Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Gạo Việt tự tin chinh phục thị trường thế giới

Cơ hội giao thương

09/03/2021 12:35

Cùng với hành trình phát triển của đất nước, hạt gạo không chỉ hoàn thành sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực mà còn trở thành một nông sản xuất khẩu tỷ đô, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới.

Chú trọng nâng cao chất lượng

Trong những năm gần đây, xuất khẩu gạo của nước ta đánh dấu sự chuyển hướng mạnh mẽ trong cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu theo hướng dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao, như: gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản,... Đặc biệt, tại cuộc thi World's Best Rice do The Rice Trader tổ chức, gạo ST 25 của Việt Nam đã được đánh giá là gạo ngon nhất thế giới năm 2019, ngon nhì thế giới năm 2020, theo TTXVN.

Chất lượng gạo tăng lên là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất để tăng trưởng về giá trị cho xuất khẩu gạo. Bởi lẽ, nhiều năm qua, Việt Nam luôn đứng trong tốp đầu các quốc gia xuất khẩu gạo trên thế giới nhưng chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp, giá thấp và xuất sang các thị trường truyền thống, không đòi hỏi cao về chất lượng.
Đánh giá vấn đề này, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường cho biết: Sự chuyển hướng trong cơ cấu chủng loại có thể thấy rõ tại các địa phương ở vùng trọng điểm lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long, khi mà diện tích trồng lúa thơm, lúa đặc sản không ngừng tăng lên trong những năm vừa qua.

Riêng đối với giống lúa thơm, sản lượng lúa thơm toàn vùng ước đạt 5,5 triệu tấn/năm, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn gạo.

Như vậy, nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng thì đây chính là nguồn hàng lớn cho các hợp đồng sắp tới sang thị trường châu Âu.

9-1200x676.jpg
Hạt gạo ST 25 của Việt Nam đã được đánh giá là gạo ngon nhất thế giới năm 2019, ngon nhì thế giới năm 2020.

Nắm bắt được tiềm năng này, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào chất lượng gạo thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và các giải pháp bảo quản, chế biến. Điển hình như Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An xây dựng cánh đồng gạo sạch, hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và Mỹ. Đồng thời, đầu tư hơn 10 silo chứa lúa khô của Đức, có thể dự trữ khoảng 30 nghìn tấn, bảo đảm nguồn cung và chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của đối tác. Còn Tập đoàn Lộc Trời cũng đang triển khai lộ trình ứng dụng 1.000 thiết bị bay không người lái (drone) trong sản xuất nông nghiệp vào năm 2024 nhằm mang lại hiệu quả cao trong canh tác và góp phần bảo đảm sức khỏe cho nông dân.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, để chinh phục thị trường EU, gạo phải đáp ứng được ba yêu cầu chính là có hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm truy xuất nguồn gốc; đạt các chỉ tiêu cơ lý, bảo đảm độ thuần chuẩn; bảo đảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL) trên 486 hoạt chất theo quy định của EU. Đối với các yêu cầu này, Tập đoàn Lộc Trời đã có những chuẩn bị từ trước qua trao đổi trực tiếp với khách hàng châu Âu, nắm rõ từng yêu cầu của đối tác.

Đến nay, Lộc Trời cũng là công ty đầu tiên trên thế giới đạt thành tích đạt 100 điểm tuyệt đối cho quy trình canh tác lúa theo tiêu chuẩn canh tác bền vững (SRP) vào đầu năm 2020.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ cao Trung An chia sẻ thêm, để duy trì thành tích xuất khẩu gạo, nên phát triển sản xuất nông nghiệp theo kiểu trọng tâm, trọng điểm, không chỉ cho hàng xuất khẩu mà cả tiêu dùng trong nước.

Các doanh nghiệp Việt nên chọn lọc sản phẩm, phân khúc thị trường theo khả năng và quy mô doanh nghiệp của mình. Phải sản xuất sản phẩm theo nhu cầu người dùng, chứ không thể bán những gì chúng ta có. Đặc biệt, gạo bán ra thị trường phải an toàn và sạch tuyệt đối.

Chinh phục những thị trường chất lượng cao

Hiện nay, gạo Việt Nam đã có mặt tại rất nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó châu Á vẫn là thị trường chính, tiếp đến là thị trường châu Phi. Có thể kể đến các thị trường gạo lớn nhất của Việt Nam là: Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Ghana, Bờ biển ngà, Iraq, Indonesia, Senagal,...

Không chỉ giữ vững các thị trường truyền thống, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đã giúp hạt gạo Việt vươn tới nhiều thị trường khó tính hơn. Cộng với sự rộng mở của các hiệp định tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), hạt gạo Việt đã có thể chinh phục được những vùng đất mới.

Đặc biệt, những tín hiệu mới từ thị trường châu Âu chính là điểm nhấn trong xuất khẩu gạo của nước ta kể từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Theo đó, giá gạo xuất khẩu vào EU có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu những lô gạo đầu tiên sang châu Âu với mức thuế ưu đãi.

Cùng với lô hàng 126 tấn gạo thơm xuất khẩu sang EU với mức thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, đến nay, hạt gạo chất lượng cao của Tập đoàn Lộc Trời vẫn liên tục được khẩu sang đến nhiều thị trường khó tính với giá cao.

Cùng với Lộc Trời, nhiều doanh nghiệp khác trong ngành lúa gạo đang tự tin đưa mặt hàng này tăng trưởng khẩu sang ở mức cao, là điểm sáng trong bối cảnh rất nhiều mặt hàng nông sản sụt giảm mạnh kim ngạch khẩu do COVID-19.

gao-st-viet-nam-chau-au-16081766559771009723738.jpg
Một doanh nhân Việt Nam tại Hà Lan đã nhập vào châu Âu những loại gạo ngon nổi tiếng của Việt Nam - ST5 và ST20 sau khi được miễn thuế theo Hiệp định Thương mại tự do với châu Âu hồi  cuối năm ngoái. Ảnh: VTV.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu 608.768 tấn gạo các loại, đạt giá trị kim ngạch 336,18 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo của Việt Nam 2 tháng đầu năm giảm khoảng 34% về khối lượng nhưng lại tăng 22% giá trị kim ngạch.

Đây không chỉ là minh chứng cho việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã và đang tận dụng tốt cơ hội về thuế quan từ EVFTA mà còn khẳng định, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang tập trung mạnh vào sự chuyển hướng từ lượng sang chất, từ các thị trường truyền thống sang thị trường chất lượng cao, trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chí về chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Có thể thấy, sự tăng trưởng xuất khẩu gạo trong những năm qua, nhất là năm 2020 với những chuyển biến về thị trường, giá bán, cơ cấu chủng loại,... đang tạo ra cơ hội thay đổi lớn cho ngành hàng lúa gạo nước ta cả trên lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu nhằm mang lại giá trị gia tăng cao hơn nữa. Nhất là trong điều kiện các hiệp định thương mại tự do liên quan đến nông nghiệp được ký kết và có hiệu lực sẽ trở thành “bàn đạp” cho nỗ lực mở rộng thêm thị trường mới, tăng tính cạnh tranh của ngành hàng này.

Do đó, việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và tận dụng tốt các cơ hội đang có chắc chắn sẽ đem lại vị thế mới cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

P.V
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement