15/07/2022 17:10
GDP của Việt Nam có thể tăng trưởng đến 6,9% trong năm 2022
Tại Hội thảo công bố Báo cáo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững" diễn ra vào sáng 15/7, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã công bố 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2022.
Trong đó, kịch bản 1, CIEM dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong cả năm 2022, và tỷ lệ lạm phát 4%.
Kịch bản này, CIEM xây dựng dự báo dựa trên giả thiết tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam cơ bản được kiểm soát, các nước duy trì xu hướng tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
GDP của thế giới tăng 2,9% trong năm 2022... Còn về phía Việt Nam là tỷ giá VND/USD của ngân hàng thương mại tăng 2,5%; tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 8,5%; vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 8,9%, giải ngân đầu tư từ nguồn NSNN ở mức 460,8 nghìn tỷ đồng.
Còn theo kịch bản 2, CIEM dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,9%, cùng tỷ lệ lạm phát 3,9%. Kịch bản này, CIEM xây dựng trên giả thiết GDP của thế giới tăng 3,6%; tổng phương tiện thanh toán tăng 10,5%; giải ngân đầu tư từ nguồn NSNN ở mức 542,16 nghìn tỷ đồng…
Kết quả dự báo cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt mức 6,7% theo Kịch bản 1 và 6,9% trong Kịch bản 2.
Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 15,8% trong Kịch bản 1 và tăng 16,3% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 1,2 tỷ USD và 2,5 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2022 dự báo lần lượt ở mức 4,0% và 3,7%.
Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh cho rằng, chúng ta đã bàn nhiều về lạm phát trong những tháng vừa qua. Tuy nhiên, bài học trong ứng xử với lạm phát và hệ lụy của khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009 đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị: chỉ thực hiện các biện pháp điều hành tổng cầu - tức là nới lỏng hay thắt chặt tài khóa - tiền tệ - thì khó có thể phát huy bền vững đối với ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, theo TTXVN.
Về các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2022, bà Minh cho biết, ngay trong báo cáo nghiên cứu về "Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế sau đại dịch COVID-19: Đề xuất cho Việt Nam" do Chương trình Aus4Reform tài trợ và được công bố vào tháng 4/2021, CIEM đã kiến nghị, phải đẩy mạnh cải cách ngay cả trong bối cảnh thực hiện phục hồi kinh tế, để giảm bớt áp lực đối với lạm phát và tạo không gian mới cho doanh nghiệp phát triển.
"Những kiến nghị này đã được tiếp thu khi xây dựng Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với một nhóm giải pháp riêng về cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh", bà Minh nêu rõ.
Điểm đáng lưu ý nữa là bối cảnh 6 tháng cuối năm và cả năm 2023 sẽ đặt Việt Nam trước những yêu cầu cải cách và điều hành mới. "Trong bối cảnh này, việc duy trì công thức từ những năm trước đó, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để tạo điều kiện cho cải cách thể chế kinh tế mạnh theo hướng thị trường hiện đại, càng có ý nghĩa quan trọng", bà Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement