Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Dự báo 3 kịch bản tăng trưởng nửa cuối năm 2023

Phân tích

11/07/2023 09:20

Tại Hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023” được tổ chức vào ngày 10/7, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra 3 kịch bản dự báo cho kinh tế Việt Nam năm 2023.

Nếu triển vọng lạc quan, tăng trưởng GDP có thể ở mức 6,46%

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM nhận định mặc dù còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra, song tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã ghi nhận sự cải thiện, cụ thể là quý I đạt 3,28%, quý II là 4,14% và 6 tháng đầu năm đạt 3,72%.

Trên cơ sở này, CIEM cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng. Theo đó, kịch bản 1 là: Giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối của các năm 2021-2022. Tăng trưởng GDP khả năng đạt 5,34% trong năm 2023; trong đó xuất khẩu cả năm giảm 5,64% và chỉ số CPI bình quân tăng 3,43%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 9,1 tỷ USD.

Kịch bản 2: Giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong kịch bản 1 về các yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam. CIEM kỳ vọng tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72% trong năm, xuất khẩu giảm 3,66% và CPI bình quân tăng 3,87%, cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 10,3 tỷ USD.

Dự báo 3 kịch bản tăng trưởng nửa cuối năm 2023 - Ảnh 1.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Kịch bản 3: Lạc quan hơn với giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn…) và sự quyết liệt trong cải cách, điều hành ở Việt Nam. Nhờ vậy, hoạt động giải ngân và hấp thụ đầu tư công, tín dụng đạt kết quả tối đa. Môi trường kinh doanh và năng suất lao động tiếp tục cải thiện. Hoạt động đầu tư được thúc đẩy và thực hiện theo hướng hiệu quả hơn. Ở kịch bản này, CIEM kỳ vọng tăng trưởng GDP có thể ở mức 6,46% trong năm 2023. Theo đó, xuất khẩu cả năm chỉ giảm 2,17%, CPI bình quân tăng 4,39%, cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỷ USD.

Cần nhìn thẳng vào những khó khăn của nền kinh tế

Cũng tại hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh khẳng định Việt Nam vẫn duy trì cách tiếp cận toàn diện, kết hợp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Với cách tiếp cận đó, yêu cầu quan trọng là phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

"Chính phủ đã đánh giá sát sao, thận trọng đối với các xu hướng, vấn đề kinh tế quốc tế và trong nước, từ đó phát huy tác động tích cực hướng tới giảm thiểu các tác động bất lợi từ bên ngoài. Nổi bật nhất là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và bảo đảm an sinh xã hội", bà Minh nhấn mạnh.

Theo bà Minh, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển và lại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển năng động. Chính vì vậy, tăng trưởng kinh tế luôn là một mục tiêu quan trọng. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội chính là những nền tảng không thể thiếu. Song, Việt Nam vẫn phải phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra, trong đó có thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng, có tính bền vững.

Để đạt được các mục tiêu trên, Viện trưởng CIEM cho rằng Chính phủ cần nhìn thẳng vào những vấn đề khó khăn của nền kinh tế, giải trình hiệu quả các nội dung liên quan, như kết quả tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm, định hướng lựa chọn tăng trưởng kinh tế hay lạm phát hoặc cả hai.

Phân tích về các yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế từ nay đến cuối năm, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) đề cập đến khả năng duy trì mức độ thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế chủ chốt.

Cụ thể, các nền kinh tế lớn sẽ gia tăng cạnh tranh chiến lược (cả về địa chính trị, kinh tế, công nghệ). Tuy nhiên, xu hướng cân bằng hợp tác theo hướng tránh "chọn bên" sẽ phổ biến hơn ở các nền kinh tế có quy mô nhỏ và trung bình. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục có sự chuyển dịch trong bối cảnh các nước đang chuẩn bị thực thi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu.

Đối với trong nước, ông Dương nhấn mạnh về tiến độ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và hài hòa, song hành chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

MINH NGỌC
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement