22/10/2022 08:12
Giá các loại nông sản chủ chốt đồng loạt giảm
Thị trường nông sản hôm nay 22/10 ghi nhận giá các loại nông sản chủ chốt như: cà phê, hồ tiêu và cao su đồng loạt giảm mạnh cả thị trường trong nước lẫn thế giới.
Thị trường cà phê tiếp tục suy giảm
Giá cà phê trong nước hôm nay được giao dịch trong khoảng từ 43.900 – 44.300 đồng/kg.
Cụ thể, tại tỉnh Gia Lai: 44.100 đồng/kg, Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk: 44.300 đồng/kg, Kon Tum: 44.200 đồng/kg, Lâm Đồng: 43.900 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 21/10), giá cà phê robusta giảm mạnh, arabica vẫn tiếp tục giữ xu hướng giảm.
Giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 11/2022 giảm 44 USD/tấn (2,15%), giao dịch ở mức 2.001 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 1/2023 giảm 45 USD/tấn (2,2%), giao dịch ở mức 1.996 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York, kỳ hạn giao tháng 12/2022 điều chỉnh giảm 0,15 US Cent (0,08%)/lb, giao dịch ở mức 190,9 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 0,6 US Cent/lb (0,32%), giao dịch ở mức 185,8 USD Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng khá.
Các nhà sản xuất Việt Nam đang bước vào thời điểm thu hoạch cà phê robusta với sản lượng dự kiến sẽ tăng so với vụ mùa trước đó. Điều này sẽ gây áp lực lên giá cà phê vốn đã giảm hơn 10% trong vòng 2 tháng qua. 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên dự kiến thu hoạch được 1,8 tấn cà phê nhân, tăng từ mức 1,76 triệu tấn của năm ngoái, theo Bloomberg. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng đem đến những tin tốt với người tiêu dùng trên thế giới.
Trong khi đó, tại Brazil, quốc gia có sản lượng cà phê lớn nhất thế giới, trong hơn hai năm qua chịu tác động bởi băng giá và hạn hán đã khiến cây cối suy yếu và giảm sản lượng, các đồn điền có khả năng mất nhiều năm để khôi phục hoàn toàn. Nguồn cung bị thắt chặt đẩy giá cà phê arabica kỳ hạn tại New York lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ vào tháng 2 năm nay trong khi giá robusta tại London đạt mốc cao nhất kể từ năm 2011 hồi tháng 12/2021.
Tất cả 5 tỉnh dự báo năng suất cà phê robusta tăng. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho rằng năng suất cây cà phê năm nay cao một phần do có giống tốt, kháng sâu bệnh, kết hợp với áp dụng công nghệ mới như tưới tiêu và bón phân tự động.
Một số huyện ở Đắk Nông đã bắt đầu hái trái chọn lọc vào tháng trước sau khi cây ra hoa sớm vì những trận mưa rào bắt đầu từ tháng 2. Việc thu hoạch chọn lọc bắt đầu trong tháng này ở Đắk Lắk và Lâm Đồng, và sẽ bắt đầu ở Kon Tum vào đầu tháng 11. Nhiều khả năng Gia Lai cũng bắt đầu thu hoạch vào tuần tới.
Mùa thu hoạch thông thường tập trung vào tháng 11 và 12 và dự báo mưa lớn trong những tháng này có thể ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng của hạt cà phê.
Lượng mưa ở Tây Nguyên có thể cao gấp đôi so với mức trung bình lịch sử vào tháng tới và cao hơn 40% vào tháng 12, theo cơ quan thời tiết quốc gia . Tình trạng khan hiếm người hái cà phê cũng khiến chủ vườn ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Gia Lai lo lắng. Sở Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông cho biết, thiếu người hái ở địa phương có thể dẫn đến giảm chất lượng hạt cà phê.
Giá tiêu đồng loạt giảm
Giá tiêu hôm nay tại Gia Lai là 57.500 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg. Tại Đắk Lắk, Đắk Nông còn 58.500 đồng/kg.
Tại Vũng Tàu dao động quanh mốc 60.000 đồng/kg, tại Đồng Nai ở mức 59.500 đồng/kg, tại Bình Phước là 59.500 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, cộng đồng hồ tiêu thế giới tiếp tục niêm yết mức giá giảm với tiêu Indonesia. Theo đó, iêu đen Lampung (Indonesia): ở mức 3.669 USD/tấn, giảm 20 USD/tấn. Tiêu trắng Muntok: ở mức 5.938 USD/tấn, giảm 33 USD/tấn.
Trong khi đó, tiêu đen Brazil ASTA 570: ở mức 2.600 USD/tấn, không đổi. Tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA: ở mức 5.100 USD/tấn, không đổi. Tiêu trắng Malaysia ASTA: ở mức 7.300 USD/tấn, không đổi.
Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, đến thời điểm hiện tại dư địa xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc còn rất lớn (80% cả năm). Những năm qua, trung bình mỗi năm Trung Quốc nhập 40.000 - 50.000 tấn/năm tiêu Việt Nam. Do đó nhu cầu của họ còn rất lớn trong năm nay.
Dữ liệu của Cục Hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu hồ tiêu của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay chỉ đạt 5.630 tấn, trị giá 27,3 triệu USD, giảm mạnh 40,7% về lượng và 18,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Trung Quốc là Indonesia 2.804 tấn, Việt Nam 1.786 tấn, Brazil 862 tấn.
Tuy nhiên, trên các diễn đàn, hội nhóm những người làm hồ tiêu, không khí "u ám" bao trùm. Những người lạc quan nhất cũng chỉ mong thị trường giữ được ở mức 60.000 đồng/kg, không bị thủng quá sâu. Tuy nhiên với dự đoán fed còn 2 lần tăng lãi suất (tháng 11/2022 và đầu năm 2023), xuất khẩu cuối năm trì trệ, lượng tiêu dự trữ dồi dào, cộng với Việt Nam sắp vào vụ thu hoạch mới thì đã có dự đoán thị trường xuống tới 50.000 đồng/kg.
Giá cao su tiếp tục suy giảm trên thị trường châu Á
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 10/2022 ghi nhận mức 224,2 JPY/kg, giảm 1,9 JPY/kg. Các kỳ hạn cao su tháng 11, 12, kỳ hạn 1/2023, 2/2023 đều giảm mạnh ở mức gần 2%.
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 11/2022 được giao dịch ở 11.385 CNY/tấn, giảm 110 CNY/tấn.
Giá cao su Thượng Hải hôm nay giảm tiếp ở các kỳ hạn tháng 1/2023, tháng 3/2023, tháng 4/2023, tháng 5/2023 ở mức giảm gần 1%.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 9/2022, Việt Nam xuất khẩu được 193,41 nghìn tấn cao su, trị giá 279,39 triệu USD, giảm 11,8% về lượng và giảm 15,9% về trị giá so với tháng 8/2022; so với tháng 9/2021 tăng 6,9% về lượng, nhưng giảm 6,7% về trị giá. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 1,39 triệu tấn, trị giá 2,29 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và tăng 6,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Về giá xuất khẩu: Tháng 9/2022, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.445 USD/ tấn, giảm 4,7% so với tháng 8/2022 và giảm 12,7% so với tháng 9/2021.
Tháng 9/2022, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 77,3% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 149,43 nghìn tấn, trị giá 207,98 triệu USD, giảm 8,6% về lượng và giảm 13,7% về trị giá so với tháng 8/2022; so với tháng 9/2021 tăng 21,5% về lượng và tăng 4,4% về trị giá.
Giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc ở mức 1.392 USD/tấn, giảm 5,6% so với tháng 8/2022 và giảm 14,1% so với tháng 9/2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 989,59 nghìn tấn cao su, trị giá 1,56 tỷUSD, tăng 9,7% về lượng và tăng 7,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, xuất khẩu cao su sang một số thị trường chủ chốt như: Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Malaysia… tiếp tục tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với tháng 9/2021. Tuy nhiên, xuất khẩu sang một số thị trường như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đức... lại giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, 8 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu 360,87 nghìn tấn cao su (HS: 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 790,46 triệu USD, giảm 5,7% về lượng, nhưng tăng 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên mức giảm nhập khẩu đang dần thu hẹp lại trong mấy tháng gần đây nhờ nhu cầu dần hồi phục. Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Hàn Quốc.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 4 cho Hàn Quốc với 29,94 nghìn tấn, trị giá 56,52 triệu USD, tăng 4,7% về lượng và tăng 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 8,3% trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hàn Quốc, cao hơn so với mức 7,5% của 8 tháng đầu năm 2021.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp