08/09/2017 09:54
Gần 6 năm kiện cáo, người mẹ Việt giành được con từ người chồng Pháp
Nhận được quyền nuôi con từ tòa, người mẹ ấy hạnh phúc đến trào nước mắt. Đó là kết quả thời gian qua chị phải mòn mỏi đi tìm con từ người chồng ngoại quốc.
Ngày 5/9, TAND tỉnh Quảng Nam đã bác đơn kiện giành quyền trực tiếp nuôi con của ông T.B (SN 1961, quốc tịch Pháp), giao con cho chị N.T.T (SN 1990, ở Quảng Nam, là bị đơn trong vụ án) nuôi.
Vụ án này đặc biệt ở chỗ, để được ở bên con gái, chị T. đã phải đi khắp nơi, gõ cửa từng cơ quan chức năng. Và dù có hai đứa con chung nhưngông B. chỉ giành quyền nuôi bé gái, tên P.T, sinh năm 2012.
Người cha giám định AND xong mới giành con
Theo đơn khởi kiện, ông B. là giám đốc của một công ty du lịch ở TP.HCM. Chị T. là tiếp viên của công ty này.Năm 2010, ông B. và chị T. quen nhau, dù ông B. đã có vợ con. Sau hai năm sống chung với nhau như vợ chồng và có với nhau hai đứa con. Lúc đầu, hai bé sống cùng mẹ.
Thử AND, biết chính xác là con mình, ông B. đổi tên, đổi họ cho con rồi xin được quyền nuôi dưỡng. Chị T. không đồng ý, nên ông B. đã làm đơn kiện để được quyền nuôi con.
Tại tòa, ông B. cho biết, ông rất bức xúc với hành động ngăn cản, ngăn cách tình cảm cha con của ông và các con. Mỗi lần ông đến thăm con là gặp khó khăn và phải chịu sự giám sát của chị T.
“Tôi muốn được trực tiếp chăm sóc các con và thể hiện tình cảm của mình với các con vậy mà không được. Cô ta cứ gây khó khăn, tìm mọi cách ngăn cản tình cảm của cha con tôi.
Kinh tế của cô ta bây giờ không bằng tôi, thế thì làm sao nuôi dạy các con tôi tốt. Cô ta làm mẹ, kinh tế không có, tìm cách bác bỏ tình mẫu tử của con thì liệu có xứng đáng”, ông B. tố chị T.
Hơn 4 tháng phải đi tìm con khắp nơi
Chị T. khẳng định rằng, không có chuyện chị cản trở, ngăn cách tình phụ tử ông B. giành cho các con.
“Tôi luôn tạo mọi điều kiện cho các con gặp cha. Tôi chẳng bao giờ cắt đi người cha của con mình. Nhưng ông B. nên nghĩ lại. Ông ấy luôn tìm cách để ngăn cách tình cảm mẹ con tôi. Cụ thể là vào năm 2015, khi đến đón con đi chơi, ông đưa con đi biệt, tôi phải đi tìm khắp nơi, không cho tôi gặp con trong vòng 4 tháng.
Tôi đã rất nhớ con và sợ mất con. Bây giờ, con ở bên cạnh mình, tôi sợ mất con bé thêm một lần nữa. Vì thế, mỗi khi ông B. đến thăm con, tôi phải giám sát. Việc giám sát của tôi cũng chỉ vì sợ mất con”, chị T. trình bày.
Chị cũng cho biết, hiện nay, mỗi tháng thu nhập của chị là 50 triệu đồng. Mức thu nhập đó đảm bảo rất tốt cho cuộc sống của ba mẹ con chị, chị không yêu cầu ông B. cấp dưỡng gì cả.
Chị cũng cho rằng, liệu ông B. nuôi con gái thì có đảm bảo khi mà visa của ông chỉ có thời hản 3 tháng. Ông cứ phải đi đi về về giữa Việt Nam và Pháp để làm visa thì có đảm bảo cho cuộc sống, việc học của con gái.
Không những thế, mỗi năm, ông B. phải đi công tác xuyên Việt 4-5 tháng thì làm sao có thể trực tiếp nuôi con gái. Ông B. giải thích rằng, hiện naychỗ ở của ông đã ổn định tại Việt Nam nên không phải đi đi về về làm visa nữa. Còn việc ông phải đi công tác là vì công việc. Con gái ông sẽ do vợ ông trực tiếp nuôi.
Cũng theo ông, không có chuyện ông bắt cóc con gái vào năm 2015. “Thời điểm đó là vào dịp hè, cô ta đang sinh đứa con thứ hai thì làm sao có thể chăm sóc con gái tôi. Tôi đã phụ cô ta chăm sóc con, đưa con đi chơi, đi du lịch”, ông B. nói.
Tòa hỏi: “Tại sao thời điểm đó, chị T. lại không liên lạc được với ông”. Ông B. trả lời rằng: “Nơi tôi đến không có sóng điện thoại, không có sóng wifi. Vợ tôi, bố mẹ tôi còn không liên lạc được với tôi thì làm sao cô ta có thể liên lạc được”.
Tòa nhận định rằng, việc ông B. nói chị T. ngăn cản mình khi đến thăm các con nhưng không có bằng chứng nên không được xem xét. Trong khi đó, ông thường xuyên phải đi công tác, nếu bé T. ở với vợ ông thì sẽ không đảm bảo bằng ở với chính mẹ ruột của mình. Tòa đã bác đơn kiện của ông.
Hạnh phúc vô bờ khi được ôm con trong vòng tay
Trao đổi cùng chúng tôi, chị T. nói rất hạnh phúc khi được ở bên con gái, được chăm sóc, lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho con. Tôi nhớ cũng vào thời gian này năm 2015, chị gặp tôi, nước mắt ngắn dài, khuôn mặt lo lắng vì không biết con gái mình đang ở đâu.
Chị cứ khóc vì nhớ con, lo cho con và sợ rằng mình sẽ không được gặp con gái nữa. Để được ở bên con gái, chị phải đi khắp nơi tìm con, gõ cửa từng cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Hồi đó, con gái chị chỉ mới hơn 3 tuổi.
“Tôi nhớcon bé vô bờ. Nhớ từng cử chỉ, điệu bộ của con. Nếu không được gặp con, tôi sẽ không sống nôi”, chị tâm sự với tôi lúc đó.
Còn bây giờ, sẽ chẳng bao giờ chỉ để con bé rời xa mình lần nào nữa. Được tòa tuyên được quyền nuôi con, chị hạnh phúc đến vô bờ. Tôi sẽ giành tất cả tình cảm của mình cho con, lo cho con cuộc sống tốt nhất”, chị nói.
Tôi hỏi: “Liệu sau này bé sẽ ra sao nếu không được ở bên cha?". Chị khẳng định: “Tôi sẽ tạo mọi điều kiện để các con mình được ở bên ba, được đón nhận tình cảm của ông B. giành cho con. Sau này, bé lớn, bé sẽ hiểu tất cả”.
Advertisement
Advertisement