Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Gắn hộp đèn “Xe hợp đồng” trên nóc: Tài xế và khách hàng đều bị thiệt

Vĩ mô

22/04/2019 17:01

Dự thảo lần 8 sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng quy định xe sử dụng phần mềm đón khách như Grab, Go-Việt, Be... phải có hộp đèn "Xe hợp đồng" gắn cố định trên nóc xe. Điều này khiến hầu hết tài xế công nghệ hoang mang, khách hàng than bất tiện.

Bất tiện đủ đường, tài xế bỏ việc 

Trước thông tin xe công nghệ sẽ phải gắn hộp đèn “Xe hợp đồng”, nhiều tài xế bày tỏ không đồng tình với quy định này. Nó có thể gây ra nhiều hệ lụy bất tiện cho các tài xế và khiến lượng khách hàng giảm sút đáng kể. Không chỉ vậy, đối với nhiều tài xế, việc chạy xe công nghệ chỉ là công việc bán thời gian. 

Grab và các ứng dụng gọi xe công nghệ khác đang đứng trước nguy cơ phải gắn
Grab và các ứng dụng gọi xe công nghệ khác đang đứng trước nguy cơ phải gắn "mào" như taxi.

Anh Nguyễn Minh Tiến, một tài xế Grab ở quận BìnhThạnh không ủng hộ quy định gắn “mào” lên xe như vậy. Phần lớn tài xế công nghệ như Grab, Be, Go- Việt là tận dụng xe lúc nhàn rỗi để chở khách kiếm thêm thu nhập chứ không chỉ sử dụng cho mục đích chạy taxi. 

Bản thân xe của anh đã dán biển xe hợp đồng trước kính, logo bên hông xe đầy đủ theo qui định. Thông tin khách hàng, tài xế, loại xe, thời gian và giá cả đều rõ ràng hơn so với taxi. Anh Tâm cho rằng, loại hình xe công nghệ như Grab không bắt khách vẫy xe dọc đường, cần gì hộp đèn để nhận biết. 

“Hơn nữa, xe của tôi là xe nhà và chủ yếu sử dụng đi lại trong gia đình. Vào thời gian rảnh rỗi, tôi mới chạy xe, giờ gắn cái “mào” đó vào thì tôi trở thành lái xe taxi, rất bất tiện cho cuộc sống”, anh Tiến nói. 

Tương tự, anh Bùi Văn Ba, một tài xế Grabcar cũng than phiền, việc gắn hộp đèn hoặc phù hiệu, đổi màu sơn xe… rất mất thẩm mỹ, tốn kém chi phí.

“Tôi đã tìm hiểu hộp đèn xe như taxi cũng mất khoảng 400.000-500.000 đồng/cái chứ không ít. Chưa kể đến, trong một thời gian dài gắn hộp đèn hoặc đổi màu sơn, xe sẽ nhanh chóng cũ kĩ, xuống cấp, không có ai sắm xe hơi để chạy taxi cả. Sau này, khi người dân chuyển đổi mục đích sử dụng xe, không chạy taxi nữa thì phải làm sao?", anh Ba đặt vấn đề.

Còn anh Trần Minh Lực, một tài xế công nghệ khác cho biết, anh phải thuê xe để chạy dịch vụ này, vì thế nếu nhà nước quy định lắp hộp đèn, dán phù hiệu hoặc sơn lại xe thì tài xế sẽ gặp không ít khó khăn, chủ xe phản đối. Hơn nữa, việc dán phù hiệu như vậy là hình thức quảng cáo miễn phí cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ.

Thậm chí, nhiều tài xế công nghệ chuyên nghiệp còn cho biết, sẽ bỏ nghề nếu phải áp dụng quy định mới. Anh Quang Hưng, một tài công nghệ khẳng định, nếu Bộ Giao thông Vận tải ra quy định thế này thì nhiều anh em sẽ nghỉ không chạy taxi nữa. Bởi vì gắn mào lên nóc xe thì tự nhiên xe của mình không là xe gia đình nữa.

Trong khi đó, dưới góc độ khách hàng sử dụng dịch vụ, chị Phạm Thị Phương, khách hàng chuyên đặt xe qua ứng dụng để di chuyển cho biết, có nhiều cách quản lý các loại hình vận tải hành khách, ngay cả mô hình đặt xe mới này, không nhất thiết phải áp dụng những quy định trên. Chị Phương khẳng định, những quy định này chỉ gây tốn kém, rườm rà, càng khó quản lý. Cái mà người sử dụng quan tâm là chất lượng, giá cả dịch vụ.

Việc gắn hộp đèn hoặc phù hiệu, đổi màu sơn xe… rất mất thẩm mỹ, tốn kém chi phí.
Việc gắn hộp đèn hoặc phù hiệu, đổi màu sơn xe… rất mất thẩm mỹ, tốn kém chi phí.

"Khi đến buổi tiệc gì, ai cũng có tâm lý xe đón đưa giống như xe cá nhân, không phải là taxi cũng thấy tự tin hơn. Ví dụ như chiếc xe Honda Civic đẹp như vậy, gắn thêm hộp đèn nữa chắc chắn tài xế họ sẽ không đi nữa. Lúc đó, người tiêu dùng thiếu sự lựa chọn, giá cả tăng. Nói cho cùng, qui định này không hợp lý trong bối cảnh công nghệ ngày càng hiện đại", chị Phương nói. 

Một bước thụt lùi công nghệ

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá, nếu được thông qua thì dự thảo Nghị định 86 mà Bộ Giao thông Vận tải đang chắp bút sẽ là một bước thụt lùi của chính sách. Quy định gắn "mào" cho xe công nghệ phần nào cho thấy tư duy xây dựng chính sách của Bộ Giao thông Vận tải vẫn còn khá bảo thủ, nhất định "nhốt" cái mới và cái truyền thống vào chung một "giỏ" cho dễ bề quản lý, tránh sự phản ứng từ taxi truyền thống.

Liên quan đến đề xuất gắn "mào" cho "xe công nghệ" của Bộ Giao thông Vận tải, nhiều chuyên gia cho rằng, việc này là không phù hợp, đi ngược lại xu thế công nghệ hiện nay. Góp ý này cũng đã được nhiều tổ chức như VCCI, CIEM… gửi đến Bộ Giao thông Vận tải nhưng Bộ này vẫn bảo lưu quan điểm gắn "mào".

Tại nhiều cuộc hội thảo cũng như tọa đàm, diễn đàn xung quanh hình thức kinh tế chia sẻ mới, với những ứng dụng nền tảng xuất hiện ở Việt Nam như Grab, Go-Viet, FastGo… nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu cứ khăng khăng gắn mào cho xe công nghệ thì chứng tỏ, chúng ta không thừa nhận một loại hình kinh doanh mới, tiến bộ.

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật BASICO khẳng định: "Ngay cả thế giới cũng phải công nhận Uber, Grab là mô hình khác biệt. Có thể mình quản lỏng hơn nhưng không thể đẩy về cái cũ. Như vậy, coi như Bộ Giao thông Vận tải xóa sổ luôn Uber, Grab, đẩy hết thành taxi. Điều này hoàn toàn đi ngược với chủ trương hướng tới công nghệ 4.0 của Chính phủ".

Loại hình xe công nghệ như Grab không bắt khách vẫy xe dọc đường, cần gì hộp đèn để nhận biết. 
Loại hình xe công nghệ như Grab không bắt khách vẫy xe dọc đường, cần gì hộp đèn để nhận biết. 

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, nô hình đặt xe công nghệ 4.0 với những điển hình như Grab đang lẻ loi giữa vòng vây quan điểm cũ, lạc hậu. Khi buộc phải đeo hộp đèn như vậy thì những người dân có xe rảnh rỗi khai thác theo kiểu kinh tế chia sẻ sẽ giảm dần. 

Các hãng taxi truyền thống sẽ mất thêm khách hàng so với hiện tại vì ngay cả hành khách không cài ứng dụng cũng sẽ đi được. Đề xuất này sẽ làm cho tình hình giao thông tệ hơn, hại các hãng taxi hiện tại. Các hãng xe công nghệ và cả hành khách khi chất lượng dịch vụ sẽ suy giảm hơn. 

Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Việt Đức cho rằng, việc gắn hộp đèn taxi điện tử hoặc phù hiệu xe hợp đồng là không cần thiết, gây tốn kém. Muốn quản lý tốt các loại hình vận tải hành khách bằng taxi thì phải căn cứ vào kinh nghiệm quốc tế, lấy ý kiến chuyên gia, người dân và tài xế đảm bảo tính khách quan, trên cơ sở đó Bộ Giao thông Vận tải có thể đề xuất các công cụ quản lý khác.

"Chúng ta cũng có thể quản lý bằng tem thay vì hộp đèn hay phù hiệu. Chất lượng dịch vụ và giá cước vẫn phù hợp với như cầu của khách hàng", ông Tuấn nói.

Các chuyên gia khác cũng khẳng định, các nhà cung cấp ứng dụng đặt xe công nghệ như Grab, Be, Go-Việt... đang trong tình trạng bị "vây" tứ phía khi liên tiếp các "ông lớn" trong ngành vận tải đứng về phía Bộ Giao thông Vận tải, các Hiệp hội vận tải... để bảo lưu quản điểm quản loại hình xe công nghệ như loại hình taxi.

Phải thẳng thắn thừa nhận, ứng dụng công nghệ đã thay đổi toàn diện bộ mặt hoạt động vận tải ở Việt Nam trong thời gian qua theo hướng tích cực, minh bạch, người tiêu dùng thêm sự lựa chọn thông minh về giá cả... Ở khía cạnh quyền lợi khách hàng và tài xế, ứng dụng gọi xe công nghệ thêm tiện lợi, nhiều phương tiện xe mới, giá cả linh hoạt, các đơn vị đua nhau khuyến mãi, người tiêu dùng hưởng lợi hơn. 

Không chỉ dịch vụ gọi xe công nghệ mà ngay cả taxi truyền thống cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu dự thảo Nghị định 8 được áp dụng.
Không chỉ dịch vụ gọi xe công nghệ mà ngay cả taxi truyền thống cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu dự thảo Nghị định 8 được áp dụng.

"Các nhà cung cấp ứng dụng như Grab hiện đang đơn thân độc mã, lẻ loi với quan điểm bảo vệ là doanh nghiệp công nghệ, cung ứng phần mềm kết nối vận tải giữa tài xế với hành khách giữa làn sóng phủ nhận, qui ép về loại hình taxi để dễ dàng quản lý...", vị này nói. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng mô hình ứng dụng công nghệ vào vận tải tương lai sẽ được nhân rộng, liên quan đến lĩnh vực giao thông, nhu cầu về đường sá, bãi đỗ ôtô... trong khi Việt Nam vẫn loay hoay việc quản lý. Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm phải nghiên cứu các khía cạnh được và chưa được của mô hình xe công nghệ, từ đó xem quản lý cần làm gì. 

Đánh giá về việc các Hiệp hội taxi lên tiếng rất dữ dội, tố những nhà cung cấp ứng dụng như Grab vi phạm luật bằng cách đánh tráo các khái niệm dịch vụ của mô hình Grabcar và Grabtaxi có thể coi là hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, có nhiều điểm bất hợp lý, né tránh cạnh tranh. Dù gì, bà Lan cho rằng Grab cũng tạo lợi ích, thuận tiện cho người tiêu dùng.

Bà Lan cho rằng cần có giải pháp dung hòa được hai mô hình kinh doanh vận tải mà vẫn bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

PHI LONG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement