25/12/2019 17:16
Donald Trump sẽ khiến Trung Quốc vĩ đại trở lại?
Mặc dù Mỹ-Trung vừa thông qua “thỏa thuận nhỏ” nhằm giảm bớt căng thẳng thương mại, công nghệ và nhiều vấn đề khác, nhưng rõ ràng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã bước vào một kỷ nguyên cạnh tranh kéo dài.
Mối quan hệ sẽ phát triển như thế nào phụ thuộc rất lớn vào sự lãnh đạo chính trị của Mỹ - vốn đang không được tốt cho lắm. Gần đây, các thị trường tài chính đã rất vui mừng khi biết tin Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận “giai đoạn 1” để ngăn chặn sự leo thang hơn nữa của cuộc chiến thương mại song phương.
Tuy nhiên, thực chất có rất ít thứ để vui mừng. Để đổi lấy cam kết của Trung Quốc trong việc mua thêm hàng hóa nông nghiệp (và một số loại khác) từ Mỹ, cùng những nhượng bộ khiêm tốn về quyền sở hữu trí tuệ và đồng nhân dân tệ, Mỹ đã đồng ý hủy kế hoạch áp thuế quan đối với 160 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, đồng thời dỡ một phần thuế quan đã được thực thi vào ngày 1/9.
Tin tốt cho các nhà đầu tư là thỏa thuận này đã đẩy lùi một đợt thuế quan mới có thể khiến Mỹ và nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái cũng như khiến thị trường chứng khoán toàn cầu sụp đổ. Tin xấu là đây chỉ đại diện cho một thỏa thuận “đình chiến” tạm thời nữa trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược lớn hơn nhiều liên quan đến các vấn đề thương mại, công nghệ, đầu tư, tiền tệ và địa chính trị. Thuế quan quy mô lớn sẽ vẫn được giữ nguyên, và sự leo thang căng thẳng cũng có thể tiếp tục nếu một trong hai bên trốn tránh các cam kết của mình.
Kết quả là, việc Mỹ-Trung tách rời có thể sẽ gia tăng theo thời gian, và gần như chắc chắn là trong lĩnh vực công nghệ. Mỹ coi nhiệm vụ đạt được quyền tự chủ và sau đó là tối cao trong các công nghệ tiên tiến của Trung Quốc - bao gồm trí tuệ nhân tạo, mạng không dây 5G, robot, tự động hóa, công nghệ sinh học và xe tự động - là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và kinh tế. Sau khi liệt tập đoàn công nghệ Huawei (một nhà lãnh đạo 5G) và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc vào danh sách đen, Mỹ sẽ tiếp tục cố gắng kiềm chế sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc.
Các luồng dữ liệu và thông tin xuyên biên giới cũng sẽ bị hạn chế, làm dấy lên mối lo ngại về một “thế giới mạng bị chia cắt” giữa Mỹ và Trung Quốc. Và do sự giám sát của Mỹ ngày càng tăng, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Mỹ đã sụt giảm 80% so với mức 2017. Giờ đây, các đề xuất lập pháp mới đe dọa sẽ cấm các quỹ hưu trí công cộng của Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc, hạn chế đầu tư vốn mạo hiểm của Trung Quốc vào Mỹ và buộc một số công ty Trung Quốc hủy bỏ hoàn toàn các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.
Mỹ cũng ngày càng nghi ngờ hơn về các sinh viên và học giả Trung Quốc đang học tập và nghiên cứu tại Mỹ, những người có thể đánh cắp bí quyết công nghệ của Mỹ hoặc tham gia vào hoạt động gián điệp. Về phần mình, Trung Quốc sẽ ngày càng tìm cách phá vỡ hệ thống tài chính quốc tế do Mỹ kiểm soát và tự bảo vệ mình khỏi việc vũ khí hóa đồng USD.
Để đạt được điều đó, Trung Quốc có thể lên kế hoạch ra mắt một loại tiền tệ kỹ thuật số có chủ quyền, hoặc một giải pháp thay thế cho hệ thống thanh toán xuyên biên giới do Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) kiểm soát. Họ cũng có thể cố gắng quốc tế hóa vai trò của Alipay và WeChat Pay - các nền tảng thanh toán kỹ thuật số tinh vi đã góp phần thay thế hầu hết các giao dịch tiền mặt ở Trung Quốc.
Trong tất cả các khía cạnh này, những tiến triển gần đây cho thấy một sự thay đổi lớn hơn trong mối quan hệ Trung-Mỹ theo hướng phi toàn cầu hóa, phân mảnh kinh tế-tài chính, và phân chia hóa chuỗi cung ứng. Chiến lược an ninh quốc gia của Nhà Trắng năm 2017 và Chiến lược quốc phòng Mỹ năm 2018 coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” phải bị kiềm chế. Những căng thẳng an ninh giữa hai bên đang diễn ra trên khắp châu Á, từ Hong Kong và Đài Loan đến Biển Hoa Đông và Biển Hoa Nam (Biển Đông).
Mỹ lo ngại rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn đã phớt lờ lời khuyên “hãy che giấu sức mạnh và chờ đợi thời cơ” của người tiền nhiệm Đặng Tiểu Bình, đã thực hiện một chiến lược bành trướng đầy khiêu khích. Trong khi đó, Trung Quốc lo ngại rằng Mỹ đang cố gắng kiềm chế sự trỗi dậy của họ và phủ nhận những lo ngại về an ninh chính đáng ở châu Á.
Vẫn còn phải chờ xem sự cạnh tranh sẽ tiến triển như thế nào. Cạnh tranh chiến lược không có hồi kết gần như chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng chiến tranh lạnh leo thang thành chiến tranh nóng, với những tác động tai hại cho thế giới. Có thể thấy rõ lỗ hổng trong sự đồng thuận của phương Tây khi cho rằng việc để Trung Quốc gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và việc tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ buộc nước này trở thành một xã hội cởi mở hơn với một nền kinh tế tự do và công bằng hơn.
Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đã tạo ra một nhà nước giám sát “toàn trị” (theo đúng viễn cảnh mà nhà văn George Orwel đã phác ra trong tác phẩm “1984” của ông - người dân tại một đất nước giả tưởng bị giám sát mọi nơi mọi lúc), và nhân rộng hình thức chủ nghĩa tư bản nhà nước không phù hợp với các nguyên tắc thương mại tự do và công bằng.
Và hiện tại, Trung Quốc đang sử dụng sự giàu có ngày càng tăng của mình để phô diễn “cơ bắp” quân sự và tiến hành tập trận trên khắp châu Á và trên toàn thế giới.Do đó, câu hỏi đặt ra là liệu có những lựa chọn thay thế hợp lý nào cho một cuộc chiến tranh lạnh hiện đang leo thang? Một số nhà bình luận phương Tây, chẳng hạn như cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd, ủng hộ một “cuộc cạnh tranh chiến lược có kiềm chế”. Một số người khác nói về mối quan hệ Trung-Mỹ được xây dựng xung quanh “mối quan hệ hợp tác”.
Tương tự như vậy, nhà báo Fareed Zakaria từ đài CNN khuyến nghị Mỹ nên theo đuổi chiến lược can dự và kiềm chế đối với Trung Quốc. Đây là tất cả các biến thể của cùng một ý tưởng: mối quan hệ Trung-Mỹ nên liên quan đến hợp tác trong một số lĩnh vực, đặc biệt là khi xuất hiện những vấn đề toàn cầu có liên quan như khí hậu, thương mại và tài chính quốc tế, trong khi chấp nhận rằng sẽ có cạnh tranh mang tính xây dựng ở những lĩnh vực khác.
Vấn đề là Tổng thống Trump dường như không hiểu rằng một “cuộc cạnh tranh chiến lược có kiềm chế” với Trung Quốc đòi hỏi phải có sự gắn kết và hợp tác thiện chí với các nước khác. Để thành công, Mỹ cần hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của mình để đưa mô hình kinh tế mở và xã hội mở vào thế kỷ 21. Phương Tây có thể không thích chủ nghĩa tư bản nhà nước độc đoán của Trung Quốc, nhưng chính phương Tây cũng có những vấn đề còn tồn đọng phải giải quyết.
Các nước phương Tây cần ban hành các cải cách kinh tế để giảm thiểu bất bình đẳng và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính, cũng như các cải cách chính trị nhằm kiềm chế phản ứng dân túy chống lại toàn cầu hóa, trong khi vẫn phải duy trì luật pháp.
Thật không may, chính quyền Mỹ hiện tại thiếu một tầm nhìn chiến lược như vậy. Một Trump theo chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương, hẹp hòi có vẻ thích thú việc chống đối bạn bè và đồng minh của Mỹ, khiến phương Tây bị chia rẽ và không muốn trang bị đầy đủ để bảo vệ và cải cách trật tự thế giới tự do mà chính Mỹ tạo ra.
Trớ trêu thay, Trung Quốc có thể thích ông Trump tái đắc cử vào năm 2020. Ông có thể gây phiền toái trong thời gian ngắn, nhưng khi có đủ thời gian cầm quyền, ông sẽ phá hủy các liên minh chiến lược, vốn giúp tạo lập nền tảng cho sức mạnh mềm và cứng của Mỹ. Giống như một “ứng cử viên người Mãn Châu” thực thụ, ông Trump sẽ “khiến Trung Quốc vĩ đại trở lại”.
(Nguồn: TTXVN)
Chủ đề liên quan
Advertisement