Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Du lịch Việt Nam: Giải 'bài toán' nhân lực du lịch giai đoạn hậu COVID-19

Nhân sự

14/07/2022 08:23

Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, du lịch Việt Nam đã nhanh chóng khởi sắc trở lại với nhiều điểm đến, sản phẩm trải nghiệm cùng các dịch vụ lưu trú, vận tải được du khách đón nhận.

Song, một trong những khó khăn hiện nay đối với ngành du lịch là đảm bảo nguồn nhân lực cả về lượng và chất, góp phần phát triển bền vững du lịch từng địa phương cũng như tăng khả năng cạnh tranh cho du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thuận lợi đi đôi với thách thức

Các chuyên gia cho rằng, nhân lực du lịch Việt Nam đang đứng trước nhiều thuận lợi như: Nhu cầu tuyển dụng của các cơ sở, doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, lưu trú, dịch vụ ẩm thực tại các địa phương trọng điểm đều đang tăng cao trong giai đoạn hậu COVID-19. Bên cạnh đó, Việt Nam và các quốc gia ASEAN đã có những biện pháp và thỏa thuận tích cực khuyến khích tự do di chuyển lao động có tay nghề, do đó lao động nghề du lịch chất lượng cao của Việt Nam có thể di chuyển và tham gia thị trường lao động nghề du lịch của các nước khác trong khu vực.

Đề cập về nhu cầu thị trường lao động đối với nhân lực du lịch, dịch vụ và khả năng đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn cho rằng: Ở nhiều địa bàn trọng điểm du lịch trong cả nước, các hoạt động tuyển dụng đang diễn sôi nổi, đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển.

Ngày hội tuyển dụng tổ chức tại Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn vào giữa tháng 5 đã ghi nhận nhu cầu tuyển lao động của nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nhà hàng - khách sạn tại Thành phố Hồ Chí Minh, ở các vị trí việc làm như: Giám sát, quản lý lễ tân, buồng, phòng, pha chế, bếp, mức lương từ 7 triệu đồng đến 20 triệu đồng/tháng. Với kiến thức vững, khả năng thực hành thuần thục, thể hiện sự sẵn sàng, tích cực đảm nhận công việc, nhiều sinh viên của trường đã gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.

Du lịch Việt Nam: Giải 'bài toán' nhân lực du lịch giai đoạn hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Ngành du lịch cần nguồn nhân lực lớn để phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19.

Thị trường lao động khởi sắc, số lao động cần tuyển tăng, các cơ sở đào tạo kịp thời cung ứng được một phần nhu cầu nhân lực là những thuận lợi đáng kể để du lịch nhiều địa phương nhanh chóng phục hồi, phát triển. Nhưng bên cạnh những thuận lợi, vấn đề nhân lực ngành du lịch cũng đang đối diện với nhiều thách thức, khó khăn.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch: Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề Du lịch đang tạo điều kiện để các nước trao đổi nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và bối cảnh phát triển công nghệ số. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với đào tạo nhân lực du lịch Việt Nam đạt chuẩn chất lượng quốc tế để đưa các khung trình độ quốc gia phù hợp với khung tham chiếu trình độ ASEAN. Việc phát triển các chương trình đào tạo nhân lực phù hợp nhu cầu và xu hướng mới về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu cũng là thách thức đối với các cơ sở đào tạo du lịch Việt Nam, đòi hỏi nỗ lực của lực lượng quản lý và giảng viên để cập nhật nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ, nếu không sẽ bị tụt hậu.

Quan tâm vấn đề nhân lực du lịch tại một trong những khu vực trọng điểm là Đồng bằng sông Cửu Long từ góc độ người sử dụng lao động, ông Võ Minh Hiếu, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ VeXeRe nhận định: Thách thức lớn đối với các địa phương trong vùng là cần có nguồn nhân lực chất lượng cao với tri thức phong phú và toàn diện, giỏi kỹ năng chuyên môn, thành thạo ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng khắt khe. Mức độ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao phục vụ chiến lược phát triển du lịch tại nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là khu vực nông thôn và duyên hải đang ở mức báo động. Nhiều lao động, trong đó có lao động du lịch, dịch vụ, do chênh lệch mức sống và cơ hội việc làm đã chọn định cư ở vùng kinh tế khác, kéo theo tỷ lệ tăng dân số tại vùng trong giai đoạn năm 2009 đến 2019 gần bằng không. Không chỉ thiếu về lượng, nguồn nhân lực tại nhiều địa phương trong vùng cũng chưa đáp ứng yêu cầu về chất. Thống kê từ Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, thời điểm trước khi ảnh hưởng dịch COVID-19, năm 2018, toàn vùng có khoảng 85% lao động du lịch chưa qua đào tạo.

Tăng cường liên kết, hợp tác trong đào tạo

Liên quan đến các giải pháp đáp ứng nguồn nhân lực du lịch, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: Người lao động cần tích cực học hỏi các kỹ năng sử dụng công nghệ số, liên tục phát triển các kỹ năng "mềm", trau dồi các kỹ năng như giao tiếp, lấy khách hàng làm trung tâm, tiếp thị và quảng bá… Doanh nghiệp sử dụng lao động tăng cường tổ chức đào tạo tại chỗ cho người lao động về công nghệ thông tin, kiến thức về dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và công nghệ thân thiện với môi trường theo kế hoạch cả trung và dài hạn. Doanh nghiệp cần rà soát, cập nhật quy định, chính sách về hỗ trợ việc làm, đánh giá, phân loại lao động; tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin về mô hình kinh doanh mới, thị trường và sản phẩm mới.

Nhấn mạnh sự cần thiết của việc liên kết, hợp tác trong hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thông tin: Thành phố có thuận lợi là trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong những trung tâm du lịch của đất nước, nơi tập trung lượng lớn doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Đồng thời, Thành phố cũng là một trung tâm giáo dục, đào tạo nghề lớn với hơn 70 cơ sở đào tạo du lịch các cấp, chiếm tỷ lệ cao so với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, hàng năm cung cấp khoảng 17% lực lượng lao động du lịch có tay nghề, trình độ chuyên môn phù hợp cho các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Du lịch Việt Nam: Giải 'bài toán' nhân lực du lịch giai đoạn hậu COVID-19 - Ảnh 2.

Khách du lịch đi xuồng tham quan Rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên, An Giang). Ảnh: Thanh Sang- TTXVN

Xác định tầm quan trọng của nguồn nhân lực, Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều tỉnh, thành phố đã và đang liên kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Từ năm 2019 đến nay, Thành phố đã ký kết thỏa thuận với năm vùng du lịch và hai thành phố là Hà Nội và Đà Nẵng, trong đó công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch là một trong những nội dung cơ bản được ký kết.

Triển khai các nội dung hợp tác, Sở Du lịch thành phố phối hợp với Tổng Công ty Du lịch Saigontourist, cụm du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam Bộ tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng ngắn hạn về du lịch, với các chuyên đề về kỹ năng quản lý khách sạn nhỏ và homestay, quản lý điểm đến và phát triển sản phẩm du lịch tại địa phương. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở đào tạo của Thành phố Hồ Chí Minh chủ động liên kết với các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức đào tạo chuyên môn về nghiệp vụ khách sạn, lữ hành cho hàng ngàn lao động.

Để nâng cao hiệu quả chương trình liên kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất: Từng địa phương tiếp tục chủ động rà soát nhu cầu, đề xuất các nội dung cần được đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhân lực. Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ giới thiệu giảng viên và xây dựng nội dung phù hợp yêu cầu từng địa phương, tạo thuận lợi nhất cho người lao động tham gia, tiếp cận những kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, các cụm du lịch thống nhất các nội dung tổ chức chương trình bồi dưỡng tập trung cho các doanh nghiệp, nhà quản lý, tạo điều kiện để doanh nghiệp chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và cập nhật những kiến thức mới về công tác quản lý và phát triển sản phẩm du lịch. Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh, thành phố khi có các chương trình hợp tác đào tạo quốc tế, các hội thảo chuyên đề, lớp du học tại chỗ, ngắn hạn, kịp thời giới thiệu đến các địa phương để cùng tham gia.

Đề cập giải pháp bổ sung, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với loại hình du lịch chủ đạo của Đồng bằng sông Cửu Long là du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, ông Võ Minh Hiếu, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ VeXeRe đề xuất: Ngành du lịch các địa phương liên kết chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo, tiếp tục rà soát, đề xuất các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khối ngành du lịch tại Đồng bằng sông Cửu Long. Các cơ sở đào tạo khối ngành du lịch địa phương xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo và cung ứng nhân lực cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, tại vùng đồng bằng cần quan tâm đến nhóm nhân lực gián tiếp phục vụ các hoạt động du lịch, nhóm lao động phổ thông, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, góp phần nâng cao nhận thức ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp đến du khách. Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long cũng cần tăng cường thu hút các chuyên gia, trí thức trong nước và kiều bào có trình độ chuyên môn cao đảm nhiệm công tác nghiên cứu khoa học, tư vấn chiến lược, chương trình phát triển du lịch tại địa phương.

TTXVN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement