
Những hạn chế kinh tế vĩ mô đang diễn ra ở Mỹ đã giữ giá ở mức cân bằng khi các nhà đầu tư xem xét biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed, cho thấy các nhà hoạch định chính sách vẫn nghi ngờ liệu lãi suất hiện tại có đủ cao để chế ngự lạm phát cứng đầu hay không.
Một số quan chức cho biết họ sẵn sàng tăng chi phí đi vay một lần nữa nếu lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các nhà hoạch định chính sách khác cho biết họ cảm thấy khó có khả năng tăng lãi suất thêm nữa.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS nói rằng giá dầu khó bứt phá vì thị trường lo ngại việc Fed trì hoãn giảm lãi suất sẽ gây suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài ra, giới đầu tư cũng lo ngại về sự gia tăng của lượng dầu tồn trữ toàn cầu sau một mùa đông ấm hơn bình thường ở bán cầu Bắc.
Mối lo này gia tăng dù sắp bước vào những tháng mùa hè - giai đoạn cao điểm hàng năm về tiêu thụ xăng dầu ở Mỹ do hoạt động đi lại tăng cao.
Tuy nhiên, UBS vẫn dự báo thị trường dầu sẽ thiếu cung và giá dầu Brent sẽ tăng lên mức 91 USD/thùng trong những tháng tới. Nhà băng Thuỵ Sỹ này cũng cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng trưởng 1,5 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn mức tăng trưởng dài hạn là 1,2 triệu thùng/ngày.
Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết hôm thứ Tư rằng nhu cầu xăng ở Mỹ đạt mức cao nhất kể từ tháng 11. Các nhà phân tích của ANZ cho biết điều đó đã giúp hỗ trợ thị trường khi các tài xế Mỹ chiếm khoảng 1/10 nhu cầu dầu toàn cầu, "khiến mùa lái xe sắp tới trở thành trụ cột cho sự phục hồi tăng trưởng nhu cầu toàn cầu".
Mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh, gọi chung là OPEC+, sẽ nhóm họp vào ngày 1 tháng 6, nơi họ dự kiến sẽ thảo luận về việc có nên gia hạn mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng mỗi ngày hay không.
Các nhà phân tích của ANZ cho biết thêm: "Thị trường cũng đang lưỡng lự về việc có quan điểm tích cực trước cuộc họp của OPEC vào tuần tới, nơi chính sách nguồn cung sẽ được thảo luận".
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement