14/09/2022 08:35
Giá cao su giao sau bật tăng trên các sàn giao dịch quốc tế
Thị trường nông sản hôm nay 14/9 ghi nhận các mặt hàng nông sản chính biến động trái chiều. Trong khi giá cà phê thế giới suy giảm thì giá cao su lại bật tăng trên các sản giao dịch chính.
Thị trường cà phê thế giới suy giảm
Giá cà phê hôm nay dao động trong khoảng 47.200 - 47.800 đồng/kg tại thị trường nội địa.
Tại Lâm Đồng, nơi có giá cà phê thấp nhất là 47.200 đồng/kg, Gia Lai và Đắk Nông: 47.700 đồng/kg, Đắk Lắk: 47.800 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê tiếp tục giảm. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 9/2022 được ghi nhận tại mức 2.232 USD/tấn sau khi giảm 1,06% (tương đương 24 USD/tấn).
Giá cà phê arabica giao tháng 9/2022 tại New York đạt mức 223,95 US cent/pound, giảm 1,67% (tương đương 3,8 US cent/pound) tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h50 (giờ Việt Nam).
8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,24 triệu tấn, trị giá 2,82 tỷ USD, tăng 14,7% về lượng và tăng 39,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Dự kiến, hết tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê sẽ vượt mức 3,07 tỷ USD thực hiện trong cả năm ngoái. 8 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.268 USD/tấn, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2021. Cục Xuất nhập khẩu dự báo, giá cà phê thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới do lo ngại nguồn cung thiếu hụt.
Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, sản lượng cà phê năm nay thấp hơn năm trước do năng suất thấp. Sản lượng cà phê niên vụ 2021/2022 đạt 1,5 triệu tấn (hơn 95% sản lượng là cà phê Robusta), thấp hơn so với 1,62 triệu tấn trong niên vụ 2020/2021.
Trong quý III, Việt Nam vẫn còn khoảng 500 nghìn tấn cà phê để xuất khẩu. Dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Nếu xung đột vũ trang Nga và Ukraina chưa sớm chấm dứt, giá cà phê sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong các tháng còn lại của quý III.
Các chuyên gia dự báo, nếu giá và sản lượng cà phê xuất khẩu giữ ở mức như hiện nay, dự kiến cả năm 2022 ngành cà phê Việt Nam vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD. Cùng với nguồn cung khan hiếm và những lo ngại về thời tiết ảnh hướng đến vụ mùa tới, thị trường thế giới tiếp tục gia tăng thu mua cà phê. Điều này sẽ giúp thị trường cà phê trong nước sẽ tăng trong thời gian tới.
Theo Bloomberg, tồn kho cà phê của Việt Nam đang giảm dần và đây là dấu hiệu cho thấy giá mặt hàng này trên toàn cầu có thể còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Ước tính của một số thương nhân, tồn kho tính đến cuối tháng 9/2022 có thể chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam cũng được dự đoán sẽ giảm khoảng 6% trong niên vụ 2022 - 2023 xuống 1,72 triệu tấn. Hiện Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới và đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê.
Thị trường tiêu trong nước đã qua giai đoạn ổn định
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giảm nhẹ ở một số địa phương, giao dịch từ 65.500 – 68.500 đồng/kg.
Cụ thể, tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 65.500 đồng/kg. Tại tỉnh Đồng Nai là 66.000 đồng/kg; Đắk Nông, Đắk Lắk: 66.500 đồng/kg; Bình Phước: 67.000 đồng/kg và Bà Rịa - Vũng Tàu: 68.500 đồng/kg.
Như vậy, sau quãng thời gian giữ ổn định, giá tiêu trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm.
Việt Nam, nhà sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu số một thế giới, ước tính đã xuất khẩu 261.000 tấn, trị giá 938 triệu USD (4,17 tỷ RM) vào năm 2021. Con số này giảm 8,5% về lượng nhưng tăng 42% về giá trị so với năm 2020, nhờ giá tăng mạnh.
Thị trường hồ tiêu hiện nay rất kém sôi động và cực kỳ trầm lắng. Mặc dù các container hàng hóa hiện đã có sẵn và giá cước vận chuyển toàn cầu đã giảm so với mức đỉnh lịch sử vào năm ngoái, nhưng mức này vẫn còn cao so với thời kỳ trước Covid-19.
Xu hướng giảm giá trong những tháng qua cũng không khuyến khích những nhà đầu cơ nắm giữ hàng lâu dài, đặc biệt là những người sử dụng các khoản vay để đầu cơ. Khi lãi suất ngày càng tăng trên toàn cầu, việc duy trì một vị thế đầu cơ lâu dài trở nên ít hơn hấp dẫn.
Những dấu hiệu đầy hứa hẹn cho vụ mùa tiếp theo của Việt Nam, cùng với chi phí giữ hàng cao, đang dẫn đến tình trạng tương đối trầm lắng trên thị trường và không có nhiều áp lực mua.
Đầu tuần này, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế giữ nguyên giá niêm yết xuất khẩu tại các quốc gia, duy nhất tăng ở Indonesia. Lượng hàng dự trữ ít hơn và nhu cầu ngày càng tăng giúp giá tiêu của Indonesia tăng tốt thời gian qua bất chấp những nước khác trong khu vực suy yếu.
Ngoài Indonesia, giá tiêu của Ấn Độ cũng có sự cải thiện đáng kể. Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), hồ tiêu Việt Nam đang bị mất thị phần do các thị trường Brazil và Indonesia chào giá cạnh tranh hơn và cước phí cũng rẻ hơn so với Việt Nam. Hiện giá tiêu Brazil thấp hơn 50 – 100 USD/tấn so với tiêu Việt Nam.
Giá cao su tăng mạnh
Giá cao su hôm nay tăng mạnh đồng loạt trên thị trường, tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) và tại Sàn Tocom (Tokyo - Nhật Bản).
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 10/2022 ghi nhận mức 225,5 JPY/kg, tăng 1,9 JPY/kg. Các kỳ hạn cao su tháng 11, 12 và tháng 1/2023 đều ghi nhận mức tăng nhẹ trong khi kỳ hạn tháng 9 giảm 0,90%.
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 9/2022 là 11.725 CNY/tấn, tăng 2,72% (tương đương 310 CNY/tấn).
Giá cao su Thượng Hải hôm nay tăng mạnh cả ở các kỳ hạn tháng 10, 11, và tháng 1/2023, tháng 3/2023 ở mức trên dưới 3%.
Trong tháng 8/2022, giá mủ cao su nguyên liệu tại thị trường trong nước giảm so với tháng 7/2022. Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức 285-290 đồng/TCS, giảm 5-17 đồng/TCS so với cuối tháng 7/2022. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 293-295 đồng/ TSC, giảm 18 đồng/TSC so với cuối tháng 7/2022. Tại Gia Lai, mủ cao su được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 265-275 đồng/TSC, giảm 20 đồng/TSC so với cuối tháng 7/2022.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), Latex, SVR 10, SVR 3L, SVR CV60, RSS3… Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 56% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 550,49 nghìn tấn, trị giá 939,18 triệu USD, giảm 2,7% về lượng, nhưng tăng 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,72% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 548,98 nghìn tấn, trị giá 935,64 triệu USD, giảm 2,5% về lượng, nhưng tăng 1,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, nhiều chủng loại cao su xuất khẩu đã tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đáng chú ý như: Cao su tổng hợp, Latex, SVR 20, SVR 10, cao su hỗn hợp (HS 4005), RSS3, SVR 3L, cao su tái sinh...
Về giá xuất khẩu: trong 7 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân một số chủng loại cao su tăng so với cùng kỳ năm 2021 như: Hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), SVR 10, cao su tổng hợp, SVR 20, SVR 5…
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 7 tháng đầu năm 2022, trị giá nhập khẩu cao su (HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt 7,73 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc. Trong đó, nhập khẩu từ Malaysia và Hàn Quốc giảm, trong khi trị giá nhập khẩu cao su từ các thị trường Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam vẫn là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 1,18 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2022 chiếm 15,4%, cao hơn so với mức 15,3% của 7 tháng đầu năm 2021.
Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực cho xuất khẩu mủ cao su và cao su sơ chế của Việt Nam 5 tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng bởi chính sách “Zero-Covid” của Trung Quốc sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tiêu thụ cao su của Trung Quốc trong năm 2022.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp