13/10/2022 09:31
Doanh nông và cơ hội giữa khủng hoảng
"Ông hoàng hữu cơ": Nông nghiệp sẽ bùng nổ
Đó là nhân định của ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit, người có kinh nghiệm 30 năm gắn bó với ngành nông nghiệp và được mệnh danh là "ông hoàng hữu cơ" với khát vọng đưa nông sản hữu cơ Việt ra thị trường quốc tế. Hiện tại 65% sản phẩm Vinamit có mặt tại Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, các nước châu Âu, Bắc Mỹ…
Theo ông Viên, sau đại dịch COVID-19, nông nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt đến từ thị trường Trung Quốc. Vì Trung Quốc đang định vị lại vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến, thống nhất lại nguồn gốc xuất xứ… làm ảnh hưởng đến xuất khẩu không chỉ riêng Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác. Cộng thêm việc dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn còn kiểm soát khá nghiêm ngặt, chưa mở cửa hoàn toàn nên gây khó khăn cho hàng hóa của nhiều nước khi thâm nhập thị trường này.
Tuy nhiên sau dịch bệnh, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ trở thành một trụ cột cứu cánh cho nền kinh tế, vì sản lượng và kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp Việt Nam đóng vai trò đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam.
Nông nghiệp là hậu phương vững chắc giúp nền kinh tế sớm ra khỏi ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ngay kể cả khi dịch COVID-19 xảy ra thì nông nghiệp cũng vẫn là điểm tựa lương thực, với khả năng tạo ra nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho số đông dân cư.
Theo ông Lâm Viên, là một xứ nông nghiệp nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam chưa được phát triển đúng với tiềm năng vốn có của nó. Doanh nghiệp nông nghiệp vẫn là nhóm yếu thế. Những chính sách hỗ trợ để cho nông dân phát triển "bùng nổ" chưa có. Vậy nên trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, Việt Nam cần nhìn nhận đúng vai trò của lĩnh vực này để có những giải pháp căn cơ.
Trong đó, việc phát triển bất động sản nông nghiệp là bài toán cần cẩn trọng vì sử dụng đất nông nghiệp để phát triển bất động sản sẽ khiến đất đai nông nghiệp bị thu hẹp. "Một đất nước mà đô thị hóa hết thì khi xảy ra khủng hoảng chỉ có đói thôi", ông Viên cho biết.
Theo ông Lâm Viên, Chính phủ cần có quy hoạch rõ ràng về đất nông nghiệp để không có những biến động về đất đai. Bởi, để có đất trồng trọt, người nông dân phải mất hàng trăm năm cải tạo, nhưng làm thương mại, công nghiệp, xây dự án... thì rất nhanh.
Ông Viên nhận định, Việt Nam đã sẵn sàng cho một thế giới bùng nổ. Vùng nguyên liệu dồi dào của Việt Nam đang chờ những doanh nghiệp khai thác. Về lĩnh vực thực phẩm, ông có một niềm tin rất lớn vào thị trường thế giới, đặc biệt nhu cầu về thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên ngày càng tăng cao sau đại dịch. Vì thế các doanh nghiệp về nông nghiệp tại Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn.
"Nữ hoàng hột vịt": Chuyển đổi để phát triển
Bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc công ty TNHH Ba Huân, một trong những nhà cung cấp trứng gia cầm lớn nhất cả nước với thị phần ước tính khoảng 30%. Riêng tại TP.HCM, doanh nghiệp cung cấp khoảng 1 triệu quả trứng gia cầm mỗi ngày.
Là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thực phẩm gia cầm, công ty TNHH Ba Huân cũng không nằm ngoài sự biến đổi của thế giới và bắt đầu số hóa để gia tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu lớn mạnh của ngành nông nghiệp.
Theo Bà Phạm Thị Huân, nhà máy Ba Huân đang chuyển đổi số toàn diện từ máy móc thiết bị, áp dụng công nghệ tự động để tăng sản lượng, chất lượng đưa sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng và xuất khẩu ra thế giới với các sản phẩm trứng muối và sản phẩm chế biến sẵn.
Theo bà Ba Huân, số hóa sẽ tốn nhiều chi phí ban đầu nhưng về sau không chỉ giúp công ty gia tăng sản lượng mà còn kiểm soát được chất lượng, số lượng từ trang trại đến bàn ăn. Kiểm soát được số liệu chính xác hơn so với việc làm thủ công, đặc biệt việc tăng đàn gia cầm dễ dàng hơn. Dự kiến, FPT sẽ chuyển giao công nghệ cho Ba Huân sau 8 tháng.
Ba Huân cho biết, hiện tại công ty vẫn đang giữ thị phần chính là thị trường trong nước, với những chương trình bình ổn giá đồng hành cùng người tiêu dùng. Vì theo bà, giữa thời buổi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chi tiêu khó khăn, eo hẹp thì doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thực phẩm thiết yếu, nên đồng hành với người dân góp phần bình ổn thị trường.
Theo đó, doanh nghiệp Ba Huân sẽ tăng đàn sản lượng từ 10-20% trong dịp tết cổ truyền sắp tới nhiều chương trình khuyến mãi và hỗ trợ người tiêu dùng.
Có nên khởi nghiệp ngành nông nghiệp thời điểm này?
Theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, sau đại dịch COVID-19, đây là thời điểm tốt nhất để khởi nghiệp những ngành liên quan tới nhu cầu thiết yếu của con người như các nhóm ngành nông nghiệp, sản phẩm hàng tiêu dùng, sản phẩm liên quan đến sức khỏe và y tế...
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trẻ không nên một mình để khởi nghiệp mà nên gắn với một hệ sinh thái nào đó. Ở đó các startup sẽ được hỗ trợ về chính sách, mô hình, vốn thậm chí là những chỉ dẫn từ các doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm.
Khi các doanh nghiệp trẻ chưa đủ lực chứng minh mô hình kinh doanh của mình phát triển, thì cực kỳ khó để gọi vốn vì sau COVID-19, các nhà đầu tư đều muốn nhìn thấy khả năng sinh lời, thương mại hóa thành công hơn là tiềm năng, vì thế các startup cần gắn với một hệ sinh thái và đi cùng với họ ít nhất là 2 năm.
Nhiều bạn trẻ khi khởi nghiệp luôn quan tâm đến nguồn vốn và thích làm ra nhiều sản phẩm khác nhau. Nhưng theo bà Vân, vốn luôn có nhưng các bạn trẻ có sẵn sàng để được cấp vốn hay không là một câu chuyện khác, đặc biệt là các dự án khởi nghiệp về nông nghiệp.
Sau dịch COVID-19, các nhà đầu tư luôn mong muốn các mô hình kinh doanh phải phát triển bền vững, có khả năng tạo ra doanh thu, khả năng thương mại hóa tốt, có nền tảng để sống được. Bà Vân cho rằng, khi bắt đầu khởi nghiệp thì cần tập trung vào sản phẩm chủ lực để giúp dự án, doanh nghiệp tồn tại. Sau đó mới có thể nghĩ đến câu chuyện xa hơn là xuất khẩu thương hiệu, mô hình của mình.
Phát triển thị trường nội địa
Cùng với tiềm năng của ngành nông nghiệp tại thị trường Việt Nam, bên cạnh những doanh nghiệp lớn thì rất nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng hình thành và phát triển sản phẩm từ nông nghiệp và đưa ra thị trường thế giới.
Như thương hiệu cà phê trái cây Meet More của ông Nguyễn Ngọc Luận, Nhà sáng lập và điều hành Công ty TNHH Liên Kết Thương Mại Toàn Cầu. Cà phê hòa tan mang hương vị nông sản như xoài, khoai môn, trái nhàu, bặc hà… hiện đã có mặt tại Úc, Anh, Nhật, Ấn Độ, Nga, Mỹ, Hàn, Czech… Đây được xem là một trong rất nhiều nông sản điển hình của Việt Nam.
Theo ông Luận, khủng hoảng kinh tế thế giới đang khiến nhu cầu hàng hóa giảm trên toàn cầu. Những khó khăn này sẽ kéo dài đến hết năm 2022, thậm chí tới hết quý 1/2023. Trước tình hình đó, doanh nghiệp nên tập trung đẩy mạnh sản phẩm ở thị trường nội địa, đặc biệt là thời điểm cuối năm khi mọi ngưiời chi tiêu cho Tết Nguyên đán.
Không chỉ Meet More mà nhiều doanh nghiệp trẻ ngành nông nghiệp cũng cho ra mắt thị trường các sản phẩm tiêu dùng hướng đến sức khỏe từ thiên nhiên và xuất khẩu đi nhiều nước khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản....
Thị trường Việt Nam với hơn 100 triệu dân có tiềm năng lớn để đẩy mạnh tiêu thụ, nhưng trước đây chưa được chú trọng. Gạo, rau quả, cà phê, thủy sản từ Việt Nam đã xuất hiện ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng ngay tại Việt Nam, người dân lại không có địa chỉ để mua các loại nông sản chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Thậm chí, trong nhiều thời điểm, nông sản được mùa nhưng mất giá, phải trông chờ "giải cứu".
Để nông sản khẳng định vị thế tại thị trường trong nước, các nhà sản xuất, doanh nghiệp cần đổi mới, đa dạng phương thức kinh doanh, thúc đẩy hình thành và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản.
Theo ông Luận, các doanh nghiệp lớn, có chỗ đứng trên thị trường cần phải đi đầu, kết nối để hình thành các trung tâm bán lẻ, phân phối hiện đại, giúp các nhà sản xuất có nơi tiêu thụ hàng hóa.
Thời gian qua, thị trường đã xuất hiện không ít mô hình bán lẻ của doanh nghiệp trong nước, nhưng quy mô còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm, mở ra theo phong trào, nên khó tồn tại. Trong khi đó, các nhà bán lẻ nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam cũng rất chào đón doanh nghiệp Việt.
Có một thực tế là, lâu nay nhiều hộ nông dân đã đầu tư lớn để sản xuất theo tiêu chuẩn, nhưng rất khó bán tại thị trường nội địa. Không ít doanh nghiệp chia sẻ, họ "ngại" bán hàng ở trong nước, do thủ tục đưa hàng vào hệ thống bán lẻ rất phức tạp, khâu thanh toán thường chậm trễ… Nhưng khi có các doanh nghiệp mở chuỗi bán lẻ, tăng kết nối sản xuất tiêu chuẩn tại các vùng nguyên liệu, thì vấn đề này sẽ phần nào được giải quyết.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement