24/04/2020 06:55
Dự án bất động sản “đứng hình” vì cán bộ đùn đẩy hồ sơ?
Phải chăng do tâm lý e ngại, đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước mà hàng loạt dự án bất động sản ở TP.HCM “đứng hình” ?
Hồ sơ chuyển qua đẩy lại
Nói về sự đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở TP.HCM khi giải quyết hồ sơ, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, 12 tháng trao đổi vẫn không có kết quả. Hiện tại, ông triển khai dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên, huyện Bình Chánh nhưng gặp nhiều khó khăn vì bị kẹt hồ sơ. Theo phê duyệt, dự án cao 15 tầng, mật độ xây dựng 30% nhưng hệ số sử dụng đất chỉ được cho là 2.0.
Hàng loạt dự án bất động sản đang đứng hình vì pháp lý khó khăn. |
Ông Nghĩa nói rằng, công ty mình không làm được vì hệ số 2.0 là lấy hệ số của nhà ở thấp tầng đi áp cho nhà ở cao tầng. Ông tính toán, lấy 15 tầng đó nhân cho 30% sẽ ra hệ số sử dụng đất là 4.5. Đó là chưa kể đối với nhà ở xã hội được ưu đãi hệ số sử dụng đất thêm 50%, tức là 6.75.
“Bây giờ cho 2.0 thì chúng tôi phải làm sao? Hồ sơ chúng tôi trình lên thì bị bác, nói làm sai quy hoạch. Chúng tôi lấy hệ số 2.0 tính ngược lại thì chỉ ra nhà ở 5 tầng, là loại nhà ở thấp tầng. Nhưng nếu làm như vậy cũng sai vì khu này là quy hoạch… nhà ở cao tầng. Gần 1 năm rồi chúng tôi không biết làm sao”, ông Nghĩa nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai nói rằng, dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) có quy mô 91ha đã mất 3 năm nhưng chưa thể làm xong thủ tục. Kế hoạch sử dụng đất công ty đăng ký đến nay cũng đã hết hạn, khi xin gia hạn thì không được chấp thuận. Điều này khiến công ty thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng vay lãi ngân hàng cũng như lãi phải trả cho các đối tác liên doanh.
“Các đối tác nước ngoài đầu tư vào dự án của chúng tôi đã nản, muốn rút khỏi dự án. Chúng tôi rất đau lòng, không biết thủ tục dự án sẽ đi đâu về đâu”, bà Loan nói.
Dự án Khu dân cư Phước Kiển đã được chấp thuận đầu tư từ năm 2017 nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa được giao đất để thực hiện. Nguyên nhân là do dự án có quỹ đất hỗn hợp, trong đó có phần đất nông nghiệp phải chuyển mục đích sử dụng nên công ty phải quay lại Sở Kế hoạch Đầu tư để làm lại các bước thủ tục từ đầu.
Ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Địa ốc Xanh nói, công tác giải quyết công việc của các cơ quan ban ngành ở TPHCM còn nhiều bất cập dẫn đến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án.
Dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) có quy mô 91ha đã mất 3 năm nhưng chưa thể làm xong thủ tục. |
Ông Đực lấy ví dụ, công ty của ông có một dự án nhỏ khoảng 3.700m2 nhưng đóng tiền sử dụng đất mãi không xong. Từ ngày có hồ sơ thụ lý tại Chi cục thuế quận 8, sau đó chuyển đến Cục thuế TP.HCM rồi gửi lên Sở Tài nguyên Môi trường cho đến nay đã 24 tháng nhưng chỉ được đóng tiền một phần.
Còn phần lộ giới trước đây từ 40m2 nay giảm còn 30m2, nghĩa là phần diện tích sử dụng của doanh nghiệp được tăng lên 125m2 nhưng hồ sơ xin nộp tiền của công ty bị chuyển đi lòng vòng khiến mọi hoạt động của dự án đều không thể triển khai.
“Sau khi được chấp nhận chủ trương đầu tư, phải chờ chuyển lại Sở Tài nguyên Môi trường rồi sở này mới trình cho qua UBND TP.HCM. Khi đó, tôi mới được sử dụng phần diện tích 125m2 đã đóng”, ông Đực nói.
Theo ông Đực, đây không phải là vấn đề quá khó để hồ sơ bị “ngâm” quá lâu như vậy. Thực tế có hàng trăm dự án giảm lộ giới đều đã gặp phải hoàng cảnh tương tự. Riêng công ty của ông đã chuyền đi chuyền lại 2 năm, gửi đơn kêu cứu 4 lần nhưng đến nay không tiến triển. Ông Đực kiến nghị, TPHCM nên phát triển phong trào “3G” gồm giảm luật lệ, gom thủ tục và gấp.
Cán bộ sợ trách nhiệm
Nhiều doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM đặt câu hỏi, cùng mặt bằng pháp lý như nhau, vì sao các dự án nhà ở TP.HCM bị vướng, còn các địa phương khác thì không? Lý giải về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, tình trạng này bắt nguồn từ các nguyên nhân như pháp luật chưa thật đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ. Phương thức xây dựng các luật phổ biến theo kiểu “luật khung”, luật ống” dẫn đến khó đấu tranh với các lợi ích cục bộ của bộ, ngành đề xuất Luật.
Tại sao cùng mặt bằng pháp lý như nhau, vì sao các dự án nhà ở TP.HCM bị vướng, còn các địa phương khác thì không? |
“Việc thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế do một số cán bộ, công chức Nhà nước có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến bất động sản có biểu hiện thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, chuyển hồ sơ lòng vòng, không dám nêu chính kiến giải quyết”, ông Châu nói thêm.
Ngay chính Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách đô thị Võ Văn Hoan, trong văn bản số 1255/UBND-ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn TP.HCM cũng thừa nhận nhiều dự án bất động sản gặp khó là do cán bộ sợ trách nhiệm.
“Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, rà soát lại thủ tục pháp lý dẫn đến tình trạng đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lý Nhà nước”, văn bản nêu.
Trong năm 2019, TP.HCM chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án so với cùng kỳ. 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án. Ngoài ra, thành phố chỉ có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, giảm 30 dự án. |
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp