08/03/2019 08:17
Giá cà phê bất ngờ giảm nửa triệu đồng/tấn
Giá cà phê hôm nay 8/3 tại các tỉnh Tây nguyên bất ngờ giảm mạnh, mức giảm 500 đồng/kg sau hai phiên tăng nhẹ.
Giá cà phê robusta hôm nay 8/3 tại Đắk Lắk bất ngờ giảm xuống dưới mức 33.000 đồng/kg, chỉ còn 32.900 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so với ngày hôm qua. Hiện giá mua vào tại các đại lý thuộc một số huyện như Cư M’gar của Đắk Lắk cao nhất được 33.000 đồng/kg. Những huyện khác trong tỉnh như Ea H’Leo và thị xã Buôn Hồ thấp hơn, chỉ 32.900 đồng/kg.
Tại thị xã Gia Nghĩa và một số huyện của tỉnh Đắk Nông, giá cà phê thậm chí còn xuống đến mức 32.700 đồng/kg, giảm 600 đồng/kg so với hôm qua. Hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum giá cà phê robusta có cùng mức giảm 500 đồng/kg, hiện giá cà phê ở đây cao nhất được 32.900 đồng/kg.
Giá cà phê robusta tại Lâm Đồng giảm nhẹ hơn, mức giảm bình quân 300 đồng/kg xuống còn 32.200 đồng/kg. Ở một số khu vực như Lâm Hà, Di Linh… giá cà phê có thể lên mức 32.300 đồng/kg.
Tại thị trường thế giới, giá cà phê robusta trên sàn London (Anh) sáng nay giảm tới 27 USD/tấn xuống còn 1.489 USD/tấn, kỳ hạn tháng 3/2019. Giá cà phê Arabica trên sàn New York (Mỹ) giảm nhẹ.
Giá cà phê hôm nay bất ngờ giảm mạnh. |
Theo Cục Xuất nhập khẩu, thị trường cà phê toàn cầu vẫn đang trong tình trạng dư cung do sản lượng cà phê tăng cao ở các quốc gia sản xuất chính như Brazil, Việt Nam, Colombia, Indonesia dẫn đến giá giảm.
Ngoài ra một số quốc gia sản xuất cà phê đang có kế hoạch gia tăng sản lượng mặt hàng. Cụ thể: Kenya đang lên kế hoạch cải thiện sản lượng cà phê từ mức 35 triệu lên 240 triệu kg/năm, điều này đồng nghĩa, năng suất sẽ tăng từ mức 3 kg/cây lên 20 kg/cây cà phê.
Do đó, Chính phủ Kenya đã đầu tư 1 tỷ Shilling (tương đương gần 10 triệu USD) nhằm hỗ trợ hoạt động mua phân bón, cải thiện năng suất cây cà phê. Trong khi đó, Ethiopia cũng đặt mục tiêu tăng sản lượng cà phê gấp 5 lần so với hiện tại trong vòng 5 năm tới.
Sản lượng cà phê trong niên vụ 2018/19 (kéo dài từ tháng 10/2018 đến tháng 9/2019) có thể đạt 600.000 tấn. Con số này được kì vọng sẽ đạt ngưỡng 1,8 triệu tấn trong năm 2024.
Nhu cầu tiêu thụ cà phê được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới. Lượng tiêu thụ cà phê của người dân Hoa Kỳ đã tăng lên mức cao nhất trong 6 năm vì người dân Hoa Kỳ ưa thích cà phê hơn trà và sự gia tăng của chế độ ăn uống bình dân.
Ở châu Á, cà phê ngày càng trở nên phổ biến khi lối sống của người dân chuyển sang giống người phương Tây. Do đó, các công ty sản xuất cà phê khổng lồ của Hoa Kỳ như Starbucks và Dunkin tiếp tục mở rộng thị trường ở châu Á.
Hiện tại, Starbucks sở hữu chuỗi hơn 3.000 cửa hàng tại thị trường Trung Quốc. Sự tăng trưởng này làm tăng sự cạnh tranh với công ty đối thủ – Luckin Brand. Điều này hoàn toàn tốt cho ngành cà phê.
Theo Liên đoàn Cà phê châu Âu (ECF), lượng cà phê tồn kho tháng 12/2018 đã phục hồi trở lại, sau khi giảm vào tháng 11/2018. Theo báo cáo của ECF, hàng cà phê tồn kho đã tăng 3.371 tấn, tương đương tăng 0,5% lên 688.739 tấn, so với 685.368 tấn trong tháng 11/2018.
Kết thúc năm 2018, tồn kho cà phê của ECF tăng 17% so với mức kết thúc năm 2017. Như vậy, có thể thấy diễn biến thị trường cà phê thời gian tới tương đối phức tạp, giá cà phê chưa thể bứt phá mạnh mà chỉ biến động trong biên độ hẹp.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp