20/11/2021 08:04
Dòng tiền eo hẹp khiến mục tiêu xuất khẩu tiêu đạt 1 tỷ USD trong năm nay gặp khó
Giá tiêu hôm nay giảm 500 đồng/kg tại các địa phương trồng tiêu trọng điểm Đông Nam bộ. Thị trường tiêu dao động 82.000 - 84.500 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay cao nhất ở ngưỡng 84.500 đồng/kg được ghi nhận ở Bà Rịa - Vũng Tàu, thấp nhất 82.000 đồng/kg tại Gia Lai.
Tại Đắk Nông (Gia Nghĩa) và Đắk Lắk (Ea H'leo) là 83.000 đồng/kg, Bình Phước là 83.500 đồng/kg, Đồng Nai là 82.500đồng/kg.
Như vậy, giá tiêu trong nước hôm nay giảm 500 đồng/kg tại khu vực Đông Nam Bộ, đi ngang ở các tỉnh Tây Nguyên so với phiên giao dịch trước đó.
Giá tiêu thế giới tại sàn Kochi, Ấn Độ ở mức 41.300 rupee/tạ.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu trong nửa đầu tháng 11/2021 đạt 8.248 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 37,21 triệu USD, đưa xuất khẩu 10,5 tháng đầu năm đạt 237.977 tấn, giảm 5,48% về lượng, kim ngạch đạt 828,9 triệu USD tăng 45,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 4.511 USD/tấn, tăng 4,2% so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 10/2021.
Có thể thấy, từ đầu tháng 11/2021, giá tiêu trong nước liên tục sụt giảm, nhưng giá tiêu xuất khẩu vẫn tăng 4,2%. Trên trang chủ của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế vẫn niêm yết giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam không đổi từ đầu tháng.
Với kết quả như trên thì mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD trong năm nay nhiều khả năng không đạt được. Thị trường vẫn đang hy vọng dòng tiền xuất khẩu thúc đẩy giá tiêu trong nước hồi phục lại trong những ngày tới.
Thị trường trong nước vẫn đang trong đợt suy giảm. Nguyên nhân được cho là do dòng tiền eo hẹp khi đang ở chính vụ cà phê, các đại lý ưu tiên chuyển sang kinh doanh cà phê do thị trường hiện đang rất hấp dẫn. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất, xuất khẩu cũng đẩy mạnh bán hàng tồn kho để tăng nguồn vốn trong bối cảnh dòng tiền xuất khẩu chậm về do tắc nghẽn và vận chuyển hàng hóa lâu hơn bình thường.
Ngoài ra, giới đầu cơ trong nước tăng cường xả hàng để chốt lời cũng khiến giá mặt hàng này giảm mạnh. Hiện thị trường đang chờ đợi vào nguồn tiền xuất khẩu quay trở lại để các đơn vị thực hiện những đơn hàng tháng tới.
Có thể thấy, khối lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam chiếm 60% lượng hạt tiêu xuất khẩu trên thế giới nhưng 80% sản phẩm vẫn ở dạng thô. Chính vì vậy, theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, thời gian tới, mục tiêu của ngành là nâng tỷ lệ sản phẩm đã qua chế biến lên cao hơn, giảm tỷ lệ xuất khẩu tiêu thô, nhưng việc này không dễ.
Bởi chi phí cao khi đầu tư chế biến sâu; khó khăn khi tìm thị trường và đặc biệt là tiêu của Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn khắt khe của thị trường khó tính. Hiện diện tích trồng tiêu bền vững mới đạt khoảng 10%.
Theo Bộ Công Thương, năm 2021 hạt tiêu của Việt Nam đánh dấu sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu. Đáng nói, hạt tiêu đen xay và hạt tiêu trắng xay tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp