14/12/2023 16:14
Dự báo xuất khẩu gạo nửa đầu năm 2024 tiếp tục khả quan
Xuất khẩu gạo nửa đầu năm 2024 dự báo tiếp tục khả quan khi các đối tác chủ chốt của Việt Nam có nhu cầu tăng nhập khẩu.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, sản lượng gạo xuất khẩu 11 tháng đầu năm của Việt Nam đã đạt mức 7,8 triệu tấn thu về kim ngạch 4,4 tỷ USD. Đây chính là những con số kỷ lục, cao nhất tính từ năm 1989 trở lại đây và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới.
Ghi nhận, thị trường số một của gạo Việt Nam tiếp tục là Philippines, hiện nay chiếm khoảng 35% thị phần gạo Việt Nam xuất khẩu. Trong thời gian 11 tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu sang quốc gia này đạt mức 2,63 triệu tấn, tương ứng với 1,41 tỷ USD.
Từ năm 2021, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam diễn biến tương đối phức tạp. Cụ thể, đầu năm 2021, giá gạo đạt ngưỡng 550 USD/tấn, tuy nhiên đến khoảng giữa năm 2022, con số này đã giảm xuống sát mức 460 USD/tấn, sau đó đã tăng cao đột biến trong năm 2023. Còn giá thời điểm cao nhất được ghi nhận vào tháng 10/2023, đạt mức 640 USD/tấn. Đặc biệt, một số doanh nghiệp có thể đạt được thỏa thuận sát ngưỡng 800 USD/tấn.
Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - ông Lê Thanh Hòa cho biết, sản phẩm gạo xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn là gạo trắng, chiếm đến hơn 60% trong cơ cấu và đạt hơn 2,3 tỷ USD giá trị. Gạo Việt Nam đang ngày càng có nhận diện về thương hiệu ở trên bản đồ thế giới.
Ông Lê Thanh Hòa cho biết, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Bởi vì lượng hàng tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn. Chính vì thế mà đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Ông Hòa dẫn chứng: “Nhu cầu nhập khẩu của các nước sẽ có sự biến động. Một số quốc gia sẽ giảm như Brazil, Ai Cập, Ghana,... tuy nhiên một số nước, trong đó có bạn hàng lớn của Việt Nam - Indonesia lại dự báo tăng khoảng 600.000 tấn. Bên cạnh đó, tính trong năm 2023, Philippines - là một đối tác quan trọng khác của Việt Nam tiến hành nhập khẩu gạo hơn 2,8 triệu tấn, trong đó 90% khối lượng được nhập khẩu từ Việt Nam và 4,5% từ Thái Lan đạt mức 126.560 tấn, 4,3% từ Myanmar đạt mức 120.538 tấn, còn lại là đến từ Pakistan, Ấn Độ, Campuchia”.
Mặc dù thị trường xuất khẩu gạo được dự báo là khả quan, tuy nhiên theo ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, khó khăn lớn nhất khi thực hiện chuỗi giá trị lúa gạo mà Tập đoàn đang gặp phải hiện nay chính là nguồn tiền để mua lúa khi mà nông dân vào vụ thu hoạch rộ. Và chỉ trong thời gian ngắn, doanh nghiệp phải xoay sở để có đủ nguồn tiền rất lớn để mua hết sản lượng lúc trong vùng nguyên liệu liên kết.
Cũng theo ông Thuận, hiện nay mỗi năm Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu sang thị trường Philippines khoảng 700.000 tấn gạo. Cũng từ đó, ông Thuận đề xuất phía Philippines có thể hợp tác và lập công ty tài chính để cung cấp vốn cho chuỗi liên kết lúa gạo của Tập đoàn Lộc Trời, sau đó là nhận lại bằng nguồn gạo nhập khẩu.
Ông Thuận nói thêm, doanh nghiệp chính là cầu nối trong chuỗi giá trị lúa gạo, nông dân sản xuất và cung cấp lúa nguyên liệu cho doanh nghiệp, doanh nghiệp chế biến cũng như cung ứng ra thị trường. Muốn tạo thành chuỗi được thì cần phải tổ chức vùng nguyên liệu, chuyển giao quy trình sản xuất cho nông dân. Đồng thời cùng nhau chia sẻ lợi ích từ chuỗi lúa gạo cách hợp lý, để cho nông dân họ đồng hành gắn bó lâu dài. Song song đó là đảm bảo chất lượng, uy tín thương hiệu để giữ được thị trường đang xuất khẩu ổn định.
Đối với phía cơ quan quản lý, ông Lê Thanh Hòa cho biết, hiện tại thị trường lúa gạo đang diễn ra xu hướng chuyển đổi sản xuất một cách bền vững, phát triển và tiêu dùng xanh. Ngoài ra, yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu ngày càng cao, các nước đang ngày càng nâng cao các biện pháp, rào cản kỹ thuật để có thể hạn chế, kiểm soát hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Chính vì thế, các doanh nghiệp đi vào vấn đề chất lượng, thay vì quá quan tâm đến năng suất, sản lượng như thời gian trước đây.
Đưa ra dự báo về thị trường cuối năm cũng như nửa đầu năm 2024, ông Lê Thanh Hòa cho rằng, tình hình tiếp tục thuận lợi.
Ông Lê Thanh Hòa đề xuất các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường lúa gạo dịch chuyển sang xu hướng phát triển xanh, tiêu dùng xanh, ông khuyến cáo các doanh nghiệp đi sâu vào vấn đề chất lượng, thay vì quá quan tâm đến năng suất, sản lượng như thời gian trước đây.
“Yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu ngày càng cao, các nước đang ngày càng nâng cao các biện pháp, rào cản kỹ thuật để hạn chế, kiểm soát hàng nhập khẩu từ nước ngoài”, ông Hòa chia sẻ tại hội thảo.
Ông Hòa cũng đề nghị Bộ Công Thương tập trung nghiên cứu và chia sẻ thông tin thị trường; đánh giá cũng như dự báo dài hạn nhu cầu, thị hiếu; ưu tiên nguồn lực xúc tiến thương mại và kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm để có thể thúc đẩy xuất khẩu gạo. Song song với đó là đề nghị Ngân hàng Nhà nước đảm bảo nguồn tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, giúp các chuỗi liên kết được bền vững.
Năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh trong bối cảnh thị trường lúa gạo thế giới chịu nhiều biến động. Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu, hạn chế xuất khẩu đã góp phần đẩy mạnh nguồn cung gạo từ Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam ước đạt 7,75 triệu tấn về sản lượng và 4,41 tỷ USD về giá trị, tăng tương ứng 16,2% và 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng ước đạt 568 USD/tấn, tăng 17,3% so với cùng kỳ.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp