03/09/2021 17:44
Dùng tiền, địa vị, người giàu châu Á tranh nhau tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ 3 bằng mọi giá
Việc tranh nhau tiêm mũi vaccine thứ 3 không chỉ làm gia tăng thêm bất bình đẳng trong cộng đồng mà còn tạo điều kiện cho virus đột biến nhiều biến thể hơn.
Tại một số điểm nóng COVID-19 của châu Á, những công dân quyền lực và giàu có hơn đang tìm mọi cách để tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ 3, ngay cả khi hầu hết mọi người vẫn chưa được tiêm chủng.
Xu hướng này ngày càng gia tăng ở các nước như Indonesia, Thái Lan và Philippines, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong bối cảnh thiếu vaccine.
Dùng mọi cách để được tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ 3
Tại Indonesia, Bộ Y tế nước này thông báo mũi tiêm thứ 3 chỉ dành cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, các thành viên của giới chính trị, bao gồm thống đốc của một khu vực nổi tiếng, đã lên sóng truyền hình và thảo luận về liều vaccine tăng cường mà họ nhận được.
Cuộc thảo luận này vô tình được phát sóng trong một buổi phát trực tiếp một sự kiện trên kênh chính thức của Ban Thư ký Phủ Tổng thống. Nhiều nguồn tin cho biết, Tổng thống Indonesia Joko Widodo chưa tiêm mũi vaccine thứ 3, vì ông đang chờ vaccine của Pfizer.
Văn phòng Tổng thống và thống đốc đã từ chối phỏng vấn vào thời điểm đó và video cũng bị xóa kể từ đó.
Tại Thái Lan, một giám đốc và một bác sĩ đang bị điều tra vì báo buộc lấy vaccine Pfizer dành cho phụ nữ mang thai và nhân viên y tế để tiêm cho các thành viên trong gia đình và phụ tá.
Ronaldo Zamora, đại diện cho thành phố San Juan ở Philippines, đã nói chuyện cởi mở trong một cuộc họp báo về việc tiêm 4 mũi vaccine COVID-19, bổ sung thêm 2 mũi Pfizer sau khi tiêm vaccine của Sinopharm vào năm ngoái.
Con trai ông, một thị trưởng của cùng thành phố, sau đó nói rằng việc tiêm vaccine được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ vì ông Zamora bị suy giảm miễn dịch.
Liều vaccine tăng cường đã được chứng mình là giúp tăng khả năng bảo vệ và chống lại virus. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia phát triển ngừng sử dụng liều vaccine tăng cường cho đến khi có sẵn nguồn cung cấp vaccine cho các quốc gia nghèo hơn.
Trong khi đó, vào cuối tháng 8, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, chính quyền của ông đang cân nhắc việc tiêm vaccine tăng cường cho người dân sau 5 tháng hoàn thành tiêm liều thứ 2.
'Khi virus đột biến nhiều hơn, bạn không biết phải tiêm bao nhiêu mũi vaccine mới đủ'
Đối với các quốc gia ở Đông Nam Á đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu vaccine, việc tranh nhau tiêm mũi thứ 3 sẽ làm giảm vaccine dự trữ cho các chuyên gia y tế cũng như những người dễ bị tổn thương.
Ở Philippines, Malaysia và Thái Lan, số ca nhiễm hàng ngày gần mức kỷ lục, trong khi số người chết ở Indonesia thuộc hàng cao nhất thế giới.
Voo Teck Chuan, phó giáo sư tại Trung tâm Đạo đức Y sinh thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết việc xếp những người khác vào hàng đợi vaccine là “rất đáng nghi ngờ về mặt đạo đức” và cũng khiến toàn bộ dân số có nguy cơ nhiễm virus cao hơn về lâu dài.
"Liều vaccine tăng cường chưa chắc giúp bạn an toàn hơn. Nhưng nếu tình trạng này tiếp tục gia tăng, virus sẽ tiếp tục lây truyền và đột biến trong cộng đồng, bạn sẽ thấy nhiều biến thể hơn và nhiều bệnh lây nhiễm hơn. Khi đó, bạn không biết phải tiêm bao nhiêu mũi vaccine mới đủ", ông Voo nói.
Tại Mỹ, cố vấn y tế của Nhà Trắng Anthony Fauci hôm 2/9 cho biết, 3 liều vaccine COVID-19 có thể trở thành phác đồ tiêu chuẩn cho hầu hết mọi người.
Đông Nam Á là khu vực "nóng" cho cuộc tranh luận xung quanh việc tiêm vaccine tăng cường, vì các quốc gia như Indonesia và Philippines chủ yếu tiêm các mũi tiêm bất hoạt do các công ty Trung Quốc sản xuất. Nghiên cứu cho thấy, những mũi tiêm này kém hiệu quả hơn so với vaccine mRNA do Modern và Pfizer/BioNTech sản xuất.
Ngoại trừ Singapore, quốc gia đã đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 80% dân số, nhiều quốc gia Đông Nam Á đang tụt hậu so với mục tiêu tiêm chủng của mình.
Cả Philippines và Indonesia đều ở mức 13%. Việt Nam và Thái Lan lần lượt ở mức 10% và 11%. Philippines vẫn chưa phê duyệt các mũi tiêm bổ sung, trong khi đó Thái Lan và Indonesia đã tiêm liều vaccine thứ 3 cho các nhóm ưu tiên.
Những thất bại do đại dịch đã tạo ra nhiều mâu thuẫn trong cộng đồng. Nhiều người biểu tình yêu cầu Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha từ chức. Trong khi đó, Tổng thống Widodo của Indonesia chứng kiến xếp hạng chấp thuận của ông giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm.
Trong tuần này, các nhân viên y tế ở Philippines cũng đã tổ chức một cuộc biểu tình để yêu cầu trả lương và phúc lợi tốt hơn trong bối cảnh virus gia tăng.
"Chen hàng" để tiêm liều vaccine thứ 3 có thực sự tốt?
Thông thường, tiền bạc, địa vị và các mối quan hệ là những yếu tố giúp mọi người "chen" vào hàng ngũ đợi vaccine. Tuy nhiên, việc vội vàng phê duyệt liều vaccine thứ 3 cho các nhóm rộng cũng là sơ hở cho nhiều người lợi dụng.
Ở Indonesia, các trường hợp lạm dụng liều vaccine tăng cường đã được phát hiện trong cơ quan đăng ký của chính phủ sau khi bị nhiều người khiếu nại, theo nền tảng tìm nguồn cung ứng cộng đồng LaporCovid-19.
Ở Philippines, có thể đăng ký tiêm vaccine ở một thành phố với tư cách là cư dân và ở thành phố khác với tư cách là nhân viên, không có cơ sở dữ liệu thống nhất. Lỗ hổng này giúp một số ít người có công việc và mức lương tốt hơn nhận được nhiều lợi ích hơn.
Một giám đốc giấu tên ở thủ đô Manila cho biết, ban đầu anh đã đăng ký tiêm chủng ở công ty của mình vì Philippines cho phép khu vực tư nhân mua vaccine và tiêm chủng cho công nhân.
Tuy nhiên, vì không rõ khi nào vaccine sẽ đến trong năm nay nên anh đã chọn tiêm 2 mũi vaccine Sinovac của Trung Quốc thông qua chương trình của chính phủ khi nguồn cung cấp có sẵn ở một thành phố gần đó.
Sau đó, dữ liệu về hiệu quả của vaccine Sinovac trong việc chống lại biến thể Delta khiến anh ấy lo lắng. Cuối cùng, anh ấy quyết định không báo cáo về việc đã tiêm chủng trước đó và tiếp tục tiêm vaccine Moderna thông qua công ty vào tháng 8 này.
Leonila Dans, nhà dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Philippines, cho biết các mũi tiêm tăng cường bất hợp pháp sẽ làm suy yếu khả năng giám sát của chính phủ. Bởi vì, nếu các nhà chức trách không biết có bao nhiêu người đã được tiêm chủng hoặc những thành phần nào trong xã hội vẫn tiếp xúc, thì nó sẽ cản trở khả năng theo dõi sự lây nhiễm của virus.
“Việc 'chen hàng' khi tiêm vaccine không chỉ gây hại cho một hoặc hai người”, Dans nói. "Nó khiến toàn bộ cộng đồng gặp rủi ro".
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp