17/01/2017 10:10
Dự án nghỉ tết, lô cốt vẫn chiếm đường ở TP.HCM
Những năm trước đây, khi tết đến, TP.HCM thường yêu cầu các nhà thầu tháo dỡ rào chắn (lô cốt), trả lại mặt đường thông thoáng cho người dân.
Năm nay TP chấp thuận cho tồn tại 58 lô cốt nhưng chỉ có 11 công trình duy trì thi công.
Tình trạng hàng loạt các dự án nghỉ tết nhưng lô cốt vẫn tồn tại gây bức xúc cho nhiều người.
Tết cũng không "tha"
Trong 58 lô cốt được duy trì trong dịp tết, hầu hết thuộc các dự án trọng điểm về hạ tầng kỹ thuật của TP như dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên có 15 lô cốt tồn tại trên địa bàn trung tâm Q.1, dọc đường song hành xa lộ Hà Nội (Q.2), đường Nguyễn Văn Bá (Q.Thủ Đức).
Dự án Cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 2 (gói thầu K) có đến 18 lô cốt duy trì chiếm dụng mặt đường trên địa bàn các quận 4, 5, 6, 8.
Là một trong những điểm có lô cốt được tồn tại xuyên qua tết, tuyến đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp) nhiều tháng nay luôn xảy ra tình trạng kẹt xe khủng khiếp, nhất là đoạn đường nối với Phạm Văn Đồng khi con đường này đang có dự án nâng cấp đường Phan Văn Trị.
Anh Quang, một người dân sống ở đây cho biết tình trạng kẹt xe liên tục từ sáng đến tối, đoạn từ cầu Hang giao với Nguyễn Oanh, Phạm Văn Đồng.
“Từ ngày lô cốt xuất hiện trên đường Phan Văn Trị tôi phải mất thêm 30 - 45 phút mới đi đến được chỗ làm. Khu vực này có nhiều bệnh viện, nhà hàng, siêu thị và đặc biệt là mới đây có mọc thêm khu đô thị City Land nên tình trạng kẹt xe càng trở nên trầm trọng”, anh Quang cho hay.
Nghe tin lô cốt ở khu vực này sẽ được duy trì trong dịp tết, anh Quang không khỏi ngán ngẩm: “Chịu đựng bao ngày tháng, đến tết vẫn không tha thấy oải quá”.
Những hộ dân kinh doanh xung quanh khu vực chợ Kim Biên, Q.5 mấy tháng nay điên đầu vì lô cốt bủa vây. Theo chủ một cửa hàng tạp hóa tại đây, sự xuất hiện của lô cốt vào đúng dịp cao điểm mua bán cuối năm đã ảnh hưởng rất lớn đến việc làm ăn của các tiểu thương, người dân do đường sá chật hẹp, đường vào khó khăn, khách không ghé vào mua đồ và nhất là tiếng ồn và bụi bặm.
Quá ế ẩm, nhiều hộ kinh doanh đã đem đồ ra trưng bày ở ngay sát bên hàng rào lô cốt, thậm chí có người còn tận dụng hàng rào công trình để treo đồ lên bán, bất chấp nguy hiểm rình rập từ cần cẩu treo lơ lửng trên đầu.
“Chúng tôi ủng hộ việc nâng cấp đường sá, xây dựng các công trình công cộng phục vụ người dân. Tuy nhiên dự án làm xong tới đâu thì nên tháo bớt lô cốt. Dịp cao điểm cuối năm cũng cần phải dẹp lô cốt đi để tạo điều kiện cho người dân mua bán, làm ăn. Năm nay TP không những không dẹp lô cốt mà còn cho tồn tại như vậy sẽ làm cho người dân đi lại khó khăn, mua bán ế ẩm và hiểm nguy, tai nạn rình rập”, chị An, một tiểu thương ở đây bức xúc.
Khu vực gần chợ Bến Thành, công viên 23.9 (Q.1) thời điểm cuối năm, nhất là vào những giờ cao điểm, giao thông càng trở nên kẹt cứng vì 3 lô cốt công trình nằm chình ình giữa phố. Ngay góc đường Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão (Q.1), một lô cốt dài cả trăm mét “án ngữ” gây cản trở giao thông khiến nhiều người dân vô cùng bức xúc.
Không thi công thì nên tháo dỡ
Kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, Hội Cầu đường cảng TP.HCM cho rằng, nếu duy trì thi công được dịp tết thì quá hoan nghênh nhưng công nhân phải được trả lương cao, đồng thời phải có sự thỏa thuận giữa nhà đầu tư với nhà thầu.
“Thực tế, những công trình BOT, tư nhân, công nhân muốn về thì không bắt buộc họ làm được. Tuy nhiên, những công trình của nhà nước, sử dụng vốn ngân sách thì nên vận động”, ông Trường nói.
Liên quan đến tình trạng hàng loạt công trình được tồn tại lô cốt nhưng không thi công, ông Trường cho rằng tốt nhất là nên tháo dỡ nếu tháo dỡ được để người dân đi lại thuận lợi. Chỉ với một số ít công trình như metro ở trung tâm Q.1 có máy móc, thiết bị, vật tư bên trong và đang thi công dở dang, tháo ra không ai bảo vệ, không biết chuyển đi đâu thì đành phải duy trì mà thôi.
Đồng quan điểm, theo KTS Đặng Vũ Doãn, Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM, trong dịp nghỉ tết, nếu không thi công thì chủ đầu tư nên tháo dỡ các lô cốt để người dân bớt khổ vì cả năm họ đã phải chịu trận rồi. Đã không thi công thì không nên giữ lại mấy chục lô cốt như vậy, vừa gây mất mỹ quan đô thị, vừa khiến việc đi lại khó khăn.
Cũng theo ông Doãn, Tết Nguyên đán năm nay thời gian nghỉ chỉ khoảng 1 tuần nên nhiều người lao động không về quê mà ở lại TP nên không ít người sẵn sàng làm việc thêm. Chỉ cần chủ đầu tư, nhà thầu trả công cao gấp rưỡi, gấp đôi ngày thường là có thể huy động lực lượng tập trung đẩy nhanh tiến độ công trình.
Ủng hộ tăng cường đào đường trong dịp tết, KTS Ngô Viết Nam Sơn, một chuyên gia về giao thông đô thị cho rằng đây là ý kiến hay vì dịp này đường phố ít người đi lại, vỉa hè cũng thông thoáng hơn. Thế nhưng về nguyên tắc thì chi phí nhân công dịp Tết Nguyên đán sẽ cao hơn rất nhiều so với ngày thường và ít người chấp nhận làm vào ngày 30 tháng chạp, mùng 1 và mùng 2 tết.
“Nhà thầu có thể thương lượng về việc phân ca sắp xếp để các đội thi công trước và sau 3 ngày nghỉ này. Có thể thưởng cho những người chịu làm thêm trong các ngày tết, nhằm vào đối tượng muốn tránh đi lại vào thời gian cao điểm tàu - xe nên họ có thể chấp nhận lấy ngày nghỉ nhiều hơn trước tết hoặc sau tết để bù lại. Cách làm này có thể rút kinh nghiệm để áp dụng cho sang năm, vì năm nay có thể đã trễ rồi, phần lớn công nhân đã mua vé trước theo lịch nghỉ quy định”, ông Nam Sơn đề xuất.
Advertisement
Advertisement