27/09/2018 10:47
Giá cá tra lập “đỉnh”, hàng loạt doanh nghiệp thủy sản lấy lại vị thế
Sau khi lên mức 33.000 đồng/kg hồi giữa tháng 9.2018, đến tuần cuối tháng, giá cá tra tăng thêm 2.000 đồng để vọt lên 35.000 đồng/kg.
Đây là mức cao nhất trong lịch sử phát triển ngành cá tra, vượt qua mọi dự báo của doanh nghiệp và người nuôi. Những ai theo dõi thị trường cá tra đều không thể tin chỉ trong thời gian ngắn giá mặt hàng này có thể liên tục “lập đỉnh”.
Nguyên nhân chính khiến mặt hàng này tăng liên tục là do thị trường xuất khẩu hút hàng, nhà nhập khẩu chấp nhận mua giá cao. |
Theo phân tích của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 8 tháng đầu 2018, xuất khẩu cá tra hồi phục ở hầu hết các thị trường chính như Mỹ, EU, đặc biệt là thị trường Hồng Kông-Trung Quốc.
Không chỉ vậy, giá cá tra xuất khẩu vào EU một năm trước ngụp lặn ở mức dưới 3 USD/kg thì 8 tháng đầu 2018 lên 4,2 USD- 4,55 USD/kg. Còn Mỹ là từ 5-5,5 USD/kg, trong khi Trung Quốc bán tiểu ngạch, chi phí vận chuyển thấp cũng trên 3 USD/kg.
Giá xuất khẩu cao mang đến nhiều lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu, chẳng hạn cải thiện chất lượng, mở rộng vùng nuôi, tăng đầu tư cho quảng bá, tiếp thị…, công việc mà cách đây một năm ít có doanh nghiệp nào dám mạnh tay làm.
Ngoài việc hưởng lợi từ thị trường xuất khẩu đang tốt lên, thuế chống bán phá giá sơ bộ cá tra tại Mỹ (POR14) cũng vừa được Mỹ công bố (áp dụng từ 1/8/2016-31/7/2017) , giảm từ 3,87 USD/kg (POR13) xuống còn 0,41 USD/kg đối với một số doanh nghiệp, trong đó HVG và Vĩnh Hoàn (VHC) hưởng 0%.
Những thông tin sáng về cá tra phản ánh kết quả kinh doanh của từng doanh nghiệp trong ngành, thể hiện qua cổ phiếu của hàng loạt doanh nghiệp có chuỗi ngày thăng hoa ấn tượng. Giá cổ phiếu VHC đã tăng 13% kể từ phiên 10/9, đạt 97.000 đồng/cp (26.9). Còn HVG, từ dưới 3.000 đồng hồi đầu tháng 9 nay cũng lên 6.000 đồng, IDI hiện cũng đang giao dịch ngưỡng gần 14.000 đồng/CP còn ANV lập đỉnh 21.000 đồng/CP.
Cách nay chừng năm, những công ty như Hùng Vương (HVG), Nam Việt (ANV), Công ty CP Đầu tư & Phát triển Đa Quốc Gia (IDI), Agrifish (AGR)...đều ngụp lặn với khó khăn do giá cả sụt giảm, thị trường xuất khẩu èo uột. Nay, mọi chuyện thay đổi hoàn toàn, con cá tra lại giúp họ lấy vị thế…
Công ty chứng khoán SSI Research mới đây cũng đưa ra nhận định, nếu thuế chống bán phá giá không thay đổi trong kết quả cuối cùng của POR14 (có hiệu lực từ tháng 4/2019), sản lượng xuất khẩu cá tra sang Mỹ dự kiến sẽ cải thiện trong năm 2019, Hùng Vương và Vĩnh Hoàn sẽ là 2 công ty nổi bật hưởng lợi thuế suất bằng không từ quy định này.
Theo đơn vị phân tích này, nửa đầu năm nay, giá bán trung bình cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường tăng 37,8% so với cùng kỳ 2017, ở mức 4,25 USD trong bối cảnh thiếu nguyên liệu cá tra tại Việt Nam. Với thị trường Mỹ, sau thời gian phải nhường lại vị trí số 1 cho Trung Quốc đã lấy lại ví thế khi đạt giá trị 259,4 triệu USD (tăng 18,3% so cùng kỳ 2017), cao hơn Trung Quốc (258,3 triệu USD) trong 7 tháng xuất khẩu đầu 2018.
Điều đáng chú ý là giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ chỉ nhỉnh hơn sang Trung Quốc khoảng 1 triệu USD, nhưng sản lượng xuất khẩu sang Mỹ lại thấp hơn nhiều. Trong 7 tháng đầu năm nay, lượng cá tra xuất sang Mỹ là 60.400 tấn, còn Trung Quốc là 125.200 tấn.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp